Môi trường

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành dự "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Pháp 2023"

Khánh Ly 07/07/2023 19:36

(TN&MT) - Việt Nam đang thu hút đầu tư cho phát triển xanh bền vững, phù hợp với lộ trình đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050, trong khi Pháp là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đây chính là tiền đề để hai nước tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trên phát triển quan hệ kinh tế trong thời gian tới.

Thông điệp được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Pháp 2023, do Trường Đại học Kinh tế, Khoa Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp cùng Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Pháp; Viện nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 7/7, tại Hà Nội. Với chủ đề “Hướng tới phát triển xanh và bền vững”, sự kiện hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. Thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành dự và phát biểu tại diễn đàn. 

_mg_5641.jpg
Các đại biểu trong lễ ra mắt cuốn sách "Kinh tế Việt Nam - Pháp: Hướng tới phát triển xanh và bền vững"

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Chủ đề của Diễn đàn cũng chính là mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của cả hai quốc gia Việt Nam và Pháp. Qua nhiều năm quan hệ đối tác chặt chẽ, Việt Nam và Pháp đã chứng tỏ được sự cam kết đồng lòng trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên một cách bền vững, phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo.

anh-1.jpg
PGS.TS Phạm Bảo  Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn

Hai nước đã không ngừng nỗ lực để xây dựng những cơ sở hạ tầng và chính sách phù hợp, từ đó tạo ra cơ hội hợp tác và phát triển cùng nhau. Việt Nam, với những tiềm năng đáng kể trong lĩnh vực năng lượng sạch, và Pháp, với những kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến, sẽ tạo nên sự hợp tác độc đáo, bền chặt, thân tình để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và xanh hơn cho cả hai quốc gia.

Theo ông Nicholas Warnery - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam, trong giai đoạn 2010 - 2022, kim ngạch thương mại 2 nước đã tăng gấp 5 lần và đạt 16 tỷ EUR. Tất cả các công ty lớn nhất của Pháp, cùng với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có mặt tại Việt Nam, trong khi ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam – trước hết là FPT và VinFast – đã hoạt động đầu tư tại Pháp.

anh-4.jpg
Quang cảnh Diễn đàn

Với cam kết Net Zero, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong ứng phó biến đổi khí hậu và đang trong quá trình hiện thực hóa cam kết này, trước hết là loại bỏ dần năng lượng hóa thạch. Một hành động mạnh mẽ nữa là ký kết với các đối tác phát triển G7 về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Mối quan hệ này đã đặt mục tiêu đầy tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính và tăng tỷ trọng điện từ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.

anh-3.jpg
ông Nicholas Warnery - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

“Pháp – một quốc gia ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu – sẽ ủng hộ Việt Nam trên con đường này. Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đang tham gia vào nỗ lực tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trên mạng lưới điện Việt Nam, trong khi khu vực tư nhân cũng đã có nhiều hoạt động đầu tư liên quan đến giảm phát thải, tăng trường xanh tại Việt Nam” – ông Nicholas Warnery khẳng định.

Để thúc đẩy khối doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đến từ Pháp đầu tư vào các dự án xanh, phát thải các-bon thấp tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp đổi mới danh mục đầu tư tại Việt Nam, trong đó ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng xanh, các-bon thấp, có sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, phát triển vốn tự nhiên; các dự án đầu tư ngoài việc đóng góp cho các mục tiêu phát triển gắn với các cam kết toàn cầu về khí hậu và môi trường.

_mg_5612.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Diễn đàn

Thứ trưởng cho rằng, cần thúc đẩy đầu tư và thu hút đầu tư vào những lĩnh vực đóng vai trò động lực cho quá trình chuyển đổi như năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, phát triển công nghệ xanh, từng bước loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, cần đổi mới các phương thức huy động tài chính sáng tạo, bao gồm tài chính hỗn hợp, trao đổi tín chỉ các-bon, định giá các-bon để huy động nguồn lực cho các dự án mang tính chuyển đổi.

“Các dự án cần thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ cao thân thiện môi trường và khí hậu vào Việt Nam để giảm phát thải khí nhà kính, giảm dấu chân các-bon trong các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu và các thị trường có tiêu chuẩn cao về khí thải, đồng thời, góp phần vào thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

anh-8.jpg
Các khách mời, chuyên gia, nhà khoa học cả phía Việt Nam và Pháp cùng thảo luận, trao đổi tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn, các khách mời, chuyên gia, nhà khoa học cả phía Việt Nam và Pháp cùng chia sẻ thông tin, phân tích về thực trạng và xu hướng phát triển trong quan hệ song phương Việt Nam – Pháp, đặc biệt về lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư. Một số gợi mở chính sách cho Việt Nam thông qua bài học kinh nghiệm từ phía Pháp đã được chia sẻ, tập trung vào chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông vận tải, ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp, hỗ trợ phát triển tài chính xanh, chuyển đổi việc làm trong nền kinh tế xanh…

Các đại biểu đánh giá, Diễn đàn là cầu nối cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và học giả giao lưu và trao đổi các sáng kiến, khai thác cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, góp phần tiếp tục đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện, bền vững trên nhiều lĩnh vực.

Pháp luôn là đối tác thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển hàng đầu châu Âu tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương đang được phục hồi sau đại dịch Covid-19, đạt 5,3 tỷ euro năm 2022, tăng 10% so với năm 2021. Tính lũy kế đến hết Quý I/2023, các doanh nghiệp Pháp đã đầu tư hơn 3,8 tỷ USD thông qua 673 dự án trên lãnh thổ Việt Nam. Pháp hiện là quốc gia đầu tư nguồn vốn FDI lớn thứ 2 đến từ Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành dự "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Pháp 2023"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO