Báo cáo tại Hội nghị, ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết: Năm 2018 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, khẳng định vị thế, những đóng góp của Trung tâm trong lĩnh vực tài nguyên nước nói riêng và trong thành tựu 15 năm phát triển ngành tài nguyên và môi trường nói chung. Trung tâm đã thực hiện tốt và đúng tiến độ kế hoạch được giao. Thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Bộ, các quyết định, chỉ thị, ý kiến chỉ đạo và thông báo kết luận tại các cuộc họp của lãnh đạo Bộ TNMT.
Hoàn thành tốt 04 dự án quy hoạch tài nguyên nước
Theo ông Triệu Đức Huy, năm 2018, Trung tâm được Bộ giao thực hiện 04 dự án quy hoạch tài nguyên nước trong đó, có 02 dự án hoàn thành bước lập quy hoạch, 01 dự án hoàn thành bước lập nhiệm vụ quy hoạch và 01 dự án đang thực hiện bước lập quy hoạch.
Đơn cử như, Dự án “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng”, đã xây dựng các phương án phân bổ và tính toán phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước cho 4 tiểu lưu vực, 3 tỉnh và trên toàn lưu vực sông trong điều kiện bình thường và điều kiện khan hiếm nước, có xét đến tác động của biến đổi khí hậu và các tác động không lường trước của điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; đề xuất các công trình phát triển tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước cần xây dựng trong kỳ quy hoạch và mạng giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước; xác định được các giải pháp bảo vệ nguồn sinh thủy, chất lượng nước, phòng, chống ô nhiễm suy thoái cạn kiệt nguồn nước đối với các sông liên tỉnh, tầng chứa nước chính trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng.
Dự án “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Srêpôk” đã ứng dụng mô hình Mike 11 để tính toán lượng nước có thể phân bổ cho các đối tượng, xác định chức năng nguồn nước cho 06 sông liên tỉnh (sông Sprê Pok, Ea Krông Nô, Ea Krông Na, Ia H’Leo, Ia Lốp, Ia Drang) và các tầng chứa nước chính; xác định thứ tự ưu tiên và tính toán phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng trong điều kiến bình thường và điều kiện khan hiếm nước theo các tần suất nước đến; đề xuất các công trình phát triển tài nguyên nước, mạng giám sát tài nguyên nước và xác định các giải pháp bảo vệ nguồn sinh thủy, chất lượng nước, phòng, chống ô nhiễm suy thoái cạn kiệt nguồn nước đối với các sông liên tỉnh, tầng chứa nước chính trên lưu vực sông Srê pôk.
Dự án “Lập nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long” đã thực hiện hoàn thành hồ sơ, sản phẩm bước Lập Nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long theo quy định và đã trình Bộ xin phê duyệt “Nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Hoàn thành giai đoạn 1 đề án Bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị lớn
Ông Triệu Đức Huy cũng cho biết thêm, năm 2018, Trung tâm được Bộ TN&MT giao thực hiện 06 đề án, dự án Chính phủ, 09 dự án cấp Bộ (trong đó có 01 đề án Chính phủ, 02 dự án cấp Bộ kết thúc và 05 đề án, dự án Chính phủ, 07 dự án cấp Bộ đang thực hiện), cụ thể: Đề án “Bảo vệ nước dưới đất tại các khu đô thị lớn” - giai đoạn I, Trung tâm đã hoàn thành giai đoạn I của Đề án, góp phần quan trọng phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất cho các đô thị lớn, phục vụ hữu ích cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các đô thị lớn trong thời gian tới.
Dự án “Biên hội - thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc” được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến nay đã kết thúc. Đây là lần đầu tiên từ khi bộ bản đồ địa chất thủy văn toàn quốc tỷ lệ 1:500.000 được thành lập năm 1987, tài nguyên nước dưới đất được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách thống nhất, đầy đủ nhất. Ngoài các nội dung thông tin có trong các bản đồ địa chất thủy văn truyền thống, điểm khác biệt lớn nhất và có ý nghĩa nhất của bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 là các thông tin về tiềm năng dự báo, trữ lượng có thể khai thác và hiện trạng khai thác nước dưới đất được đánh giá và thể hiện trên bộ bản đồ chi tiết đến địa giới hành chính huyện. Dự kiến trong Quý I năm 2019, Trung tâm sẽ chính thức công bố các sản phẩm và bàn giao cho các địa phương sử dụng.
Đề án “Điều tra, đánh giá khả năng tự bảo vệ các tầng chứa nước vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ (các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình)” đã hoàn thành toàn bộ nội dung, khối lượng công việc đã được phê duyệt và đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Kết quả đã làm sáng tỏ điều kiện địa chất thủy văn cũng như sáng tỏ các yếu tố trên ảnh hưởng đến khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước qh2, qh1, qp và t2 đối với nhiễm bẩn từ các tác động từ trên mặt cũng như sử dụng mô hình số để đánh giá, dự báo quá trình gia tăng xâm nhập mặn theo thời gian, khả năng xâm nhập mặn theo theo phương thẳng đứng giữa các tầng chứa nước và xâm nhập mặn theo phương ngang. Từ đó, đề án đã đề xuất được phương án khai thác, sử dụng hợp lý, các giải pháp bảo vệ nước dưới đất.
Trung tâm đã nghiệm thu cấp quản lý và đang làm thủ tục lưu trữ. Toàn bộ sản phẩm của đề án sẽ được bàn giao cho 03 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Đây sẽ là sản phẩm hữu ích phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trên.
Trung tâm hiện đang thực hiện 05 đề án, dự án Chính phủ và 07 dự án cấp Bộ. Tiếp nối thành công năm 2016, 2017, trong năm 2018 Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra của đề án “Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”. Đã thiết kế và thi công các dạng công tác điều tra, tìm kiếm các nguồn nước dưới đất, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân tại 61 vùng, thuộc 15 tỉnh trên phạm vi 5 khu vực (Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ). Đã đánh giá chất lượng và trữ lượng có thể khai thác của các nguồn nước cũng như lưu lượng khai thác bền vững của các lỗ khoan.
Trong tổng số 61 vùng đã tìm kiếm được nguồn nước dưới đất với 143 lỗ khoan khai thác. Lưu lượng nước dưới đất có thể khai thác ở các vùng đạt từ 171 đến 1.214 m3/ngày, tổng lưu lượng đạt 28.319m3/ngày, đủ để cấp nước sinh hoạt cho 449.853 người với mức 60l/ngày/người. Khả năng đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt ở các vùng cao, có vùng lên tới 629%.
Đồng thời đang thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước cảnh báo, dự báo và phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long” và Dự án “Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long, định hướng, quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất”, “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam”.
Nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước là nhiệm vụ thường xuyên, được triển khai liên tục hàng năm trên cơ sở Đề cương nhiệm vụ được Bộ phê duyệt. Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã triển khai việc rà soát nội dung sản phẩm quan trắc, hiện trạng các công trình cũng như tình hình trang thiết bị quan trắc hiện có để có phương án chủ động trong lập và thực hiện nhiệm vụ, đồng thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, đảm bảo cho hệ thống quan trắc được vận hành thông suốt, hiệu quả từ Trung tâm đến quan trắc viên.
Trung tâm đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc vận hành quan trắc trên toàn bộ hệ thống mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước do Trung tâm quản lý đảm bảo đúng kế hoạch, chất lượng. Các đơn vị thực hiện công tác quan trắc, tổng hợp số liệu tại các công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất và nước mặt đảm bảo thường xuyên, liên tục, chuỗi số liệu phục vụ công tác cảnh báo, dự báo tài nguyên nước. Cùng với việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động quan trắc của các đơn vị theo các quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, Trung tâm cũng quan tâm chỉ đạo duy tu, bảo dưỡng thiết bị quan trắc, kịp thời khắc phục, xử lý những bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ chức hướng dẫn chuyên môn cho đơn vị và quan trắc viên. Trung tâm đã nghiên cứu mô hình hoạt động tác nghiệp công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức mới của đơn vị để thực hiện từ năm 2018.
Về nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Trung tâm thực hiện 04 đề tài cấp quốc gia (trong đó 01 đề tài chuyển tiếp, 03 đề tài mở mới), 08 đề tài cấp Bộ (trong đó có 02 đề tài kết thúc năm 2018, 03 đề tài chuyển tiếp, 03 đề tài mở mới), 04 đề tài cấp cơ sở.
Năm 2019: Đổi mới để phát triển trong công tác tài nguyên nước
Ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết, năm 2019, Trung tâm tập trung vào việc triển Đề án “Bảo vệ nước dưới đất tại các khu đô thị lớn” - giai đoạn II, dự kiến Trung tâm thực hiện công tác bàn giao kết quả Giai đoạn I của Đề án tại 09 đô thị vào Quý I năm 2019. Trung tâm tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai Giai đoạn II của Đề án để trình Bộ TNMT. Dự án “Điều tra tìm kiếm nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước thuộc Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”, Trung tâm thực hiện công tác bàn giao sản phẩm năm 2017 của Dự án cho các Bộ liên quan để triển khai các bước tiếp theo của Chương trình. Đồng thời, Trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện dự án tại các tỉnh vùng cao, khan hiếm nước theo dự án được duyệt tại một số tỉnh vùng núi phía Bắc (Đông Bắc và Tây Bắc), Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Ngoài ra, tiếp tục triển khai Dự án “Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long”.
Cũng tại Hội nghị, ông Tống Ngọc Thanh kiến nghị Bộ TN&MT sớm có văn bản chỉ đạo cho công tác lập quy hoạch về tài nguyên nước để định hướng, hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc cho các nhiệm vụ quy hoạch đang triển khai. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 42/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy định kỹ thuật lập quy hoạch tài nguyên nước, Thông tư số 15/2017/TT-BTNMT ngày 21 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Định mức mức kinh tế - kỹ thuật lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước và ban hành Đơn giá lập quy hoạch. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và Quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước để làm căn cứ triển khai các quy hoạch về tài nguyên nước theo quy định.
Từ kết quả thực hiện Dự án “Biên hội - thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”, Trung tâm kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, tạo điều kiện và hỗ trợ chuyển giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thành để làm căn cứ quản lý, quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất ở các địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chúc mừng Trung tâm đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2018.
Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, tài nguyên nước hiện đã trở thành vấn đề “nóng” (sau đất đai và môi trường) trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường. Chính vì vậy, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Trung tâm và các đơn vị về tài nguyên nước cần có bước chuyển biến cơ bản để đáp ứng kịp thời với công tác quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội như hiện nay.
Thứ trưởng Lê Công Thành đồng tình với đề xuất cần nghiên cứu để có cơ chế chính sách kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ về tài nguyên nước trong bối cảnh hiện nay.
“Cùng với đó, Trung tâm cần có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ tiếp cận công nghệ đem lại hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước và người dân” – Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, Trung tâm cần phối hợp tốt hợp với Cục quản lý Tài nguyên nước và các đơn vị liên quan trong việc thay đổi hệ thống cơ chế chính sách hay như cần có quy hoạch theo đúng nghĩa của nó. Đây là việc hết sức quan trọng mà Trung tâm cần triển khai ngay trong đầu năm 2019.
Đối với lĩnh vực điều tra tài nguyên nước, Trung tâm cần làm ngay là đánh giá điều tra tài nguyên nước dưới đất. Trong bối cảnh nguồn ngân sách về tài nguyên nước hạn chế như hiện nay, Trung tâm cần nghiên cứu kỹ xem nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau, hay như việc gì mang tính chất điều tra cơ bản, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao việc chủ động đề xuất nhiệm vụ của Trung tâm trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Thứ trưởng Lê Công Thành tin tưởng, với truyền thống cần cù, sáng tạo, tập thể Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo ra sản phẩm hiệu quả cao cho xã hội và khẳng định vai trò của mình trong lĩnh vực tài nguyên nước.