Thừa Thiên Huế: Trường nghề "khát" học viên, doanh nghiệp "đói" nguồn nhân lực

01/11/2017 00:00

(TN&MT)- Nhiều trường nghề ở Thừa Thiên Huế vẫn không tuyển được học viên dù đã được nhà nước đầu tư số tiền lớn theo lộ trình. Thực tế đó đã kéo theo nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh này không tìm được nguồn lao động (LĐ) thật sự chất lượng và phù hợp...

“Khát” học viên

Các trường nghề ở Thừa Thiên Huế đã và đang được nhà nước đầu tư số tiền lớn theo lộ trình để xây dựng và đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực ASEAN. Mặc dù là thế những vẫn đang “khát” học viên vì không tuyển được.

Theo tìm hiểu, năm 2010 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 44 cơ sở dạy nghề, nhưng đến cuối năm 2015 chỉ còn 29 cơ sở có đào tạo nghề với những nghề theo nhu cầu thị trường lao động.

Trong 45 trường được đầu tư để trở thành trường chất lượng cao, trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế là một trong số đó khi nhận được gói kinh phí gần 27 tỷ đồng đầu tư cho nghề hàn (nghề trọng điểm cấp quốc gia) và nghề kỹ thuật lắp đặt điện tử và điều khiển trong công nghiệp (nghề trọng điểm cấp khu vực ASEAN). Cứ mỗi năm, trường cử giáo viên đi đào tạo trong và ngoài nước. Vì đào tạo theo chuẩn quốc tế và khu vực nên trang thiết bị hiện đại, rất tốn kém. Trường đã hoàn thiện đưa vào sử dụng 3 xưởng thực hành, hoàn chỉnh 2 xưởng hàn, 2 phòng thí điểm vật liệu và vật...

Dù hoàng tránh là vậy nhưng để chiêu sinh nhưng nghề hàn cũng chỉ đào tạo được 14 người có trình độ cao đẳng, 183 người có trình độ trung cấp. Riêng lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp thì không có người theo học trình độ cao đẳng; trình độ trung cấp có 263 người...

Ông Trần Nam Lực, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế cho hay nhiều DN đến tuyển dụng LĐ ở các nghề hàn, điện... nhưng trường không cung ứng đủ vì không có sinh viên theo học.

Tương tự,  người học cũng “quay lưng” với trường Trung cấp nghề Quảng Điền. Đây là trường chọn nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ là nghề trọng điểm quốc gia, đã quy hoạch diện tích đất, mặt nước gần 5 ha để phục vụ cho việc đào tạo nghề... 64 người theo học trình độ sơ cấp là con số đào tạo của trường này trong hơn 5 năm.

Theo một số chuyên gia, các trường nghề nên chủ động thay đổi phương thức đào tạo, kết hợp gắn kết chặt chẽ với DN và đào tạo theo đặt hàng của DN đang là một hướng đi mới thay vì thụ động ngồi chờ sinh viên như trước đây...

“Đói” nguồn nhân lực

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 5.000 DN các loại đang hoạt động, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và vừa.

Hàng năm, các DN có nhu cầu tuyển dụng gần 20.000 LĐ ở các cấp trình độ khác nhau nhằm thay thế cho những LĐ đến tuổi nghỉ hưu, biến động LĐ, mở rộng quy mô sản xuất...

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của các DN trên địa bàn, đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương này đã tích cực, chủ động làm việc với các DN để ký kết hợp đồng đào tạo LĐ theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, việc làm này vẫn chưa được triển khai một cách rộng rãi, có hệ thống. Vì vậy, trong khi DN khó tuyển dụng được LĐ có kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp thì các trường nghề lại khó tuyển được học sinh, sinh viên.

Thống kê từ Sở LĐ- TB&XH, Thừa Thiên Huế có nguồn lao động khá dồi dào với hơn 600 ngàn người trong độ tuổi LĐ, trong đó, lực lượng LĐ trẻ chiếm tỷ lệ cao (từ 15 đến 34 tuổi chiếm 36,8%) và có gần 18.000 người bước vào tuổi LĐ mỗi năm. Tuy nhiên, số LĐ được giải quyết việc làm trên địa bàn chỉ khoảng 15.000 - 17.000 người/năm.

Mới đây nhất, tại hội thảo “Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp” ở Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần XNK và Đầu tư TT Huế cho rằng: “Hiện nay, các DN tại Huế vẫn khó tuyển dụng LĐ. DN luôn trong tình trạng “đói” lao động, còn trường nghề thì cũng “đói” học sinh, sinh viên...”.

Theo như ông Tuấn thông tin, công ty của ông hoạt động trong lĩnh vực may Kimono xuất khẩu Nhật Bản, nhưng hiện ở Huế chưa có cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào đào tạo nghề may này. Vì vậy, DN phải đi tuyển dụng lao động “chay” ở vùng nông thôn về rồi tự tay đào tạo.

Ông Michal Zitek- Đại diện của Khu nghỉ dưỡng phúc hợp Laguna Lăng Cô (huyện Phú Lộc)- một trong những DN có nhu cầu thu hút nguồn nhân tài trong ngành du lịch lớn nhất tỉnh cũng nhất trí như có đồng quan điểm của ông Tuấn.

“Với sự phát triển của ngành du lịch hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực để đáp ứng sẽ còn tăng cao trong tương lai. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, việc tìm kiếm nhân viên có trình độ phù hợp để lấp đầy các vị trí tuyển dụng tại Laguna Lăng Cô đã là một thách thức, đặc biệt là về kỹ năng phục vụ và ngôn ngữ... Nhiều đại diện các DN đều than rằng, chất lượng đào tạo nghề ở Huế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Nguồn LĐ khi tuyển mới về từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều phải được đào tạo lại rồi mới làm việc được...”, ông Zitel nói.

Bài, ảnh: Văn Dinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Trường nghề "khát" học viên, doanh nghiệp "đói" nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO