Thừa Thiên Huế: Sẵn sàng kịch bản mới để phòng, chống dịch Covid - 19

Văn Dinh| 13/04/2020 21:49

(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các sở ngành, địa phương cần sớm đề xuất các phương án, nêu rõ biện pháp nào cần bãi bỏ, nới lỏng, biện pháp nào phải thắt chặt trong thời gian tới nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch; tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất, đảm bảo sức khỏe của người dân.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, thời gian qua tỉnh đã chủ động trong việc thực hiện tốt việc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và đặc biệt là triển khai nghiêm túc việc cách ly xã hộị, trong đó có những quyết sách chúng ta đã triển khai trước khi có chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhờ vậy hình dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát tốt.

Đường phố Cố đô Huế vắng vẻ những ngày cách ly xã hội

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các sở ngành, địa phương, trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời dựa vào tình hình cụ thể, đặc thù của địa phương để tham mưu các quyết sách phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.

“Chúng ta phải làm tốt trách nhiệm trước quốc gia và trước nhân dân, phòng chống dịch là nhiệm vụ quan trọng; chăm lo sức khỏe và đời sống của người dân là nhiệm vụ phải được đặt lên hàng đầu. Đời sống của người dân trên địa bàn vẫn còn khó khăn, nhiều hộ gia đình chủ yếu dựa vào buôn bán nhỏ lẻ, chúng ta cần đánh giá lại những dịch vụ, kinh doanh hàng hóa nào có thể mở cửa hoạt động trở lại, những mặt hàng nào có thể cho phép người dân kinh doanh buôn bán, giúp người dân sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo ổn định cuộc sống”, ông Thọ nhấn mạnh.

Về công tác chi trả gói hỗ trợ an sinh cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây là gói hỗ trợ có đối tượng rất lớn và đa dạng, kinh phí nhiều nên ngoài việc triển khai nhanh chóng, công tác xác minh từng loại đối tượng phải cụ thể, cẩn trọng. Ngoài các mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, đề nghị Sở Tài chính, Sở LĐTBXH cần xem xét cân đối, phân bổ các nguồn hỗ trợ ngoài xã hội hợp lý, phù hợp từng đối tượng để giảm bớt gánh nặng ngân sách.

“Trước mắt phải làm nhanh và ưu tiên cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Nếu trường hợp nào thuộc đối tượng trùng nhiều gói chính sách thì chi trả gói chính sách thấp nhất trước, sau khi xác định cụ thể sẽ bổ sung thêm theo quy định để người dân được tiếp cận gói hỗ trợ một cách sớm nhất”, ông Thọ nói.

Lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế tăng cường kiểm soát y tế đối với những người ngoại tỉnh vào địa bàn

Đưa vào hoạt động 3 cây “ATM gạo”

Cây “ATM gạo” là ý tưởng của một nhóm thiện nguyện gồm các giảng viên, giáo viên các trường Đại học Phú Xuân, Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế, Cao đẳng Công nghiệp Huế và được Công ty TNHH MTV Giải pháp Công nghệ 1A hỗ trợ và lắp đặt máy. Sau đó, một số người hảo tâm mang gạo đến góp, giúp đỡ người nghèo.

Theo đó, các “ATM gạo” này sẽ hoạt động từ 14/4, được đặt tại 3 địa điểm là Trung tâm Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế (đường Hà Huy Tập), Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (70 Nguyễn Huệ) và Trường đại học Phú Xuân (28 Nguyễn Tri Phương, TP. Huế).

Đến nay, nhóm thiện nguyện đứng ra lập nên hoạt động ý nghĩa này cho hay đã nhận được sự đóng góp của tổ chức, cá nhân hảo tâm với số lượng 20 tấn gạo giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghèo.

Công tác lắp đặt các máy “ATM gạo” được gấp rút triển khai

Trước đó, “ATM gạo” đầu tiên dự kiến hoạt động ở số 28 Nguyễn Tri Phương (TP. Huế), tuy nhiên do người dân đến cùng lúc quá đông, không đảm bảo giãn cách nên cây ATM phải tạm hoãn. Hai ngày nay, nhóm chuyển qua phương thức phát bằng phiếu và phát trực tiếp đến từng hộ gia đình nghèo.

Việc triển khai các “ATM gạo” này sẽ có thêm sự hỗ trợ của UBND TP. Huế và các đơn vị liên quan. Nhóm thiện nguyện cũng chuẩn bị sẵn các bảng hướng dẫn cách lấy gạo, điểm đứng đợi, hướng di chuyển sau khi lấy gạo xong đảm bảo vận hành thuận lợi, an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19.

“Thực ra ai cảm thấy cần đến thì nhóm của mình sẽ phát. Cái này mang tính tự nguyện của tất cả mọi người, cả của người cho lẫn người nhận. Và tôi nghĩ rằng, những ai đã xếp hàng để nhận gạo thì chắc chắn là người ta cũng cần thật”, thầy Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Phú Xuân chia sẻ.

Hiện tại, 4 ca dương tính với Covid – 19 (gồm 2 ca ở Huế và 2 ca ở Quảng Nam chuyển ra) được điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế điều đã khỏi bệnh và đã cho xuất viện.

Đến tối 13/4, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lấy mẫu xét nghiệm 5.595 (3.475 lần 1 và 2.120 mẫu lần 2). Kết quả có 2 trường hợp dương tính, 4.972 mẫu âm tính, 621 mẫu đang chờ kết quả.

Tổng số người từ Lào về cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 6.361 người, đã hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày là 2.912 người; còn đang cách ly là 3.449 người, được bố trí ở tại Trường Quân sự tỉnh; Trường trung cấp Công nghệ số 10, Trường Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Trường Nghiệp vụ Thuế; Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Ký túc xá Trường Bia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Sẵn sàng kịch bản mới để phòng, chống dịch Covid - 19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO