Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư luôn được các cấp Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện công khai, dân chủ; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và quy định ban hành kèm theo Quyết định của tỉnh về trình tự, thủ tục thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư luôn đảm bảo dân chủ, công bằng, đúng đối tượng, đúng vụ việc trong quá trình thực hiện giải quyết. Ngoài những quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Luật Đất đai năm 2013, Luật Khiếu nại năm 2011, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế còn ban hành Quyết định quy định việc tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, để tháo gỡ các vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các địa phương mà các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể việc giải quyết, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết vướng mắc trong tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải tỏa và tái định cư (Hội đồng tư vấn), thành viên Hội đồng tư vấn là lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan.
Một góc đô thị Huế. Ảnh: MH |
Hội đồng tư vấn đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng các công trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm. Hàng năm, Hội đồng tư vấn đã ban hành trên 240 văn bản tham mưu UBND tỉnh giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh
Từ đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi và hạn chế tình trạng khiếu kiện, khiếu nại... đặc biệt đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án lớn như: Mở rộng Quốc lộ 1A, Cửa ngõ phía Bắc thành phố Huế; Đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - Túy Loan, Đường La Sơn - Nam Đông; Di dời, giải tỏa để bảo tồn Kinh thành Huế, đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Dốc Sỏi; các Dự án đầu tư phát triển tại địa bàn Khu đô thị, Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh...), góp phần tích cực cải thiện diện mạo đô thị của thành phố, cơ sở hạ tầng ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc như việc xây dựng khu tái định cư trước khi thu hồi đất ở triển khai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở hạ tầng không được đầu tư đồng bộ theo quy định, nhiều khu tái định cư được xây dựng chưa phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân.
Đồng thời, các khu tái định cư có quy mô diện tích chưa đa dạng, linh hoạt để người được tái định cư lựa chọn; một số khu tái định cư quy hoạch lô đất có diện tích chưa tương ứng với diện tích đất ở bị thu hồi của các hộ gia đình.
Về chính sách giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề, trên thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất không thực hiện được việc chuyển đổi ngành nghề, nhiều hộ gia đình, địa phương còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn ngành nghề để chuyển đổi. Trong khi các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn còn rất hạn chế trong việc tiếp nhận, tuyển dụng số lao động của địa phương, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất để thực hiện dự án khi dự án đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, số người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất phần lớn là lao động phổ thông, trình độ kỹ thuật thấp không đáp ứng được nhu cầu lao động trong môi trường công nghiệp hoặc lao động kỹ thuật cao.
Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm chủ yếu vẫn đang thực hiện hỗ trợ bằng tiền cho người bị thu hồi đất, chưa chú trọng đến công tác định hướng, đào tạo nghề cho các trường hợp bị ảnh hưởng.