Đồng chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Dự Hội nghị có các Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các địa phương tại các điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ,tất cả những thành quả đạt được của Chính phủ từ đầu năm đến nay là kết quả của sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành T.Ư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sự đồng thuận của Quốc hội, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, cùng nhiều nỗ lực vượt bậc của các tỉnh, thành phố cả nước.
Thủ tướng đề nghị, trong hội nghị này các tư lệnh ngành, lãnh đạo các địa phương tập trung hơn vào những tồn tại, hạn chế, yếu kém và khó khăn thách thức mà từng bộ ngành, từng địa phương phải đối mặt. Trên cơ sở đó chúng ta cùng thảo luận để đưa ra đối sách, xử lý nhanh, hiệu quả; kiên quyết với những vướng mắc kéo dài, ảnh hưởng đến mục tiêu Chính phủ đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh, qua báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có các vấn đề cần chỉ ra như sau, về nông nghiệp, tình hình dịch tả lợn Châu Phi đến nay đã có 60/63 tỉnh thành cả nước có dịch; giá các mặt hàng nông sản giảm mạnh. Nắng nóng kéo dài gây giảm năng suất lúa; diện tích rừng tập trung giảm, đất rừng bị cháy... Nhiều dự án trọng điểm, giao thông, hạ tầng chậm tiến độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng.
Về đầu tư công nhìn chung chưa được cải thiện, đạt thấp hơn cùng kỳ năm 2018; giải ngân vốn nước ngoài ODA thấp ở mức đáng báo động, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm do giá giảm. Chúng ta đã ký hiệp định EVFPA, trước tình hình thương mại quốc tế phức tạp, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các tập đoàn, công ty nhà nước phải làm gì để đáp ứng hội nhập quốc tế sâu rộng trong tình hình hiện nay ở nước ta?
“Hội nghị Chính phủ lần này quán triệt thảo luận để từ hội trường phải đi vào cuộc sống sản xuất kinh doanh, đến từng thành phần kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, vấn đề căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và sự ứng phó của chúng ta; các cấp, các ngành phải lưu ý không để xảy ra ảnh hưởng đến mối quan hệ với các nước là đối tác xuất khẩu lớn của nước ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Về văn hóa xã hội, phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần quan tâm hơn nữa trong thời gian tới như gian lận thi cử, đạo đức văn hóa ứng xử, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, đuối nước, rác thải nhựa, nhiều vụ giết người dã man, đánh bạc quy mô lớn, buôn bán ma túy...
“Chúng ta cần nhân rộng những kinh nghiệm quý, cách làm hay từ thực tiễn; trên cơ sở đó tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các địa phương phát biểu thẳng thắn, ngắn gọn, tập trung các vấn đề cụ thể phát sinh để có đối sách”, Thủ tướng đề nghị.
Đặc biệt, hôm nay cơn bão số 2 đang đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng đến Thanh Hóa, Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương này trình bày ngắn gọn diễn biến bão tại địa phương. Có thể nói đây là cơn bão đầu tiên để rút kinh nghiệm chung cho mùa mưa bão năm nay.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó,tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017; trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.
Đáng chú ý, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018. Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây. Xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,13% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,18%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,63%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,79%; khai khoáng tăng 1,78%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước. Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng.
“Số liệu cập nhật ngày 2/7/2019 của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký. Có 21.617 doanh nghiệp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Ngoài ra, các lĩnh vực lao động, việc làm; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân; văn hóa, thể dục thể thao; thông tin, truyền thông được quan tâm thực hiện và có những chuyển biến tích cực. Công tác an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm quy định về vệ sinh môi trường, phòng chống thiên tai, bão lũ tiếp tục được quan tâm và chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tình hình phát triển kinh tế chưa thể hiện sự “bứt phá” trong tăng trưởng chung cũng như trong từng ngành, từng lĩnh vực; các động lực hỗ trợ tăng trưởng chưa thực sự rõ nét, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm, nhất là căng thẳng thương mại thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước.
“Trong 6 tháng cuối năm, chúng ta phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu mà Quốc hội giao trên tinh thần “bứt phá”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.