Thứ trưởng Lê Công Thành trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngày truyền thống ngành KTTV Việt Nam |
Chủ trì hội nghị có GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; các Phó Tổng cục trưởng: Lê Hồng Phong, Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng.
Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Ban Chỉ đạo PCTT, các Bộ, ban, ngành TƯ; Lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT cùng tập thể lãnh đạo của 23 đơn vị trực thuộc Tổng cục.
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Trần Hồng Thái cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2019, lãnh đạo Tổng cục KTTV đã định hướng, quyết liệt chỉ đạo, bám sát các đơn vị để tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhiệm vụ quan trọng, mang tính tổng thể nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách; đồng thời đáp ứng yêu cầu lâu dài phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2019, thực tế cho thấy, hoạt động KTTV còn nhiều thách thức, khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của Ngành. Nguyên nhân đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTTV đang trong quá trình hoàn thiện, chưa đầy đủ so với yêu cầu quản lý nhà nước về KTTV; sự thay đổi, phát triển của kinh tế - xã hội tác động đến nguồn nhân lực KTTV; hạn chế về khoa học công nghệ; nhận thức của người dân về tầm quan trọng của Ngành còn chưa được đầy đủ; mạng lưới trạm còn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tiễn...
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu chủ trì Hội nghị |
“Từng vấn đề này, Ngành cần đồng lòng quan tâm hơn nữa để xem xét xử lý, giải quyết toàn diện, nhiều góc độ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo an toàn tính mạng - tài sản của nhân dân, đất nước; đảm bảo phát triển kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn nữa” - GS.TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020 của Tổng cục KTTV tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Lê Hồng Phong nêu rõ, trong năm qua, Tổng cục KTTV đã tiếp tục tập trung trọng tâm cho công tác xây dựng hoàn thiện thể chế phục vụ quản lý nhà nước và triển khai thi hành pháp luật về KTTV nhằm tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực KTTV; tiến hành xây dựng và trình cấp có thẩm quyền 1 Đề án, 1 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ TN&MT; xây dựng 7 Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Đồng thời, tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Luật KTTV, Luật PCTT và các văn bản Luật. Theo dõi, dự báo và cảnh báo sát diễn biến, tác động của 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới, 15 đợt mưa lớn, 9 trận lũ. Đặc biệt là dự báo phục vụ khắc phục sự cố hồ chứa ở Đắk Nông và các sự kiện trọng đại của đất nước. Kịp thời đưa ra những nhận định sớm về diễn biến thiên tai trước 5-7 ngày để Chính phủ có những kế hoạch ứng phó phù hợp.
GS.TS Trần Hồng Thái khai mạc Hội nghị |
Theo ông Lê Hồng Phong, trọng tâm nhiệm vụ trong năm 2020, Tổng cục KTTV sẽ tập trung tăng cường công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận theo định hướng của Tổ chức Khí tượng thế giới là dự báo tác động của KTTV đến các ngành nghề như: nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, y tế, du lịch... để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.
Chú trọng thể hiện chi tiết bản tin dự báo thời tiết đến từng thành phố, thị xã trên toàn quốc. Theo dõi chặt chẽ và dự báo kịp thời, sát diễn biến các hiện tượng KTTV nguy hiểm (ATNĐ, bão, mưa lớn, ngập lụt, nước dâng, nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối); cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV cho các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo PCTT.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và các đơn vị bạn đã đóng góp nhiều ý kiến để ngành KTTV tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Theo ông Đặng Ngọc Điệp, Chánh Văn phòng Bộ TN&MT, năm 2019 tổng cục đã phát huy tốt cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm của các lãnh đạo tiền nhiệm để làm tốt công tác dự báo, đưa được đến người dân những thông tin chính xác, thường xuyên và KTTV. Nhiều chuyên gia KTTV, lãnh đạo Chính phủ ghi nhận và đánh giá công tác dự báo KTTV của Tổng cục KTTV thực sự “có bản lĩnh”.
“Năm 2020 là năm trọng điểm, bản lề của kế hoạch 5 năm, tôi mong rằng Tổng cục sẽ tăng cường công tác xây dựng cơ sở hạ tầng quan trắc để có thêm số liệu, dữ liệu làm tốt công tác dự báo; quan tâm xã hội hóa; tận dụng cơ sở vật chất KTTV đã cơ ở các địa phương tăng cường năng lực cho ngành KTTV trong năm 2020 và những năm tiếp theo”, ông Đặng Ngọc Điệp nói.
Lãnh đạo Tổng cục KTTV chủ trì Hội nghị |
Phát biểu với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KTTV, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá cao những kết quả và đồng tình với định hướng công tác năm 2020 của ngành KTTV. Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, năm 2019, ngành KTTV đã khẳng định vai trò trong nước và vươn ra quốc tế.
“Đến hôm nay, chúng ta tự hào đã có ngành KTTV với cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp trải dài trên toàn quốc, đã thành lập Hội KTTV, được công nhận ngày truyền thống ngành KTTV Việt Nam...” - Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, để thực hiện mục tiêu của năm 2020 - năm “về đích” của kế hoạch 5 năm, bối cảnh chung của đất nước đòi hỏi ngành KTTV tập hợp trí tuệ tập thể định hướng cho ngành phát triển trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Thống nhất quan điểm “hiện đại hóa ngành” là “cuộc đấu tranh” giữa cái mới và cái cũ. Trong đó, phải sắp xếp lại các trạm tự động và truyền thống, giảm bớt lao động đơn giản, tăng lao động có trí thức cao, “văn phòng dự báo không giấy”..., Thứ trưởng đánh giá, ngành KTTV đang ở thời điểm hết sức quan trọng, cần kiên trì lâu dài, không “bỏ cuộc giữa đường”.
Chánh Văn phòng Bộ TN&MT Đặng Ngọc Điệp phát biểu đóng góp ý kiến với ngành KTTV |
Thứ trưởng đề nghị quán triệt “3 giảm - 3 tăng” là giảm đầu mối, giảm biên chế, giảm chi ngân sách - tăng nhiệm vụ, tăng trách nhiệm, tăng tuổi nghỉ hưu.
Chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể, về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong năm 2020, Thứ trưởng yêu cầu ngành KTTV tiếp tục rà soát lại những gì còn thiếu, cấp bách thì tập trung làm sớm. Đặc biệt, khẩn trương trình và xin ý kiến những Đề án quan trọng phục vụ phòng chống thiên tai, đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền dân tộc.
Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác thực hiện pháp luật KTTV nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với thực hiện các quy định của Luật KTTV. Thúc đẩy trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc đồng hành với các hoạt động KTTV. Tiếp tục các ý tưởng xã hội hóa không chỉ trên đất liền mà cả trên biển.
Thứ trưởng Lê Công Thành trao biểu trưng của Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận công lao đóng góp với ngành cho 2 nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV: Lê Thanh Hải; Nguyễn Văn Tuệ |
Về các công tác chuyên môn (dự báo, thông tin dữ liệu...), Thứ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, hiện đại hóa là một quá trinh cam go, chúng ta phải kiên trì... Tiến tới tự động hóa 100% công tác đo đạc, truyền tin vào cơ sở dữ liệu, quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu, chia quyền quản lý và sử dụng dữ liệu; tiếp tục định hướng “văn phòng dự báo không giấy”...
“Tôi đề nghị toàn ngành KTTV kiên trì và đẩy nhanh hiện đại hóa. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa các dịch vụ. Nếu không tự thay đổi, sẽ đến lúc chúng ta tự đánh mất chính mình”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho hay, Tổng cục KTTV sẽ nghiên cứu, đưa ra kế hoạch cụ thể để phục vụ được nhiều đối tượng hơn, phục vụ đời sống người dân tốt hơn trong những năm tiếp theo.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Văn Tuệ - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; Huân chương Lao động hạng Ba đối với ông Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; Huân chương lao động hạng Nhì, hạng Ba đối với các Tập thể thuộc Tổng cục;
Thứ trưởng cũng trao biểu trưng của Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận công lao đóng góp với ngành cho 2 nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV: Lê Thanh Hải; Nguyễn Văn Tuệ.