UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1972/QĐ-TTg công nhận thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020.
Thị xã Hương Thủy có 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỉ lệ 100%, trong đó, 3 xã được công nhận NTM từ năm 2015, gồm Thủy Thanh, Thủy Tân và Dương Hòa. Qua 10 năm xây dựng NTM, bên cạnh 100% dự án đầu tư xây dựng cơ bản đều được thực hiện đúng quy trình, thủ tục và không có nợ đọng xây dựng cơ bản, từ nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là nguồn vốn của nhân dân và của các HTX nông nghiệp đã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thị xã phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thị xã Hương Thủy là địa phương đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới NTM |
Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, Nguyễn Thanh Minh cho biết, giai đoạn 2021- 2025, bên cạnh phấn đấu đưa 2 xã Thủy Thanh và Thủy Phù đạt NTM kiểu mẫu, từ đó phát triển thành phường; các xã Thủy Tân, Dương Hòa và Phú Sơn phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao... Hương Thủy đã và đang tập trung đầu tư các chỉ tiêu có tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, khắc phục triệt để một số vấn đề liên quan đến quy hoạch khu chế biến, sản xuất nông sản ở khu dân cư, bảo vệ môi trường...
Thời gian qua, Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt một số kết quả tích cực, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến khá sâu sắc và rõ nét; đã huy động hệ thống chính trị các cấp tham gia vào Chương trình xây dựng NTM; hình thành được bộ máy tổ chức từ tỉnh xuống cấp huyện, xã, thôn, bản; Đời sống của đồng bào nông thôn từng bước được nâng cao cải thiện một phần nhờ vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh tăng từ 12,6 triệu đồng/năm (2010) lên 35,5 triệu đồng năm 2020, gấp 2,8 lần so với năm 2010 (12,6 triệu đồng) và 1,5 lần so với năm 2015 (23,01 triệu đồng), bình quân tăng 11,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 14,9% năm 2010 còn tỷ lệ 4,85% vào năm 2020, giảm 10,05%. Một số chỉ tiêu khác liên quan đến dân sinh đều tăng đáng kể, như: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98,82%; Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 87%, nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn đạt trên 65%; … các chỉ tiêu này đều đạt và vượt so với kế hoạch.
Hạ tầng nông thôn đã được đầu tư khá cơ bản, diện mạo có bước khởi sắc; tổng nguồn lực huy động trong 10 năm cho Chương trình đạt hơn 14.093 tỷ đồng, trong đó có nguồn lực đáng kể từ người dân và doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt tỉnh Thừa Thiên - Huế không để xảy ra tình trạng nợ đọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới...