Sạt lở hơn 5.000m3 đất đá
Nhà máy thủy điện Hương Điền (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) nằm ở lưu vực sông Bồ, hoạt động từ năm 2010, vận hành phát điện 3 tổ máy với công suất 81 MW. Mực nước ở hồ đang cao trình +57,83m (mực nước dâng bình thường +58m), lưu lượng điều tiết qua máy phát điện 187m3/s và qua tràn 280m3/s.
Do ảnh hưởng của mưa lớn liên tục trong nhiều ngày, khoảng 14h ngày 1/12 vừa qua đã xảy ra sạt lở phía hạ lưu vai trái đập. Vị trí điểm sạt lở cách chân đập thủy điện Hương Điền từ 60 - 200m, với khối lượng sạt lở ước tính khoảng 5.000m3 đất đá.
Sạt lở vừa xảy ra ở hạ lưu thủy điện Hương Điền |
Theo chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền, bờ trái của thủy điện này phần phía hạ lưu đập có địa chất là đá phiến sét, bị phong hóa gần như hoàn toàn.
Tại đây có một phần đất đắp để làm đường thi công được để lại đến khi mái ổn định hoàn toàn mới tiến hành gia cố tổng thể. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến phần đất đắp bị sạt lở kéo theo phần đất đá phong hóa bị cuốn trôi, đổ xuống lòng sông với khối lượng khoảng 5.000m3.
Theo dõi diễn biến
Theo nhận xét, đánh giá của Sở Công thương Thừa Thiên Huế, qua kiểm tra thực tế, sau sự cố sạt lở ở vai trái hạ lưu cách khá xa công trình đập, nhà máy thủy điện Hương Điền vẫn làm việc bình thường, không có dấu hiệu bất thường. Đáy đập được đặt hoàn toàn trên nền đá gốc do vậy hoàn toàn không ảnh hưởng đến an toàn công trình.
Vị trí sạt lở không ảnh hưởng đến an toàn công trình. Cơ quan chức năng đang theo dõi |
Để đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, Sở Công thương yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Hương Điền tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến, đánh giá mức độ an toàn điểm sạt lở phía hạ lưu vai trái đập; tổ chức, khảo sát đánh giá và có phương án thiết kế, gia cố điểm sạt lỡ nói trên và tiến hành thi công khắc phục sớm, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong quá trình vận hành, khai thác. Liên tục kiểm tra đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước...; khắc phục kịp thời các khiếm khuyết để có biện pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời đảm bảo an toàn công trình, hạn chế tối đa áp lực cho các công trình ở hạ du khi phải điều tiết lũ. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi, phát thanh, đèn, cột thủy trí, biển báo, ...) đảm bảo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.
Theo ông Trịnh Xuân Khoa - Phó Giám đốc nhà máy thủy điện Hương Điền, công ty sẽ tiếp tục quan trắc, giám sát và có báo cáo các cơ quan quản lý khi có bất thường. Đồng thời, đơn vị cũng đã lập kế hoạch trong năm 2021 sẽ phối hợp với tư vấn thiết kế, khảo sát, đánh giá và đưa ra giải pháp để tiến hành gia cố tổng thể toàn bộ vai trái đập, để đảm bảo thẩm mỹ, mỹ quan cho công trình...
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan này hiện theo dõi sát sao các diễn biến và công tác vận hành hồ đập tại thủy điện Hương Điền, cũng như thực hiện công tác cảnh báo sạt trượt trên toàn địa bàn khi thời tiết diễn biến xấu. Sự cố sạt lở đất đá phía hạ lưu công trình thủy điện Hương Điền hiện chưa đến mức phải dừng vận hành công trình này.
Sạt lở thủy điện gần đây xảy ra liên tục ở Thừa Thiên Huế. Trước đó vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) đã khiến 17 công nhân bị vùi lấp, 13 người hi sinh trên đường đi cứu nạn (đã tìm thấy). Cho đến nay chỉ mới tìm thấy 6 thi thể và 11 công nhân còn mất tích suốt gần hai tháng qua dù công tác tìm kiếm vẫn diễn ra liên tục...