Ươi là một loại cây rừng thân gỗ có đường kính gốc lên đến trên 1m, phải mất khoảng 10 năm mới đạt được chiều cao từ 20m - 40m để cho quả chín, và cứ 4 năm loài cây này mới cho quả chín một lần.
Tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cây ươi sinh sống và phát triển mạnh ở các huyện A Lưới, Nam Đông và một số địa phương khác.
Những cánh rừng ươi (cây màu đỏ) ở các huyện miền núi Thừa Thiên Huế |
Bắt đầu từ đầu tháng 6, đây là thời điểm cây ươi ra hoa kết trái. Chia sẻ với chúng tôi, anh H.T (45 tuổi, xã A Roàng, huyện A Lưới) nói rằng, thời điểm này cũng là lúc các em học sinh nghỉ hè nên theo bố mẹ đi nhặt ươi. Giá ươi được thu mua với giá cao từ 100 – 200 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi tuần có gia đình thu được cả chục triệu đồng nếu may mắn nhặt được quả nhiều.
Nhiều thông tin cho rằng, đây là một loại lâm sản quý cho giá trị kinh tế cao, có tác dụng chữa bệnh... nên nhiều người dân ở các vùng có cây ươi thường vào rừng để khai thác.
Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới cho hay, ngoài hái lượm tự nhiên thì những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng dùng cưa xăng, cưa máy... để triệt hạ những gốc ươi to cao hàng chục mét chỉ để hái quả, kéo theo những hệ lụy khôn lường.
Việc đi hái quả ươi để tăng thu nhập là một việc làm không đáng lên án. Tuy nhiên, điều đang nói ở đây là lối khai thác quả theo kiểu cưa hạ cả cây ngã xuống rồi hái quả khiến giống cây này ngày càng vắng bóng. Tại một số khu rừng, bóng dáng cây ươi chỉ còn lại trong gãy đổ. Việc khai thác cây ươi cũng gây hiểm họa khôn lường đến tính mạng nếu cây ngã đổ lên người...
Lực lượng kiểm lâm Thừa Thiên Huế tuyên truyền người dân không được chặt hạ cây ươi |
Trước tình hình cây ươi có nguy cơ bị triệt hạ, các cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế đã có những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này.
Ông Văn Thân – Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới cho biết, đơn vị đang duy trì 9 đội tổ trong rừng, thiết lập 10 tổ lán đóng tại rừng với mục đích tuần tra, chốt chặn những nơi vào rừng, ngăn chặn người dân chặt hạ cây ươi...
Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế thông tin, trong nỗ lực bảo vệ rừng ươi, lực lượng kiểm lâm các đơn vị đã phối hợp với công an, biên phòng, chủ rừng và lãnh đạo các xã tổ chức nhiều đợt truy quét, chốt chặn việc chặt phá ươi. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến tận người dân về chế tài đối với việc khai thác, mua bán, vận chuyển quả ươi trái pháp luật, giám sát chặt chẽ để người dân được tận thu hạt ươi trong khu vực rừng đã giao cho cộng đồng, cũng như việc khai thác quả ươi theo đúng quy định để bảo tồn tài nguyên rừng, khai thác bền vững sản phẩm của loài cây này....
“Chúng tôi cũng thường xuyên phát tờ rơi, áp phích, tổ chức hội nghị... để nâng cao nhận thức của người dân. Việc chặt hạ cây ươi là vi phạm pháp luật, mức xử phạt rất lớn nếu như chặt hạ một lượng lớn gỗ. Hiện năm nay vẫn chưa phát hiện trường hợp nào và hi vọng sẽ không có ai sai phạm”, ông Dũng nói.