Trong nước

Thủ tướng: Điều hành KT-XH phải bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời

Khương Trung 02/03/2024 14:44

Sáng 2/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024. Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình KT-XH tháng 2, 2 tháng đầu năm, 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; những trọng tâm chỉ đạo trong tháng 3 và thời gian tới.

Cùng dự họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương.

img1702-1709343929820557724873.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024.

Kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình KT-XH tháng 2/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, mặc dù kết quả đạt được trên một số lĩnh vực không cao do là tháng Tết; tính chung 2 tháng hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,04% so với tháng 1; bình quân 2 tháng tăng 3,67%.

Cả 3 khu vực đều phát triển tốt, nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%; khách quốc tế đạt trên 3 triệu lượt, tăng 68,7%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 50,4 điểm, thể hiện mức độ cải thiện của ngành sản xuất, trong đó cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng.

img4822-17093590781101935378640.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 02 và 02 tháng năm 2024

Tổng kim ngạch XNK 2 tháng tăng 18,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu gạo 2 tháng đạt 912 nghìn tấn, kim ngạch 639 triệu USD, tăng lần lượt 74,8% và 96,6% so với cùng kỳ; bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực; Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Nhân dân cả nước, mọi người, mọi nhà đều vui Xuân đón Tết; không để ai không có Tết; Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Đồng bộ Luật Đất đai với các Luật chuyên ngành khác

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, các đại biểu thảo luận kỹ, phân tích tình hình, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tháng 3 và thời gian tới. Trong đó, tập trung đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đảm bảo kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; tình hình an sinh xã hội; việc thúc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; tiếp tục làm mới các động lực cũ, ưu tiên cho các động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong một số lĩnh vực như đấu thầu thuốc, vật tư y tế; tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược và đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…

anh_viber_2024-03-02_11-04-12-091.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024

Tham gia thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đưa ra 04 nhóm nội dung Bộ đã và đang triển khai. Trong đó, với Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua, Bộ đang gấp rút xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành luật, đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành để khi Luật đi vào cuộc sống sẽ đồng bộ được với Luật nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản nhằm phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, với việc thông tin đất đai giữ vai trò quan trọng trong công tác quản lý đất đai, là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các chính sách cho phù hợp để khai thác có hiệu quả tài nguyên đất. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai có hiệu quả việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng “1+63 - Bộ Tài nguyên và Môi trường và 63 địa phương cùng cập nhật số liệu, vận hành cơ sở dữ liệu” từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ đa mục tiêu; từng bước chuyển sang giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nâng cao hơn nữa công tác dự báo thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là đưa ra các bản tin để hỗ trợ các địa phương phòng, chống cháy rừng, hạn hạn, và điều tiết hồ đập.

Một trong những nhiệm vụ sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường chú trọng trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng và phát triển quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, từ đó khẩn trương triển khai Chương trình hành động thực hiện các cam kết tại COP28 và Triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, phù hợp, hiệu quả

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích tình hình thế giới và trong nước đồng thời chỉ ra những việc làm được, những việc chưa làm được và những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc trong đó nên rõ, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới; xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng. Tình hình SXKD trong một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn, một trong những nguyên nhân chính là do thiếu vốn, lãi suất cao; sản xuất công nghiệp một số lĩnh vực phục hồi chậm.

img1744-17093590326222112857168.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận phiên họp

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh cần bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Trong điều hành kinh tế, không quá cầu toàn, không quá nóng vội, không “giật cục”. Tích cực, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; bảo đảm tính tổng thể, bao trùm, toàn diện, thực chất, hiệu quả, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, không hình thức. Tranh thủ, tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi; nhanh chóng tháo gỡ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh; tạo mọi thuận lợi của người dân, doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, trách nhiệm đối với đất nước; tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, nhất là chỉ đạo của Tổng Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Tinh thần đặt ra là phải chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm hiệu quả trong chỉ đạo điều hành. Theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”. Nêu cao tinh thần tự giác, chủ động, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu; Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn: đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm cao hơn; đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực lớn hơn; đã hành động quyết liệt rồi thì phải hành động quyết liệt hơn nữa.

Thủ tướng yêu cầu từng Bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ các nhiệm vụ của tháng 3, Quý I gắn với nhiệm vụ cả năm và cả nhiệm kỳ và tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả. Trong đó thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; chú trọng bảo đảm ASXH, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL; Triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại Đảng, Nhà nước; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước; Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Thủ tướng chỉ rõ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; Phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi NSNN; Tăng cường quản lý giá cả, thị trường; bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng; Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; lưu ý tập trung triển khai các công trình truyền tải điện, phát điện.

Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong đó thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; Thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng KTXH; Tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực; Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Hydrogen; Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

img4821-17093594369452054743082.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 03 CTMTQG; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch; Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho SXKD; Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu; Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm ASXH, đời sống Nhân dân; Tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; Triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban KTXH Đại hội XIV của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Điều hành KT-XH phải bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO