Thủ tướng cho rằng đột phá về hạ tầng là quan trọng nhất đối với ĐBSCL

05/04/2019 21:11

(TN&MT) - Chiều 5/4, tại TP. Cần Thơ, làm việc với lãnh đạo các địa phương nhân dịp về dự mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đột phá về hạ tầng là quan trọng nhất đối với ĐBSCL, khẳng định cam kết, lời hứa của Chính phủ đối với phát triển hạ tầng của vùng; phát triển liên kết vùng để phát triển ĐBSCL toàn diện.

BT8
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong cuộc họp chiều ngày 5/4 tại Cần Thơ

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành và các địa phương Nam Bộ.

Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ phát biểu, nêu rõ “trách nhiệm của các bộ trong kết nối, tổ chức sản xuất như thế nào, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng”.  Theo Thủ tướng, điều mà các địa phương muốn nghe nhiều nhất là kết nối giao thông, các công trình giao thông, về việc thực hiện lời hứa của Bộ GTVT cũng như của Chính phủ đối với đồng bào các tỉnh Nam Bộ, trước hết là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về vấn đề này. 

Phát triển liên kết vùng để đưa ĐBSCL phát triển toàn diện, đồng bộ

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ đã chứng minh tầm nhìn dài hạn về định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL theo hướng tiếp cận tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn; tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng có sự điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, Nghị quyết120/NQ-CP đã xây dựng được quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp các quy hoạch ngành, địa phương nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển đồng bộ kinh tế, xã hội và môi trường.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết đến nay đã có kế hoạch bố trí vốn khoảng 18.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL.

Sau một năm triển khai, đến nay đã có kế hoạch bố trí vốn khoảng 18.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP. Các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng đã bước đầu đề xuất, xây dựng, triển khai các dự án ưu tiên, có quy mô vùng, có tính lan tỏa và đảm bảo tính bền vững như Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững với sự tham gia trực tiếp của 9 tỉnh vùng ĐBSCL.

BT1
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mặc dù đã có những chuyển biết rõ rệt trong việc quy hoạch, phát triển ĐBSCL từ khi triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP, tuy nhiên vẫn còn có những bất cập trong việc phối hợp giữa các địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu xảy ra gay gắt, thì việc Thủ trướng Chính phủ đề nghị tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu là rất cần thiết.

Hội nghị này sẽ đánh giá lại các bộ, ngành, địa phương có chuyển biến trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, trong đó có các đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và một số lĩnh vực ở vùng ĐBSCL. Khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đã dẫn đến giảm sức mạnh tổng hợp của cả vùng. Tập trung vào các cơ chế, chính sách có tính liên ngành, liên vùng về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện đại; xây dựng cơ chế phối hợp giữa đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, sẽ quy hoạch, tổ chức lại không gian lãnh thổ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, dựa trên đặc trưng sinh thái đất, nước gắn liền với văn hoá, con người trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu theo các kịch bản và các tác động từ bên ngoài.

Đồng thời, phát triển trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL, hệ thống quan trắc, kết nối dữ liệu liên vùng, tiểu vùng; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tiên tiến với tri thức bản địa, văn hoá sông nước, để phát triển bền vững, ứng xử thông minh với nước và  BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long; Đầu tư và phát triển hạ tầng nhất là hạ tầng thủy lợi và giao thông, triển khai các giải pháp tổng thể phòng chống sạt lở, sụt lún, xâm thực biển…

Ngoài ra, cũng liên quan đến sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, nơi đây là vùng hạ lưu sông Mê Công nên thời gian vừa qua lãnh đạo Chính phủ, Uỷ hội sông Mê Công Việt Nam cũng đã làm việc với các nước thượng nguồn sông Mê Công để đưa ra những đề xuất, giải pháp với các nước thượng nguồn để hướng tới phát triển kinh tế, xã hội giữa các quốc gia thuộc Uỷ hội sông Mê Công quốc tế một cách bền vững. Đồng thời phát triển, xây dựng hệ thông cơ sở dữ liệu chung để kết nối cơ sở dữ liệu với các quốc gia Lào, Campuchia, Thái Lan… để từ đó có các dự báo về khí tượng thuỷ văn, biến đổi khí hậu một cách chính xác giúp việc điều phối vùng tốt hơn.

Với những vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phát triển liên kết vùng để đưa ĐBSCL phát triển toàn diện, đồng bộ. 

Thủ tướng nhấn mạnh liên kết vùng và tiểu vùng ĐBSCL, Thủ tướng nêu rõ không có nơi nào có điều kiện liên kết vùng tốt như ĐBSCL. Chúng ta phải tổ chức lại để phát huy sức mạnh của từng địa phương. Cần kết nối vùng ĐBSCL với TPHCM theo tinh thần “ĐBSCL phát triển thì TPHCM phát triển, ngược lại, TPHCM phát triển có đóng góp của các tỉnh ĐBSCL”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là Nghị quyết được nghiên cứu xây dựng bài bản về quan điểm phát triển, mô hình phát triển và giải pháp cụ thể, được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao, do vậy cần phải được tất cả các bên liên quan cùng đồng hành xây dựng và phát triển vì tương của đồng bằng sông Cửu Long, tương lai phát triển của đất nước. Thủ tướng đặt vấn đề cần ít nhất một Phó Thủ tướng chỉ đạo việc liên kết vùng, chứ không để tình trạng “không ai bảo được ai”. Đây là phương pháp tổ chức, tạo đòn bẩy phát triển.

BT6

 

Khẳng định cam kết của Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL

Báo cáo về tình hình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đối với tuyến cao tốc phía đông từ TPHCM đi Cần Thơ-Cà Mau, đoạn TPHCM-Trung Lương đã hoàn thành năm 2010; còn đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận đang triển khai thi công. Bộ trưởng khẳng định, sẽ phấn đấu thông tuyến sớm nhất, cố gắng vào cuối năm 2020 và sau đó triển khai tuyến Cần Thơ-Cà Mau. 

Về cầu Mỹ Thuận 2, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo triển khai, phấn đấu khởi công xây dựng trong quý III/2019, hoàn thành năm 2023.

Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khẩn trương kêu gọi nguồn vốn đầu tư, từng bước hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 TPHCM, kết nối TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ với vùng ĐBSCL.

Ghi nhận nỗ lực của Bộ GTVT, Thủ tướng cho biết những gì Bộ GTVT kiến nghị về tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều giải quyết hết cũng như đối với kiến nghị về các tuyến giao thông khác, để làm sao đáp ứng nguyện vọng của 20 triệu người dân ĐBSCL, một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết thời gian qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng có nhiều cuộc làm việc tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong vùng, có địa phương Thủ tướng làm việc tới 3 lần. 

Trước sự quan tâm của địa phương đối với dự thảo Nghị định về thanh toán cho nhà đầu tư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tuần tới, Thường trực Chính phủ sẽ họp xem xét Nghị định này để sớm ban hành. Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch cũng sẽ sớm được xem xét, để tháo gỡ cho các địa phương. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị các tỉnh tập trung mạnh mẽ cải cách hành chính, khi hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn về vấn đề này ở các địa phương. “Chúng ta có 15 cảng biển và 35 cảng sông, tư nhân muốn vào đầu tư nhưng rất vướng thủ tục. Nhiều tỉnh rất năng động nhưng lại vướng về cơ chế”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nói.

Lãnh đạo các địa phương cho rằng một điểm nghẽn lớn trong phát triển ĐBSCL là hạ tầng, trong đó có kết nối đường bộ giữa các tỉnh ĐBSCL với TPHCM, khi mà cứ dịp lễ, tết, các tuyến đường nối với TPHCM đều tắc nghẽn. Các tỉnh rất trông mong dự án tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận hoàn thành.

Nhận bàn giao quản lý dự án từ Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết việc hoàn thành dự án vào cuối năm 2020 là áp lực rất lớn với tỉnh và nhà đầu tư. Vấn đề lớn hiện nay là việc xử lý nền đất yếu. Tỉnh cam kết đẩy nhanh tiến độ và mong các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ.

Cho rằng đây là cuộc làm việc tốt để trao đổi thông tin nhiều chiều, để cùng đưa ra giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhìn nhận bộ mặt ĐBSCL có sự thay đổi lớn. Nhiều công trình giao thông được xây dựng. Nhiều địa phương trong vùng năng động, sáng tạo, quyết liệt trong phát triển với nhiều mô hình. Xuất khẩu nông sản, lương thực, thực phẩm của Việt Nam là phần lớn từ ĐBSCL.

Vấn đề quan trọng là không được chủ quan, phải có ý chí mạnh mẽ hơn, có tầm nhìn, giải pháp tốt hơn để đưa vùng bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề này phát triển, Thủ tướng nói và nhấn mạnh phải đưa vùng đất phương Nam và đời sống của 20 triệu dân ĐBSCL thay đổi mạnh mẽ hơn. 

BT10
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cuộc họp

Thủ tướng nêu rõ trong các đột phá thì đột phá về hạ tầng là quan trọng. Hạ tầng không chỉ là cầu cống, đường sá, sân bay mà bao gồm cả hạ tầng xã hội với trường học, y tế, thiết chế văn hóa cho người dân. Đặc biệt là cần phát triển mạnh mẽ hạ tầng thông minh như hạ tầng số. 

Nhấn mạnh việc ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững ĐBSCL, Thủ tướng cho biết sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 120 về vấn đề này trong tháng 5 tới.

Nhiều nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như Israel, Hà Lan nhưng kinh tế-xã hội vẫn phát triển, đời sống người dân được cải thiện do họ thích ứng trong mô hình phát triển. Vì vậy, cần nghiên cứu các mô hình phát triển, thích ứng để phát triển ĐBSCL. Một câu hỏi đặt ra cho từng cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp là chuyển đổi mô hình sản xuất, tái cơ cấu, làm gì hiệu quả hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu. Điều rất quan trong là cần nâng cao giá trị sản phẩm, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Đề cập phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng cứng đối với ĐBSCL, Thủ tướng nêu rõ, “hôm nay, Bộ trưởng Bộ GTVT đã công bố chương trình phát triển GTVT ở ĐBSCL, tuy nhiên còn điểm này, điểm khác cần điều chỉnh, nhưng có thể nói đó là một cam kết của Chính phủ, của Bộ GTVT trước 20 triệu người dân ĐBSCL về vấn đề hạ tầng ở đây". Thủ tướng nhấn mạnh cam kết này sẽ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời để giải quyết bức xúc hiện nay đối với ĐBSCL, trước hết là tuyến đường bộ Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ, phải được thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021. Đây là lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT, của Chính phủ. Chính phủ sẽ giải quyết đầy đủ các điều kiện về cơ chế chính sách, về kinh phí và chỉ yêu cầu tổ chức thực hiện cho nghiêm túc.

Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thủ tướng bày tỏ, phải làm sao để ĐBSCL không còn là vùng trũng về giáo dục. Cần tiếp tục quan tâm đến đời sống đồng bào Khmer, hiện tỉ lệ đói nghèo còn cao. 

Thủ tướng cũng lưu ý cần có quy hoạch tốt với tầm nhìn xa trong phát triển, đồng thời có hình thức huy động xã hội hóa mạnh mẽ “15 cảng biển và 35 cảng sông này" để phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng cho rằng đột phá về hạ tầng là quan trọng nhất đối với ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO