Thủ tướng: Ninh Bình cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Khương Trung | 12/07/2020 19:46

(TN&MT) - Ninh Bình cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, thu hút người tài đến xây dựng Ninh Bình phát triển vững mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình ngày 12/7/2020

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình vào sáng 12/7. Đây cũng là tỉnh đầu tiên mà Thủ tướng trực tiếp đi kiểm tra về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. 

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh uỷ Ninh Bình sáng 12/7

Về phía tỉnh Ninh Bình có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến cùng các lãnh đạo trong Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình.

Phát biểu chào mừng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ vinh dự, vui mừng được đón Thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương đã về làm việc với tỉnh. 

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trong đó có cá nhân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực thi đua, phấn đấu dành được những kết quả toàn diện, quan trọng trong các lĩnh vực. 

Các chỉ tiêu: tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công có được kết quả ổn định. Mặc dù phải điều chỉnh kịch bản tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng tỉnh vẫn đề ra mục tiêu và đang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 6,76% trong năm 2020.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ mong muốn tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành sẽ có những chỉ đạo, góp ý để tỉnh tiếp tục phát triển.

Vượt qua khó khăn dịch bệnh COVID-19, thu ngân sách tỉnh tăng trưởng

Báo cáo tại cuộc họp về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020 và giai đoạn 2016-2020; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến cho biết: Thu ngân sách 5 tháng đầu năm 2020 đạt 7.123 tỷ đồng, đạt 49,2% kế hoạch, tăng 14,3% so với cùng kỳ, trong đó: thu nội địa đạt 3.743 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch, tăng 74,9% so với cùng kỳ; thu từ đất 1.179 tỷ đồng, đạt 90,8% kế hoạch; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.168 tỷ đồng, đạt 40,2% kế hoạch, bằng 86% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 5.062,9 tỷ đồng, đạt 40,5% dự toán, tăng 26,5% so với cùng kỳ.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, đã cơ bản hoàn thành mục tiêu 7 xã nông thôn mới, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cho biết, thu ngân sách 5 tháng đầu năm tăng 14,3% so với cùng kỳ

Về sản xuất công nghiệp - xây dựng, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, một số doanh nghiệp trên địa bàn không có nguyên liệu sản xuất và gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nên tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm không còn duy trì được sự tăng trưởng cao như cùng kỳ các năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30.219,8 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng năm 2020 tăng 1,16%. 

Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử được quyết liệt thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh luôn nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Năm 2019 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2018), xếp thứ 2/9 tỉnh đồng bằng sông Hồng (sau tỉnh Quảng Ninh).

Đối với định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, ông Đinh Văn Điến cho biết, Ninh Bình tập trung tăng cường xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới, sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng, phát huy giá trị văn hóa, con người Ninh Bình. 

Tập trung phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ tiên tiến, công nghiệp sạch và có đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách. 

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, hình thức sản xuất tiên tiến, gắn với xây dựng nông thôn mới tiên tiến, kiểu mẫu; phát triển kinh tế ven biển đúng tiềm năng, lợi thế. 

Tăng cường khai thác thế mạnh, tập trung thu hút đầu tư, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển hệ thống đô thị theo hướng hiện đại. Nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc, phấn đấu sớm trở thành tỉnh nông thôn mới, phát triển nhanh và bền vững.

Giai đoạn 2021 – 2025 tập trung về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

Theo báo cáo của tỉnh Ninh Bình, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường được chú trọng; thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được minh bạch, công khai, kịp thời; công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ngày càng hoàn thiện là thông tin quan trọng cho sự phát triển gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. 

Công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn được tập trung chỉ đạo, ứng phó, phòng chống, khống chế kịp thời; vượt qua nhiều thách thức như dịch bệnh Covid-19, trận lũ lịch sử năm 2017, dịch tả lợn châu Phi năm 2019, đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp, góp phần ổn định và phát triển sản xuất.

Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý hợp vệ sinh: Khu vực đô thị 85%; khu vực nông thôn 60%. Có 100% số khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Ninh Bình cho biết sẽ chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý hợp vệ sinh: Khu vực đô thị 85%; khu vực nông thôn 60%. Có 100% số khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, Ninh Bình là địa phương có tiềm năng thuận lợi để phát triển kinh tế đa dạng, là điểm đến yêu thích của du khách thế giới bởi lợi thế thế di tích lịch sử, văn hóa, di sản địa chất tự nhiên.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Ninh Bình sáng 12/7

Với điều kiện đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Ninh Bình có định hướng phát triển mới, xây dựng quy hoạch có tầm nhìn dài hạn để phải giải quyết tốt các xung đột giữa phát triển công nghiệp và du lịch; giữa khai thác khoáng sản cho phát triển công nghiệp với bảo vệ tài nguyên địa chất về địa mạo cảnh quan và di sản địa chất để phát triển du lịch.

Đối với những kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường ủng hộ những kiến nghị của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để rà soát, xác định cụ thể những nội dung cụ thể để từ đó tham mưu cho Chính phủ để có những quyết sách kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn địa phương thi hành một số điều của Luật Đất đai trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh giảm quy mô của các dự án khác để bổ sung cho dự án này đảm bảo không thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý địa phương cần cần đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, khả năng đáp ứng của nguồn nước; rà soát kỹ đối với những vùng đất “bờ xôi, ruộng mật” để giữ vững phát triển kinh tế nông nghiệp; Bảo vệ phát triển diện tích đất rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, đặc dụng nhất là các giá trị đa dạng sinh học của địa phương.

Ninh Bình cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Biểu dương những kết quả trong giai đoạn 2016-2020 mà Ninh Bình đã đạt được, đặc biệt là năm 2019, 6 tháng đầu năm 2020 có mức tăng trưởng GRDP cao hơn bình quân cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ thành tích này đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của đất nước ta, nâng cao uy tín và vị thế của Ninh Bình, vùng đất Cố Đô, địa linh nhân kiệt, trong đó sản xuất công nghiệp tăng mạnh, đã hình thành được một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tạo ra sự tăng trưởng lớn trong thu ngân sách như: lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, sản phẩm công nghiệp phụ trợ.

An sinh xã hội đạt kết quả tốt năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 2%, cận nghèo lần lượt giảm xuống dưới 3,0%. Thủ tướng đánh giá đây là chỉ tiêu rất quan trọng đối với tỉnh và Chính phủ trong khi nhiều tỉnh còn đang lúng túng. Bên cạnh đó, giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhìn thẳng vào thực tế, chúng ta thấy những hạn chế cần phải nỗ lực khắc phục. Tuy là tỉnh nằm trong nhóm đầu về giải ngân vốn đầu tư công, xếp thứ 3/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, nhưng kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, Thủ tướng lưu ý lãnh đạo tỉnh cần sát sao trong công tác này hơn.

Trong thời gian tới, Thủ tưởng đề nghị tỉnh cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. 

Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn; thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch có hiệu quả kinh tế cao vào địa bàn tỉnh. 

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, tạo thuận lợi phát triển nội địa hóa công nghiệp ô tô, phát triển các ngành công nghệ cao bảo vệ môi trường, Thủ tướng mong muốn Ninh Bình sớm trở thành tỉnh nông thôn mới, tiến tới tỉnh nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó phát triển nông nghiệp sạch, đa chức năng, nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Xây dựng đô thị thông minh, xanh và hiện đại; chú trọng phát triển đô thị Ninh Bình. Tập trung thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch, thu hút người tài nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, cải thiện hiệu quả các chỉ số cải cách của tỉnh. 

Tăng cường công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng góp phần tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Ninh Bình cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO