Thừa Thiên Huế: Chủ động phục hồi ngành du lịch sau dịch Covid – 19

Văn Dinh| 22/04/2020 06:26

(TN&MT) - Thiệt hại mà dịch bệnh Covid - 19 gây ra đối với ngành du lịch cả nước nói chung và Huế nói riêng là điều khó tránh khỏi. Huế đang xây dựng đề án khôi phục du lịch “hậu dịch”.

Hàng ngàn lao động trong ngành du lịch mất việc làm vì dịch Covid - 19

Khó khăn

Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, đang có khoảng 90% lao động mất việc làm và nghỉ việc không lương. Thống kê mới nhất, Huế có khoảng 13.000 lao động trực tiếp và thêm khoảng 2 lần con số này là lao động gián tiếp. Đó là những người buôn bán, vận chuyển, cung cấp thực phẩm, nông sản...

Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty CP Du lịch DMZ tại Huế cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội đến nay, doanh thu của đơn vị giảm trên 80%, nhân sự tạm thời nghỉ việc theo nguyện vọng đến 79%. Tại Khách sạn Hương Giang – TP. Huế, kể từ ngày 11/4 vừa qua, vì quá khó khăn nên khách sạn chỉ giữ lại các cán bộ cốt cán, nhân viên đang trong thời kỳ thai sản, tương đương khoảng 15% tổng nhân sự của khách sạn. Những người được giữ lại cũng chỉ nhận 50% lương so với trước đó.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Khách sạn Mondial Huế lo lắng, sang tháng 5/2020 và các tháng sau nữa, vẫn chưa có chính sách cụ thể nào cho người lao động, phải đến cuối tháng 4/2020, cân đối tài chính mới có thể đưa ra quyết định. Trong ít ngày tới, 25 - 30% lao động của khách sạn buộc phải nghỉ không lương. “Chưa bao giờ ngành du lịch lại đối mặt với khó khăn và thách thức như hiện tại”, ông Bình bày tỏ.

Du lịch là ngành mũi nhọn của Huế thì nay phải điêu đứng vì không thể đón khách

Qua nắm bắt tình hình, hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đều mong muốn cơ quan nhà nước xem xét nới lỏng dần việc đóng cửa khách sạn, nhà hàng và hạn chế hoạt động tùy vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của địa phương. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội bắt đầu hoạt động trở lại, giữ chân những nhân sự có chuyên môn cao. Tỉnh có những chỉ đạo để những chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, như có các gói tín dụng cho vay với lãi suất 0% để trả lương nhân viên, giảm lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế, điện nước… sớm đến với doanh nghiệp.

Tìm cách phục hồi

Ông Lê Xuân Phương cho rằng, hiện tại không thể ngồi yên chờ đến khi hết dịch bệnh mới mở hoạt động kinh doanh, mà tận dụng thời gian này, đơn vị triển khai nhiều công tác để đón đầu sau khi hết dịch, như nâng cấp cơ sở vật chất của các quán bar, nhà hàng và khách sạn của đơn vị; thực hiện các thực đơn, gói sản phẩm mới để thu hút khách du lịch; thu gọn các bộ phận, phòng ốc để giảm chi phí...

Một số đơn vị du lịch tranh thủ nâng cấp cơ sở vật chất trong giai đoạn hiện nay

Tại Khách sạn Alba Spa và Alba Hotel Huế, bà Châu Thị Hoàng Mai - Giám đốc điều hành khách sạn cho biết, sau khi đóng cửa các cơ sở lưu trú, khách sạn đã chuyển qua loại hình kinh doanh trực tuyến với nhiều menu (thực đơn) hấp dẫn. Khách sạn tranh thủ dịp này tái cơ cấu cơ sở hạ tầng, đặc biệt không có bất kỳ nhân viên nào nghỉ việc, mà luân phiên tham gia các khóa tập huấn nội bộ về các kỹ năng mềm do khách sạn tổ chức.

“Khách sạn xem đây là cơ hội, không phải để thanh lọc nhân sự, mà là thanh lọc, điều chỉnh những “hạt sạn” là yếu điểm chưa tốt của các nhân viên bằng các buổi tập huấn kỹ năng, từ đó sẽ nâng cao hơn chuyên môn cho công việc sắp tới khi hết dịch bệnh”, bà Mai chia sẻ.

Ông Đinh Mạnh Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, mọi giải pháp để kiểm soát dịch, đảm bảo điểm đến an toàn, các gói kích cầu tạm thời… đã được ngành du lịch Huế triển khai. Song, đây là cuộc “khủng hoảng” về du lịch lớn nhất mà thế giới, Việt Nam và Huế nói riêng từng phải trải qua. Phát triển du lịch một cách bền vững, hạn chế các rủi ro là điều mà sau khi kết thúc dịch bệnh sẽ phải được ngành du lịch Việt Nam và Huế đánh giá lại, một cách toàn diện và cụ thể.

Lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế khảo sát các cơ sở trên địa bàn, tìm giải pháp phục hồi

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cũng vừa tiến hành khảo sát gần 850 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (lữ hành, vận chuyển, lưu trú, các cơ sở dịch vụ) trên địa bàn toàn tỉnh. Nội dung điều tra chủ yếu tập trung vào tình hình thiệt hại của đơn vị (lượng khách, doanh thu…); đề xuất những chính sách hỗ trợ và các giải pháp khắc phục, phục hồi của doanh nghiệp sau dịch bệnh Covid - 19.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho hay, một điều rất đáng kỳ vọng là trong giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp du lịch đã biến cái khó thành cơ hội để tái cơ cấu lại hoạt động, nâng cấp, sửa chữa cơ sở và đặc biệt chủ động cho tâm thế đón đầu cơ hội kinh doanh mới sau dịch.

“Sở Du lịch sẽ tham mưu UBND tỉnh và các cấp cao hơn các chính sách về an sinh xã hội, các chính sách khôi phục hoạt đông sản xuất. Đặc biệt, từ thực tiễn, ngành sẽ xây dựng ngay đề án khôi phục du lịch sau dịch, một các chủ động nhất có thể...”, ông Phúc khẳng định.

Cũng theo lãnh đạo ngành du lịch Huế, trước tiên sẽ hướng đến thị trường nội địa vì có khả năng khôi phục nhanh. Sau đó là các thị trường quốc tế gần với Việt Nam như Lào, Thái Lan. Các thị trường xa hơn, khả năng phục hồi cuối năm 2020 đầu năm 2021. Việc xác định thị trường, thời gian phục hồi cũng được xác định sẽ giúp Huế xây dựng những sản phẩm phù hợp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Chủ động phục hồi ngành du lịch sau dịch Covid – 19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO