Liên quan đến tình trạng mất an toàn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng tại các bến đò ngang, đặc biệt là tại bến đò Cồn Tộc - Vĩnh Tu (thuộc hai xã Quảng Lợi và Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, đầu tháng 11 này, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tiến hành kiểm tra việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa ở huyện Quảng Điền trước khi mùa mưa bão đang đến.
Trong đó, tại bến đò “tử thần” Cồn Tộc - Vĩnh Tu, lực lượng CSGT đã kiểm tra, nhắc nhở các chủ đò ngang chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Cụ thể, các chủ đò phải đăng ký, đăng kiểm đầy đủ, trên thuyền phải có phao cứu sinh; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách đi đò. Ngoài ra, lực lượng CSGT còn kết hợp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn khi qua đò.
Được biết, khi được lực lượng CSGT nhắc nhở thì người dân, các chủ đò chấp hành các quy định về mặc áo phao, trang bị phương tiện bảo hộ, cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, khi không có lực lượng chức năng thì chủ đò cũng như người dân tỏ ra chủ quan, không chấp hành quy định.
Ngoài lực lượng CSGT huyện Quảng Điền, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, cương quyết xử lý vi phạm đối với các chủ phương tiện không chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn khi vận chuyển hành khách, hàng hóa qua lại bằng đò ngang.
Trong nhiều năm vừa qua, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trực tiếp nhiều lần đi kiểm tra bến đò Cồn Tộc- Vĩnh Tu. Ông đã phát hiện những chủ đò gian lận khi gắn số hiệu những chiếc đò chưa đăng kiểm trùng với những chiếc đủ điều kiện hoạt động. Ngay lập tức, ông Phương đã đề nghị những chiếc đò không đủ điều kiện phải xóa số, tháo lái và đưa lên bờ.
Ông Phương cũng chỉ đạo nên đầu tư các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người không mặc áo phao khi lên thuyền. Ngoài ra, huyện Quảng Điền cần phối hợp lực lượng liên quan thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và sớm thành lập tổ giám sát an toàn giao thông đường thủy nội địa tại khu vực bến đò Cồn Tộc- Vĩnh Tu.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Ngọc Bảo - Trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền cho biết, bến đò Cồn Tộc - Vĩnh Tu đã có lịch sử hàng trăm năm. Bến đò có mật độ người qua lại khá lớn, chủ yếu phục vụ đưa đón cán bộ địa phương, giáo viên và những người buôn bán qua về hai xã, cộng thêm ít khách du lịch. Hiện bến có 8 chiếc đã đăng kiểm, hoạt đông luân phiên nhau mỗi lần 4 chiếc.
“Huyện đã họp nhiều để tìm phương án. Khi có lực lượng chức năng nhắc nhở thì người dân mặc áo phao, còn không thì ai cũng chủ quan, không chấp hành quy định. Chúng tôi đã chỉ đạo công an huyện tuyên truyền cũng như kiểm tra đột xuất, tăng cường tuần tra để đảm bảo tình hình an toàn giao thông đường thủy...”- ông Bảo thông tin.
Ông Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho hay tình trạng trên xảy ra đã nhiều năm nay. Nhiều người vẫn chưa ý thức đến những hiểm nguy trên sông nước. Ban An toàn giao thông của huyện cũng chỉ đạo các đơn vị có liên quan cần theo dõi và có các phương án để xử lý...
Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã thông tin, các đò chở nhiều hành khách tại bến Cồn Tộc - Vĩnh Tu không ai mặc áo phao theo quy định, dẫn đến những hiểm nguy luôn thường trực.
Chị Trần Thị Ng. (xã Quảng Ngạn) cho biết: “Khi nào tôi đi qua đò cũng như nhau vậy. Mặc áo phao vào chi cho mệt, đò chạy tý là tới nơi thôi...”.
Theo quan sát, mỗi ngày như vậy, bến đò chạy rất nhiều chuyến qua về phá Tam Giang, vận chuyển hàng trăm lượt khách và xe máy, nhưng tất cả đều rơi vào tình trạng tương tự như trên. Không ai mặc áo phao, đò chở người và phương tiện vượt quy định, hiếm có chuyến nào đảm bảo quy định về an toàn giao thông đường thủy.
Vấn đề mất an toàn giao thông đường thủy tại bến đò Cồn Tộc- Vĩnh Tu cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu xử lý, xử phạt dứt điểm sau khi nhận được phản ánh của Báo Tài nguyên & Môi trường.
Không chỉ tại bến đò Cồn Tộc - Vĩnh Tu mà các bến đò khác tại Thừa Thiên Huế như bến đò Bao Vinh, bến đò Than - Điện Huế Nam, bến đò Tân Ba... vẫn diễn ra tình trạng trên.
Thiết nghĩ, cùng với ý thức của người dân, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp phù hơp và kịp thời, qua đó mang lại an toàn cho giao thông, đặc biệt là mùa mưa bão đã đến.