Một số dự án giao thông lớn tại Thừa Thiên – Huế hiện nay đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, nguyên nhân là đất san lấp thiếu.
“Bài toán” đất nền
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn đi qua Thừa Thiên - Huế là một trong những dự án lớn và quan trọng của quốc gia. Theo đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, ngay sau Tết, các nhà thầu đã ra quân đồng loạt thi công dự án, tăng tốc về đích vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, thiếu nguồn đất nền nên việc điều phối nguồn đất giữa các gói thầu trên tuyến khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ.
Hiện nay tại gói thầu 5 và 6 của dự án đang thi công tuyến chiều dài hơn 16km đi qua địa bàn xã Phong Sơn, Phong Xuân (huyện Phong Điền) thiếu nguồn đất để đắp nền đường khoảng 370.000m3.
Các chủ thầu thi công ở đây chia sẻ, theo hồ sơ kỹ thuật, nguồn đất san lấp phục vụ thi công 2 gói thầu trên được lấy từ các mỏ ở huyện Phong Điền. Tuy nhiên đến nay tại mỏ Hiền Sỹ (xã Phong Sơn) đã hết hạn khai thác và mỏ Động Đá (xã Phong Thu, huyện Phong Điền) vẫn chưa hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác.
“Hiện nhà thầu phải đi mua đất trên thị trường để thi công một số đoạn, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế vì khối lượng đất rất hạn chế, cự ly vận chuyển lại xa nên sẽ không đảm bảo phương án tài chính ban đầu” - đại diện nhà thầu chia sẻ.
Trong khi đó, dự án đường cứu hộ, cứu nạn (CNHN) Phong Điền - Điền Lộc dài 16,5 km, có điểm đầu nối với QL1A (thị trấn Phong Điền) và điểm cuối đến biển Điền Lộc (Phong Điền) khởi công từ năm 2018 nhưng đến nay chỉ đạt gần 40% khối lượng công việc. Năm 2022, dự án này được bố trí 94 tỷ đồng để hoàn thành, nhưng hiện nay tiến độ thi công đoạn cuối từ Tỉnh lộ 4 đến Quốc lộ 49B dài hơn 3km đi qua địa bàn xã Điền Lộc rất chậm. Đoạn này phải thi công phần lớn ở trên nền đất ruộng và cần khối lượng đất và cát san lấp ước tính hơn 250.000 m3 nhưng nguồn cung đang thiếu.
Đại diện Công ty CP Thành Đạt thi công phần cuối của dự án cho biết, hiện nay việc mua được đất san lấp rất khó khăn vì ở các mỏ rất khan hiếm, đơn vị phải loay hoay đi tìm...
Còn với dự án đường Phú Mỹ - Thuận An có chiều dài gần 4,2 km, tại gói thầu 16 của dự án xây dựng tuyến dài gần 3 km và đang cần hơn 200.000 m3 nhưng đơn vị vẫn chưa tìm được nguồn đất. Trong trường hợp không thể tìm được nguồn đất san lấp, nguy cơ gói thầu này sẽ ngưng trệ, ảnh hưởng chung đến tiến độ thi công toàn dự án.
Gấp rút các phương án
Ông Tạ Gia Minh Hưng, Trưởng phòng Điều hành dự án 2, Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn) cho biết, để thi công các gói thầu trên tuyến cao tốc đi qua địa bàn Thừa Thiên - Huế có tổng khối lượng đào, đắp đất rất lớn. Cao tốc có nhu cầu đất đắp lấy từ mỏ đất khoảng 1,99 triệu m3. Hiện đã có 5 mỏ, trong đó có 3 mỏ trên địa bàn tỉnh được cấp phép, đủ điều kiện khai thác với tổng trữ lượng khoảng 1,6 triệu m3.
Dự kiến, sẽ còn thiếu khoảng 0,37 triệu m3, gồm gói thầu 5 thiếu 0,2 triệu m3 sẽ lấy từ mỏ Động Đá (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền), UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt trữ lượng, dự kiến cuối tháng 3/2022 sẽ đưa vào khai thác và gói thầu 6 thiếu 0,17 triệu m3, sẽ lấy từ mỏ Hiền Sỹ (Phong Sơn), UBND tỉnh cũng đã phê duyệt bổ sung diện tích, dự kiến tháng 4/2022 sẽ đưa vào khai thác.
“Chúng tôi mong các sở, ngành chức năng địa phương quan tâm tháo gỡ vướng mắc (nếu có) để các mỏ sớm hoạt động, cung ứng vật liệu đảm bảo khối lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu theo tiến độ chung của cao tốc qua địa bàn tỉnh”, ông Hưng nói.
Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, theo tính toán khối lượng đất, cát cần để đắp nền các dự án hiện nay đơn vị làm chủ đầu tư thực hiện trong năm nay còn thiếu khoảng hơn 500.000 m3; trong đó chưa kể Dự án đường ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An chuẩn bị khởi công theo tính toán cũng cần khoảng 400.000 m3. Nhu cầu cần đất đắp nền khá lớn trong khi đó nguồn cung từ các mỏ rất khan hiếm, nguy cơ dẫn đến làm chậm tiến độ các dự án rất cao. Đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh và sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ để tăng nguồn cung đất san lấp cho các công trình giao thông.
Cách đây ít ngày, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng vừa ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền UBND tỉnh năm 2022, với 11 khu vực, trong đó có 9 khu vực mỏ đất làm vật liệu san lấp.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Đại Lân, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên - Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế cho rằng, theo các quyết định tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, trữ lượng đất san lấp có khả năng chủ động cung cấp. Với trữ lượng các khu vực lựa chọn và khu vực đấu giá, nguồn đất làm vật liệu san lấp sẽ đi vào ổn định.
“Trường hợp các dự án phát sinh mới có nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp thì chủ đầu tư dự án phải cung cấp thông tin trong giai đoạn nghiên cứu, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án về nhu cầu đất san lấp gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT để có cơ sở phân bổ hoặc quy hoạch bổ sung...”, ông Lân chia sẻ.