(TN&MT) - Hàng ngàn hộ dân đang sống xung quanh Kinh thành Huế hầu hết đều thuộc diện di dời, giải toả; bởi họ là các hộ nghèo đang sống trong những ngôi nhà ở dột nát, xuống cấp, môi trường sống không đảm bảo do ô nhiễm nặng...
Nhếch nhác, ô nhiễm
Theo tìm hiểu, Kinh thành Huế là một công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự. Công trình được triều đại nhà Nguyễn quy hoạch và xây dựng trong thời gian 30 năm (từ năm 1803 đến năm 1832), rộng hơn 500ha bao gồm nhiều hạng mục như: hộ thành hào, tuyến phòng lộ, tường thành, 24 eo bầu, Kỳ đài, Trấn Bình đài (Mang cá nhỏ) và mười cổng thành.
Bên trong, Kinh thành thuộc 4 phường: Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc và bên ngoài thuộc 3 phường tiếp giáp: Phú Hòa, Phú Bình và Phú Thuận.
Số liệu do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cập nhật mới nhất đến tháng 6/2018, có khoảng 3.800 hộ dân hiện còn sinh sống trong khu vực I bảo vệ các di tích thuộc Kinh thành.
Có mặt tại xung quanh Kinh thành Huế, đập vào mắt PV là những bức tường thành rêu phong ở khu vực di tích đang từng ngày “kêu cứu” do đã xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó là những ngôi nhà chật hẹp, được che chắn tạm bợ chủ yếu bằng tôn, hệ thống đường sá không được nâng cấp... Mọi thứ ở đây trở nên chật chội, nhếch nhác và ô nhiễm.
Vì người dân dựng nhà trên tường thành nên lối vào duy nhất của xóm là những chiếc thang bắc vượt lên trên thành. Mùi hôi nồng nặc bốc lên từ nước sinh hoạt thải trực tiếp ra khu vực tường thành vì không có cống thoát nước.
Hàng ngày, hàng nghìn người dân luôn sống thấp thỏm trong những căn nhà chờ sập. Đặc biệt là vào mùa mưa bão, những hộ dân này được chính quyền địa phương vận động di dời đến những nơi trú ngụ an toàn.
Rít một hơi thuốc lào, bà Nguyễn Thị Gái (72 tuổi, tổ 14, phường Thuận Lộc) cho biết, gia đình bà hiện có 3 thế hệ cùng sinh sống tại đây.
“Ở đây cực khổ lắm, nước thì bơm khoan lên chớ làm chi có nước máy!. Mùa mưa thì nhà dột, nước chảy lênh láng, mỗi khi nghe có gió bão là cả nhà phải tìm chỗ trú ẩn. Mùa nắng thì ngột ngạt, nóng như thiêu như đốt...”.
“Nhà mình có đến 6 người, muốn xây dựng kiên cố cũng không được, nếu xây chùng xây lén thì cũng sợ phí vì không biết lúc nào bị chuyển đi...”- anh Thái Văn Biểu (phường Thuận Lộc) cho hay.
Sớm hỗ trợ người dân di dời...
Việc hàng ngàn hộ dân sinh sống trên di tích đã gây ảnh hưởng đến mỹ quan, đô thị; ảnh hưởng đến việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo Di tích Cố đô Huế.
Năm 2011, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt mức kinh phí 1.282 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế; trong đó, giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện hợp phần tôn tạo, tu bổ di tích và giao UBND TP. Huế thực hiện hợp phần đền bù, giải tỏa mặt bằng.
Mục tiêu của dự án là giải tỏa và tái định cư cho toàn bộ cư dân trong khu vực Thượng Thành, Eo Bầu thuộc kinh thành, sớm ổn định cuộc sống cho người dân và chấm dứt tình trạng lộn xộn, xâm hại di tích. Đồng thời, từng bước chỉnh trang, hoàn nguyên di tích và cải thiện cảnh quan chung của đô thị Huế. Tuy nhiên, đến nay việc giải tỏa mặt bằng vẫn chưa thực hiện xong do còn vướng mắc trong chính sách hỗ trợ di dời.
Theo ông Nguyễn Đăng Thạnh- Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, vấn đề dẫn đến việc chậm giải tỏa, tái định cư là hiện có một số hộ dân ở mặt Nam Kinh thành Huế chưa chịu di dời và địa phương đang vận động, có những giải pháp để nhanh chóng di dời. Đồng thời sẽ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để nỗ lực tìm cách giải tỏa cư dân còn lại ở khu vực Thượng Thành.
Để sớm thực hiện việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế, ngày 8/9 vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng đại diện các Sở, ngành liên quan đi khao sát, kiểm tra thực tế các khu dân cư tại khu vực này.
Ông Phan Ngọc Thọ đã cùng đoàn đã đi khảo sát tại các điểm: Hộ thành hào đường Trần Huy Liệu; Khu vực Thượng thành và eo bầu thuộc các phường Thuận Thành, Thuận Hòa, Tây Lộc và Thuận Lộc. Hầu hết các hộ dân sống ở đây đều thuộc diện di dời, giải toả; là các hộ nghèo đang sống trong những ngôi nhà ở dột nát, xuống cấp, môi trường sống không đảm bảo.
Khi được gặp lãnh đạo tỉnh, hầu hết các hộ dân ở đây đều mong muốn sớm được nhà nước quan tâm, hỗ trợ di dời đến nơi ở mới, có những chính sách hỗ trợ thích hợp để sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sinh sống mỗi khi mùa mưa bão đến, có điều kiện để con cái học tập, phát triển, an cư lạc nghiệp.
Nằm sâu trong đường Trần Huy Liệu (phường Phú Hòa), nhà của bà Lê Thị Vân (số 145) chỉ rộng khoảng 5m2 nhưng là nơi ăn ở sinh hoạt của 7 người.
“Vốn không, việc không, cũng không phải là hộ nghèo nên mọi chi tiêu trong nhà đều may rủi nhờ vào những chuyến xe thồ của người chồng. Bây giờ chỉ trông có được nơi ở đàng hoàng hơn một chút để yên ổn khi về già...”, bà Vân tâm sự với Chủ tịch tỉnh.
Trao đổi với người người dân, ông Phan Ngọc Thọ đã động viên và chia sẻ với những khó khăn mà các hộ dân sinh sống tại khu vực này đang gặp phải. Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở trước những khó khăn của các hộ dân sinh sống nơi đây, tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, những chính sách để sớm đưa các hộ dân đến sống ở khu vực mới, có điều kiện cuộc sống tốt hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Các Sở, ngành liên quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, UBND TP. Huế sớm rà soát lại các thủ tục liên quan; thẩm định thật chính xác, cụ thể đảm báo tính pháp lý; hoàn thiện Đề án, khung chính sách, cơ chế giải phóng mặt bằng để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực di tích Kinh thành Huế.
Ông Thọ nhấn mạnh, việc nghiên cứu khung chính sách, hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng khu tái định cư phải đảm bảo được quyền lợi cho người dân, không để người dân bị thiệt thòi. Các thủ tục phải được hoàn thiện sớm để trình các Bộ ngành và Chính phủ phê duyệt.
Được biết, việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế là một trong những nhiệm vụ, công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thực hiện tại Thông báo 26/TB-VPCP ngày 17/01/2018. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang được giao xây dựng đề án di dời dân cư, giải phóng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế. Kết quả chuyến khảo sát này sẽ là cơ sở để Thừa Thiên Huế đưa ra kế hoạch và phương án để di dời các hộ dân trong khu vực...