Doanh nghiệp và trách nhiệm với môi trường
(TN&MT) - Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, các doanh nghiệp (DN) luôn quan tâm đến công tác BVMT, góp phần đưa Luật BVMT đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, sạch, bền vững. Phóng viên Báo TN&MT ghi nhận ý kiến tâm huyết của một số DN đóng trên địa bàn Thừa Thiên - Huế trong quá trình thực hiện Luật BVMT.
Ông Huỳnh Văn Toàn - Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây:
Cảng nằm trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, vừa có hàng rời và tàu khách du lịch nên công tác BVMT tại khu vực cảng rất được lãnh đạo công ty quan tâm và chú trọng đầu tư các công nghệ xử lý môi trường. Hàng năm, công ty ký hợp đồng với Trung tâm quan trắc TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành quan trắc môi trường định kỳ theo đúng quy trình.
Chúng tôi nhận thấy rằng, tại khu vực Chân Mây - Lăng Cô đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung do Ban Quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh là chủ đầu tư và đã được đưa vào hoạt động từ năm 2018. Tuy vậy hệ thống đường ống thu gom nước thải vào Bến số 1 và Bến số 2 của cảng chưa đầu tư xây dựng nên đơn vị chưa thể xin đấu nối vào hệ thống này được. Hiện, nước thải phát sinh từ khu vực cảng được thu gom và xử lý sơ bộ bằng các bể tự hoại/bể lắng lọc trước khi được chuyển giao bằng xe bồn về Nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan (thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô). Do vậy, công ty kiến nghị với Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh có kế hoạch đầu tư xây dựng tuyến ống thu gom nước thải từ khu vực Cảng Chân Mây đến khu xử lý nước thải tập trung của Khu kinh tế để công ty có điều kiện xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian tới, xác định phát triển cảng biển gắn với BVMT là trách nhiệm và là nhiệm vụ quan trọng của công ty với tiêu chí "xanh, bền vững", Cảng sẽ thường xuyên triển khai công tác vệ sinh xung quanh khu vực Cảng như gom lượng hàng hóa rơi vãi, xe quét đường, hút bụi và xe tưới nước. Các xe sau khi xuất, nhập hàng và rời bãi phải đi qua hệ thống phun nước áp lực cao để xịt rửa toàn bộ thành và lốp xe nhằm hạn chế rơi vãi, phát tán bụi ra môi trường. Hàng hóa chứa tại các bãi được che đậy, thu gom, vệ sinh và được tưới nước thường xuyên; lắp đặt hệ thống hàng rào lưới tại khu vực bãi hàng rời để giảm thiểu lượng bụi phát tán. Tăng mật độ cây xanh quanh các bãi và khu vực cảng. Triển khai quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu vực nội bộ, phân tuyến đường độc lập phục vụ công tác xuất nhập than tránh ảnh hưởng đến khu vực đón khách du lịch.
Ông Lê Minh Trí - Giám đốc Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Thừa Thiên - Huế:
Công ty hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động, nộp ngân sách địa phương hàng năm khoảng 3,5 tỷ đồng/năm. Chúng tôi nhận thấy rằng, thời gian qua, cơ quan chức năng đã tăng cường phổ biển Luật BVMT 2020 để người dân và doanh nghiệp chấp hành tốt luật pháp, khai thác và chế biến đảm bảo an toàn, giảm tối đa tác động đến môi trường.
Với đặc thù là doanh nghiệp chuyên sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao, những năm qua, công ty nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật BVMT. Cụ thể thực hiện quan trắc môi trường định kỳ 6 tháng/lần; kiểm soát, giảm thiểu phát thải bụi, khí thải có tác động xấu đến môi trường; các loại chất thải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, phân loại, thu gom, lưu giữ đúng nơi quy định và bàn giao cho Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế vận chuyển, xử lý. Công ty cũng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tăng cường tái sử dụng nước thải sản xuất; nghiêm túc thực hiện kê khai phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và thực hiện nộp phí đúng quy định. Đặc biệt, công ty có hệ thống xử lý nước thải công suất thiết kế 20m3/ngày đêm; với công nghệ xử lý: lắng, lọc, tuần hoàn nước; sử dụng máy bơm nước bơm nước thải sản xuất trở lại vào bồn chứa để tái sử dụng; tỷ lệ tái sử dụng 90%.
Chúng tôi cũng thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp trong khuôn viên để hạn chế ảnh hưởng của nước chảy tràn; thực hiện xịt rửa xe ra vào công ty để hạn chế bụi đất vương vãi trong quá trình xe di chuyển.
Thời gian tới, Công ty tiếp tục cam kết thực hiện công tác BVMT đạt hiệu quả; thực hiện các biện pháp khống chế và giảm thiểu các tác động làm phát sinh ô nhiễm tiếng ồn, bụi, khí thải tốt hơn nữa; tích cực tái sử dụng tối đa lượng nước thải sản xuất để tiết kiệm tài nguyên nước; định kỳ quan trắc chất lượng nước thải và chất lượng không khí để đánh giá chất lượng và mức độ ảnh hưởng đến môi trường tương ứng.
Ông Phan Công Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc:
Để triển khai thi hành Luật BVMT có hiệu quả, UBND huyện Phú Lộc đã chỉ đạo Phòng TN&MT, UBND các xã, thị trấn tham gia Hội thảo tập huấn Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Tháng Hành động vì môi trường", Hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới; chỉ đạo Huyện đoàn, Phòng TN&MT, UBND các xã, thị trấn và các cơ quan liên quan huy động lực lượng tham gia thực hiện phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" hàng tuần, góp phần làm xanh, sạch, sáng môi trường; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức tuyên truyền tập huấn và thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn tại một số khu dân cư; cấp giấy phép môi trường cho các dự án đầu tư, cơ sở thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND huyện. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh, Sở TN&MT và các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường trên địa bàn.
Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn tiếp tục chủ động nghiên cứu và triển khai Luật BVMT đến với cán bộ, công chức, viên chức người lao động và cộng đồng doanh nghiệp, người dân; triển khai có hiệu quả công tác thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng; thực hiện các giải pháp đảm bảo các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
UBND huyện cũng kiến nghị cấp trên tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trong lĩnh vực BVMT; đầu tư các chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ cho các địa phương nhằm BVMT; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BVMT.
Ông Hồ Anh Bảo - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Phát triển Trường Sơn:
Với đặc thù của công ty là khai thác và chế biến đá xây dựng, cát nhân tạo, trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh từ khi được cấp phép khai thác khoáng sản cho đến nay, công ty luôn chấp hành tốt các chủ trương, quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản cũng như công tác BVMT nhằm tạo môi trường làm việc an toàn và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Công ty đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy phép môi trường cho 2 dự án: "Đầu tư mở rộng khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường", và "Nâng cao năng lực sản xuất đá xây dựng". Công ty đã ký hợp đồng với Trung tâm quan trắc TN&MT tỉnh thực hiện quan trắc môi trường định kỳ theo các nội dung yêu cầu tại giấy phép môi trường đã được phê duyệt; thực hiện thu gom xử lý chất thải nguy hại và chất thải rắn sinh hoạt, kê khai và nộp phí BVMT đối với nước thải đầy đủ, đúng quy định. Chúng tôi cũng xây dựng các hệ thống phun sương tại các khu vực khai thác và trạm nghiền đá; bố trí trạm xịt, rửa xe tự động tại cổng khu mỏ, cổng trạm nghiền để xịt, rửa lốp xe của các phương tiện vận chuyển; bố trí một xe bồn thể tích 10m3 thường xuyên tưới nước trên tuyến đường Tỉnh lộ 16; xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng máy móc thiết bị, vận chuyển hợp lý về cả số lượng các loại máy móc, phương tiện và lộ trình di chuyển; không tập trung nhiều máy móc, phương tiện vận chuyển vào cùng một thời điểm, trên cùng một khu vực, tránh cộng hưởng tiếng ồn, độ rung.
Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc theo các nội dung của giấy phép môi trường đã được phê duyệt và tăng cường hơn nhận thức của cán bộ công nhân viên trong việc thực hiện công tác BVMT, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp...
Ông Thang Khánh Hưng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế:
Công ty hoạt động từ năm 2014, có trụ sở tại KCN La Sơn, chủ yếu thu mua gỗ, chế biến nguyên liệu gỗ và kinh doanh vận tải biển, qua đó tạo việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế.
Để thực hiện tốt Luật BVMT 2020, công ty đã thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí và khống chế tiếng ồn; thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ quá trình vận hành cơ sở đạt Quy chuẩn Việt Nam; thực hiện công khai các thông tin về BVMT của nhà máy theo đúng quy định pháp luật; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường; thu gom, lưu giữ, hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý các loại chất thải rắn phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường; thu gom, lưu giữ và hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình vận hành sản xuất đảm bảo các yêu cầu về an toàn và vệ sinh môi trường. Hiện tại, KCN La Sơn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, Công ty mong các cơ quan ban ngành quan tâm đến vấn đề này hơn.
Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về BVMT nhằm nâng cao trách nhiệm của người lao động để mọi người đều có ý thức BVMT; nâng cao chất lượng huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, nhằm giảm thiểu tối đa các sự cố môi trường do mất an toàn lao động; cử các bộ phận liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát kiểm tra và đôn đốc nhắc nhở mọi người trong xưởng, kho, bếp, hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ, thực hiện tốt các biện pháp BVMT, các quy định về an toàn - vệ sinh lao động. Mặt khác, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường và các cơ quan liên quan để thực hiện định kỳ giám sát, kiểm tra, nhằm thực hiện và hoàn thiện tốt hơn các biện pháp BVMT.
Ngự Bình (lược ghi)