Thừa Thiên Huế: Phát triển thị xã Hương Trà theo hướng đô thị xanh, bền vững

Văn Dinh| 29/09/2020 06:00

(TN&MT) - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt thị xã Hương Trà về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021 vào chiều 28/9.

Đô thị tại thị xã Hương Trà ngày càng phát triển

Vừa chống dịch vừa phát triển KT-XH

Thị xã Hương Trà ở vị trí giữa trung độ của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trong tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; có tuyến QL1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua với chiều dài 12km, tuyến đường phía Tây TP. Huế dài 19 km. Vùng đất này đã có nhiều dấu ấn của một đô thị như thương cảng Thanh Hà, phố cổ Bao Vinh; các di tích lịch sử - văn hóa, đền đài… kết nối với di sản Cố đô Huế và đặc biệt là sự đa dạng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên phong phú.

Báo cáo tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà - Hà Văn Tuấn cho biết, trước những tác động của  dịch COVID-19 nhưng thị xã đã nỗ lực phấn đấu và đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh chính trị.

Cụ thể, dự ước giá trị sản xuất ngành dịch vụ (giá so sánh 2010) đạt khoảng 3.210 tỷ đồng, tăng khoảng 5,2% so năm 2019; Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và xây dựng (giá so sánh 2010) năm 2020 ước đạt 4.050 tỷ đồng, tăng khoảng 4,4% so năm 2019; Giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) thực hiện cả năm ước đạt 861 tỷ đồng, tăng khoảng 2,5%, so năm 2019…

Khu công nghiệp Tứ Hạ tại Hương Trà đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư

“Năm 2021, thị xã Hương Trà tập trung huy động tối đa các nguồn lực, khai thác thế mạnh của địa phương để đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố an ninh - quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Trong đó, dự kiến tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế: 14 -15%; Thu nhập bình quân đầu người: 46 triệu đồng/người/năm; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng: 12-14%/năm ; Thu ngân sách trên địa bàn khoảng: 315-325 tỷ đồng…”, ông Tuấn thông tin.

Phát triển đô thị xanh, bền vững

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế biểu dương và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực và những kết quả đã đạt được của thị xã Hương Trà trong thời gian qua. Mặc dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng thị xã đã tập trung khắc phục để phát triển kinh tế - xã hội.

Rừng ngập mặn Rú Chá ở thị xã Hương Trà góp phần quan trọng trong việc giữ gìn môi trường...

Qua thảo luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo thị xã Hương Trà tiếp thu các ý kiến của các Sở, ban ngành để hoàn chỉnh kế hoạch phát triển năm 2021. Trong đó tập trung ưu tiên các dự án phát huy hiệu quả, đầu tư dứt điểm và huy động được nhiều nguồn lực. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Tiếp tục tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thay đổi tư duy phát triển, tư duy thu hút đầu tư và tư duy phục vụ thân thiện, hiện đại; đồng thời nâng cao các dịch vụ công trực tuyến. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở ban ngành hỗ trợ tối đa cho thị xã Hương Trà để tạo môi trường đầu tư thuận lợi trong thời gian tới.

“Trong những năm qua, tuy đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên bộ mặt đô thị sau 10 năm hình thành và phát triển vẫn còn ngổn ngang. Thị xã cần nâng cao chất lượng đô thị hóa. Huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đô thị và các công trình phúc lợi công cộng, hướng đến phát triển đô thị xanh, bền vững. Chú trọng xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, “xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch”; “Ngày Chủ nhật xanh” và phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”…Môi trường, sinh thái, cảnh quan là thế mạnh Thừa Thiên Huế nói chung và thị xã Hương Trà nói riêng. Vì vậy, Hương Trà phải góp phần, chung tay xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, ông Thọ nhấn mạnh.

Trồng cây ăn quả đang mang lại hiệu quả kinh tế cao

Định hướng về phát triển ngành nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thị xã phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Trọng tâm là mở rộng diện tích trồng cây ăn quả ở các xã vùng gò đồi, nơi có nguồn nước và đất đai thuận lợi. Đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP (mỗi, xã phường một sản phẩm); từ đó hình thành chuỗi giá trị sản phẩm để biến các sản phẩm OCOP thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.

 “Cứu cánh của nền nông nghiệp thị xã là những sản phẩm OCOP. Đối với nền dịch vụ, thị xã cần tiếp tục phát triển ngành dịch vụ có lợi thế của địa phương, trong đó ưu tiên phát triển thương mại - du lịch. Đồng thời tăng cường ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào sản xuất, coi việc ứng dụng khoa học công nghệ là khâu đột phá quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập. Ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ đối với một số ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, cải cách hành chính, giáo dục, y tế...", Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Phát triển thị xã Hương Trà theo hướng đô thị xanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO