Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 22), Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam đã chủ trì phiên họp đoàn để nghe các thành viên đoàn tóm tắt về kết quả thảo luận tại các phiên họp kỹ thuật cũng như sự tham gia của Việt Nam trong quá trình đàm phán.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì họp đoàn Việt Nam tại COP 22 |
Kết quả thảo luận tại các phiên họp kỹ thuật
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Bên cạnh các nội dung về đàm phán được giao, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia trình bày tại 5 sự kiện bên lề của các đối tác khác nhau về chiến lược tăng trưởng xanh và Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định NDC. Bên cạnh đó Bộ KH&ĐT và Tài Chính cũng đã có buổi họp vói Quỹ Khí hậu xanh (GCF) để chia sẻ thông tin về việc Thủ tướng cam kết đóng góp 1 triệu Đô la vào Quỹ GCF và việc triển khai trong nước trong thời gian tới. Hình thức đóng góp có thể là trực tiếp hay gián tiếp.
Theo ông Trần Văn Lượng, Bộ Công Thương, hoạt động của Bộ chủ yếu tập trung vào vấn đề năng lượng, tham gia trình bày 2 sự kiện của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng xanh, năng lượng mặt trời, đề xuất nghiên cứu về quy định để có giá các-bon ở thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương đã tiếp xúc với đối tác để tìm hiểu hợp tác xây dựng dự án, phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thu Hằng, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, các thảo luận liên quan tới lĩnh vực giao thông hiện nay không chỉ tập trung vào nội dung giảm nhẹ mà còn tập trung vào nội dung thích ứng. Các bên đang cùng góp ý cho dự thảo tuyên bố về thích ứng, đang xin chữ ký của các bên để trình lên hội nghị cấp cao.
Đánh giá vai trò của tài chính ngày càng quan trọng hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, bà Tô Nguyễn Cẩm Anh, Bộ Tài chính cho rằng, cần xây dựng chính sách về cơ chế tài chính, phân bổ nguồn lực tài chính. Trong đó, thời gian tới cần tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách tài chính chung về tín chỉ các bon.
Về nội dung thảo luận kỹ thuật về khung công nghệ trong khuôn khổ Ban bổ trợ khoa học kỹ thuật SBSTA, ông Lê Quang Thanh cho biết, bước đầu đã thống nhất được chủ đề chính của khung công nghệ bao gồm: đổi mới, thực hiện, tăng cường năng lực, hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia, hỗ trợ. Cho biết đây là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trong nước, ông Thanh đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ của về nhiệm vụ hợp tác với Mạng lưới Trung tâm Công nghệ Khí hậu CTCN đảm bảo tham gia đàm phán sau này có hiệu quả.
Ông Chu Văn Chuông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết dự thảo kết luận về nông nghiệp dự kiến trình lên COP22, đến phút cuối không thông qua được do có vướng mắc giữa các bên. Các nước đang phát triển không muốn tiếp tục tổ chức hội thảo về nội dung này mà cần có các hoạt động cụ thể hỗ trợ về tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức. Tuy nhiên các bên không thống nhất được quan điểm, vì vậy không đi đến dược kết luận, nội dung này sẽ tiếp tục được thảo luận tại SB46. Bên cạnh đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tham gia nhóm ASEAN về nông nghiệp, cùng phối hợp với các nước trong khu vực để tăng cường tiếng nói của ASEAN trong đàm phán.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP 22 |
Tích cực, chủ động trong các phiên đàm phán
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao nỗ lực của các thành viên đoàn công tác tham dự COP 22. Việc tham gia của Đoàn công tác lần này thực hiện đúng theo phương án đàm phán đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Phạm Mạnh Cường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận xét, so với các Hội nghị COP ông đã từng tham gia trước đây thì trình độ của cán bộ tham dự đàm phán mạnh hơn nhiều thể hiện ở việc tham gia của đoàn Việt Nam vào nhóm và tiểu nhóm khác nhau, đem lại vị thế lớn cho Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam là nước chủ nhà của APEC, cần chuẩn bị nội dung chu đáo để thúc đẩy việc thực hiện Thoả thuận Paris.
Bà Vũ Thuỷ Minh, Bộ Ngoại giao đề cập: Đoàn công tác của Việt Nam tham gia tích cực, chủ động trong các phiên đàm phán. Đối với các quyết định liên quan sau này của Thoả thuận Paris, đặc biệt là các quy định hướng dẫn của NDC, cần có tiếng nói nhiều hơn và tham gia thực chất hơn. Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ hơn để tham gia sâu hơn vào quá trình này.
Cũng đánh giá cao năng lực của đoàn Việt Nam tại COP 22, Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu của Việt Nam (VPCC) cho rằng, việc tham dự nhiều sự kiện bên lề và tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo quyết định của các nội dung họp của Đoàn Việt Nam tại COP 22 tốt hơn nhiều so với các năm trước.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các Bộ ngành tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát các nội dung đàm phán và chuẩn bị báo cáo theo phân công nhiệm vụ của Đoàn công tácđể Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả đoàn Việt Nam tham dự COP 22 và đề xuất các kiến nghị mà Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới.
Theo Monre