Thừa Thiên - Huế bảo vệ nguồn tài nguyên nước: Cấp bách chống thất thoát

Sông Hương| 12/04/2022 10:11

(TN&MT) - Thừa Thiên - Huế đã và đang tìm những giải pháp cấp bách, thiết thực cho các vùng khan hiếm nguồn nước, đặc biệt là ở thời điểm mùa nắng nóng sắp đến gần.

Giải pháp cấp thiết

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó khô hạn kéo dài làm cho nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Hiện nay, một số nguồn khai thác như Khe Mệ - Nhà máy nước Chân Mây và một số nguồn nước khác như Khe Su - Nhà máy nước Lộc Trì (huyện Phú Lộc), suối Tà Rê của Nhà máy nước A Lưới (huyện A Lưới), lưu lượng nguồn nước thô từ các khe suối giảm từ 60 - 100m3/h (tương đương 30 - 60% công suất nhà máy), riêng suối Thượng Ngàn của Nhà máy nước Bình Điền đã khô cạn sớm, chỉ còn 15% công suất của nhà máy, nguy cơ thiếu nước hiện hữu.

hue-1.jpg

Nhiều khe, suối ở Thừa Thiên - Huế cạn kiệt nguồn nước.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWACO), khoảng 3 năm trở lại đây, đặc biệt năm 2021, hiện tượng BĐKH cực đoan làm lưu lượng nguồn nước các khe suối suy giảm mạnh. Năm 2022, chỉ riêng khu vực Chân Mây - Lăng Cô dự báo sẽ thiếu 5.000m3/ngđ do HueWACO đã ngừng khai thác nguồn nước sông Thừa Lưu vào cao điểm nắng nóng và sự hồi phục kinh tế du lịch sau đại dịch Covid-19, chưa tính đến các dự án đầu tư mới trong khu vực, nhu cầu khoảng 2.000m3 nước như dự án Kim Long Motors; dự án Khu du lịch Laguna giai đoạn 2; dự án chợ Lăng Cô, Lộc Bình...

Trong khi đó, nhiều thời điểm trong năm 2021, sản lượng nước ở Thừa Thiên - Huế tăng đột biến gần 11,6%, đặc biệt ngày cao điểm nhất lên đến 209.558m3/ngày đêm, vượt 69,55% so với công suất bền vững và vượt 4,78% so với công suất thiết kế tạm thời.

Ông Trương Công Hân - Tổng giám đốc HueWACO cho biết, nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, an ninh nước và phát triển bền vững, đơn vị đã thi công tuyến nước thô chống mặn kênh thủy lợi hồ Truồi để dự phòng bổ sung nguồn cho Nhà máy nước Lộc An trong trường hợp nước sông Truồi nhiễm mặn.Thi công tuyến ống truyền tải chiến lược DN400 gang băng hầm đèo Phước Tượng dài 1,7km lấy nước từ Nhà máy nước Chân Mây cấp nước cho các xã Lộc Trì, Lộc Bình giúp nghỉ vận hành 4 nhà máy nhỏ công nghệ lạc hậu và thiếu nguồn vào mùa hè tại Lộc Bình. Đơn vị cũng đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý nước cơ động Thủy Yên từ 2.400m3/ngđ lên 5.000m3/ngđ theo phương thức đầu tư “công trình xây dựng khẩn cấp”, đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư đầu tư xây dựng nhà máy Lộc Thủy 55.000m3/ngày đêm, lấy nước từ hồ Thủy Yên và phân kỳ xây dựng theo nhu cầu sử dụng nước.

Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương đi đầu trong cung cấp nước sạch với tỷ lệ người dân dùng nước đạt trên 94,5%, trong đó đô thị đạt 98,4%, nông thôn đạt 90,5%. Khoảng 6% người dân chưa tiếp cận nước sạch chủ yếu vùng sâu, vùng xa, miền núi...

“Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đề xuất xin khai thác nguồn Hói Dừa, Hói Mít công suất 2.000m3/ngđ đáp ứng cho 900 đấu nối mới tại thị trấn Lăng Cô, dự án chợ Lăng Cô chuẩn bị đi vào hoạt động. Việc giảm thiểu nước không doanh thu được xem là giải pháp cấp bách và có ý nghĩa đối với các vùng khan hiếm nước, xâm nhập mặn như khu vực Chân Mây, Lăng Cô, Lộc Trì, Lộc Bình...”, ông Hân cho biết.

Chống thất thoát nguồn tài nguyên nước

Xác định tài nguyên nước giữ vai trò quan trọng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý thất thoát nguồn nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường trước diễn biến của BĐKH.

Theo HueWACO, hiện nay đơn vị đang tập trung chống thất thoát nước vùng điểm. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện phân vùng tách mạng và dò tìm rò rỉ các DMA có tỷ lệ thất thoát cao; dò tìm các điểm chảy ngầm khó phát hiện hay các điểm chảy nổi trên các đường ống truyền tải, phân phối, trên các ống dịch vụ vào nhà khách hàng, các điểm rò rỉ của các bể chứa bồn chứa của các trạm bơm, trạm tăng áp mang lại hiệu quả cao.

hue-3.jpg

Thừa Thiên - Huế đang tập trung chống thất thoát nước vùng điểm.

Từ ngày 21/3/2022, HueWACO huy động hàng chục công nhân cùng nhiều phương tiện máy móc hiện đại triển khai dò tìm rò rỉ tại khu vực Chân Mây - Lăng Cô. Sau một tuần triển khai đã kiểm tra bypass 14 DMZ tại 370 hộ với khoảng gần 60km đường ống và đã phát hiện các điểm chảy trên ống chính. Dự kiến đến cuối tháng 5, HueWACO sẽ hoàn thành công tác dò tìm toàn bộ khu vực Chân Mây - Lăng Cô với khoảng 226km đường ống. Đồng thời, thực hiện song song vừa chống thất thoát vừa kết hợp duy tu bảo dưỡng để đưa tỉ lệ thất thoát của khu vực ở mức thấp nhất một cách an toàn, bền vững.

“Để công tác chống thất thoát nước đi vào chiều sâu, những năm tới, HueWACO sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, lắp đặt các đồng hồ vùng, đồng hồ biên để hoàn chỉnh công tác phân vùng tách mạng. Đối với công tác dò tìm rò rỉ sẽ thực hiện dò tìm DMZ, dò tìm chủ động DMA, dùng bơm nâng áp để phát hiện rò rỉ ở các khu vực áp thấp, hay những vùng thất thoát cao khó phát hiện. Ngoài ra, sẽ xây dựng ban hành quy trình về dò tìm rò rỉ và tổ chức các khóa đào tạo nâng cao tay nghề cho các công nhân, đầu tư trang thiết bị hiện đại dò tìm rò rỉ và phần mềm phân tích điểm chảy, phân tích thất thoát tại các DMA. Đồng thời, lắp đặt thí điểm đồng hồ đo đếm từ xa tại các DMA, nhằm thực hiện công tác chống thất thoát giảm thiểu nước không doanh thu giai đoạn 2022 - 2026 theo hướng kinh tế, bền vững, hiệu quả...”, ông Trương Công Hân chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế bảo vệ nguồn tài nguyên nước: Cấp bách chống thất thoát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO