Thừa Thiên Huế: Khẩn cấp phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi, tránh lây lan

20/03/2019 19:16

(TN&MT) - Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện và có nguy cơ lây lan cao, chính quyền Thừa Thiên Huế đang làm mọi cách để phòng chống...

Các chốt chặn được lập nên để hạn chế người ra vào khu vực ổ dịch
Các chốt chặn được lập nên để hạn chế người ra vào khu vực ổ dịch

Lập chốt chặn

Dù chủ động trong công tác phòng chống từ rất sớm nhưng những ngày qua, dịch tả lợn Châu Phi đã đến Thừa Thiên Huế khi lợn của hộ gia đình ông Tạ Hồng Uẩn (thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) chết 5 con và dương tính với virus. Khu vực xuất hiện dịch nằm cách QL1A khoảng 15km.

Ghi nhận của PV trong ngày 20/3, đã có 2 chốt chặn “Khu vực xử lý bệnh, cấm người và phương tiện qua lại” được dựng nên phía 2 đầu con đường dẫn vào các hộ dân gần gia đình ông Uấn. Tại đây cũng bố trí chậu hóa chất, có người túc trực. Công tác phun thuốc tiêu độc khử trùng được các ngành chức năng của huyện và xã Phong Sơn tiến hành ngay tại khu vực xảy ra dịch.

Rất nhiều hộ dân sống xung quanh cũng đã và đang tỏ ra hoang mang, lo lắng trước dịch bệnh nguy hiểm này.

“Gia đình tôi cũng có nuôi lợn, kinh tế thu nhập cả nhà chủ yếu dựa vào đàn lợn này nhưng khi nghe nhà ông Uẩn có dịch thì rất lo. Trước đó nhà tôi cũng như các hộ chăn nuôi trên địa bàn thôn đã chủ động thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường chuồng trại cũng như dùng vôi bột rải khắp các vùng xung quanh chuồng trại và trên những tuyến đường dẫn vào nơi chăn nuôi, tiêm phòng các loại vắc xin đầy đủ và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa khác theo hướng dẫn của ngành thú y...”- ông L.Q (thôn Hiền An, xã Phong Sơn) chia sẻ.

Vôi trắng được rải khắp nơi để tránh dịch lây lan
Vôi trắng được rải khắp nơi để tránh dịch lây lan

Ông Trịnh Xuân Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho hay toàn xã có tổng đàn lợn khoảng 5.500 con. Ngay sau khi xảy ra ổ dịch, xã khoanh vùng dịch và lập biên bản các thức ăn tại ổ dịch của hộ ông Uẩn, bà Hồng để tiêu hủy. UBND xã cũng đã chủ động mua 2 tấn vôi bột, tiếp nhận 130 lít hóa chất bencozid phun tiêu độc khử trùng tại các vị trí xung yếu như khu vực gia đình ông Uẩn và khu vực chợ, các gia trại… Ngoài ra, xã đã tổ chức phát tờ rơi, tuyên truyền đến tất cả các hộ chăn nuôi lợn về dịch tả lợn châu Phi.

Được biết, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập 9 chốt kiểm dịch tả lợn, tổ chức lực lượng túc trực 24/24h; đặc biệt là các chốt mới nhất được thành lập ở quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện A Lưới, nơi có nhiều xe chở động vật qua lại thường xuyên.

Thực hiện cam kết “5 không”

Huyện Phong Điền (nơi đang xảy ra dịch) thông tin hiện có tổng đàn lợn trên địa bàn là hơn 31.000 con, trong đó có 4 trang trại chăn nuôi lớn với hơn 11.600 con, 80 gia trại gần 5.000 con và gần 4.000 hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ.

Lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả
Lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả

Ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho hay, địa phương rất bất ngờ khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trên đàn lợn của hộ gia đình ở xã Phong Sơn. Đây là xã miền núi trong khi các địa phương nằm dọc quốc lộ chưa xuất hiện dịch. Hộ dân có lợn mắc dịch chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp cho lợn chứ không sử dụng thức ăn dư thừa, nước rác từ các nhà hàng; khu chăn nuôi của hộ này nằm tách biệt; trước khi đàn lợn mắc dịch chủ hộ không sử dụng thịt lợn làm thực phẩm.. vì thế khó xác định dịch lây lan từ đâu...

“Ở thôn Hiền An có khu du lịch Thanh Tân nên đông khách hằng ngày, rất có thể nguồn dịch tả lợn đã lây theo đường du khách. Huyện đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác tiêu độc khử trùng, rải vôi tại hộ chăn nuôi ở thôn Hiền An và khu vực, các xã lân cận ổ dịch như: Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong An. Tổ chức chốt chặn tại vùng có dịch để kiểm tra, kiểm soát, tiêu độc khử trùng phương tiện ra vào để ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Huyện cũng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chủ nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; khuyến khích các trang trại, gia trại chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh...”- ông Hùng khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, dịch tả lợn Châu Phi hoàn toàn không lây sang người. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, không quay lưng với thịt lợn. Tuy nhiên, người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn, không tới tham quan khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng, nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Người dân nên sử dụng sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch thú y...

Công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đang được Thừa Thiên Huế tích cực triển khai
Công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đang được Thừa Thiên Huế tích cực triển khai

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, ngày 19/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã đi kiểm tra và đề nghị các hộ nuôi, các doanh nghiệp, các hợp tác xã nuôi lợn phải có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng để thông báo tình hình đàn lợn của mình, tuyệt đối không được giấu dịch, khi phát hiện dịch cần báo cho cơ quan chức năng phối hợp khoanh vùng xử lý dứt điểm.

Đồng thời, thực hiện đúng cam kết “5 không” trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi gồm: không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các biện pháp xử lý đối với động vật nghi mắc bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Để chủ động phòng chống bệnh phát sinh thêm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có công văn đề nghị Bộ NN&PTNT, Cục Thú y xem xét, quan tâm hỗ trợ cho tỉnh hóa chất khử trùng tiêu độc ổ dịch, các vùng nguy cơ cao với số lượng 20.000 lít.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Khẩn cấp phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi, tránh lây lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO