Ngày 24/04, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra liên ngành về PCCC đối với nhà chung cư, nhà cao tầng và các cơ sở tập trung đông người có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Báo cáo tại Hội nghị, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm tới công tác PCCC, riêng đối với nhà chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng. Thành phố Hà Nội đã kiểm tra và phối hợp với Sở Xây dựng, Thanh tra Thành phố kiểm tra 5.565 lượt cơ sở. Đã ban hành 504 công văn kiến nghị về công tác PCCC, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 244 lượt cơ sở với tổng số tiền là 3,7 tỷ đồng, tạm đình chỉ 78 lượt, đình chỉ 61 lượt hạng mục nhà, công trình.
Trong đó, các nhà chung cư cao tầng, đã tiến hành kiểm tra 3.886 lượt cơ sở, ban hành 497 công văn kiến nghị về công tác PCCC; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 202 lượt cơ sở, tạm đình chỉ 71 lượt, đình chỉ 56 lượt hạng mục nhà, công trình. Đối với nhà chung cư tái định cư đã phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra 815 lượt nhà chung cư tái định cư, ban hành 56 công văn kiến nghị yêu cầu cơ sở khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC.Đặc biệt, Cảnh sát PCCC cũng phối hợp với Thanh tra Thành phố thanh tra 8 công trình chung cư cao tầng nằm trong 79 công trình vi phạm về PCCC trong đầu tư xây dựng. Tập hợp và chuyển hồ sơ 3 công trình vi phạm về PCCC cho cơ quan Điều tra - Công an Thành phố Hà Nội để xem xét, xử lý theo quy định. Tòa án nhân dân Thành phố đã xét xử vụ cháy tại quán Karaoke số 68 Trần Thái Tông, Dịch Vọng, Cầu Giấy (đã tuyên án phạt tù đối với 3 bị cáo).
Đối với chợ, thành phố đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC 529 lượt cơ sở, phát hiện 748 tồn tại, vi phạm về PCCC; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 99 lượt cơ sở vởi tổng số tiền hơn 310 triệu đồng... Ở các siêu thị, trung tâm thương mại, đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC 425 lượt cơ sở, phát hiện 364 tồn tại, vi phạm về PCCC. Lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 65 lượt cơ sở với tổng số tiền hơn 251 triệu đồng...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành đã chỉ ra những hạn chế và đánh giá những yếu kém đối với những công trình nhà ở, trung tâm thương mại mà đoàn liên ngành của Bộ Công an vừa đi kiểm tra.
Theo Thứ trưởng Thành, đối với những khu chung cơ còn tồn tại nhiều yếu kém, không đảm bảo yêu cầu cũng như thực hiện không đầy đủ các quy định về PCCC cần nêu rõ thời gian khắc phục rõ ràng, nếu các đơn vị không sớm khắc phục sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công an gợi ý, thành phố Hà Nội cần có chế tài mạnh xử lý các vi phạm PCCC (có thể không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các chủ đầu tư xây dựng). Thành phố cần tập trung đầu tư hệ thống nước chữa cháy, thực hiện quy hoạch đường giao thông, ngoài ra cần quan tâm đến các nhà tái định cư xuống cấp không đảm bảo PCCC.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của lãnh đạo Bộ Công an, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đưa ra được đánh giá khách quan về tình hình PCCC. Với những gợi ý của đoàn công tác Bộ Công an, lãnh đạo TP cũng yêu cầu Giám đốc Cảnh sát PC&CC cần ban hành ngay văn bản chỉ đạo của thành phố gửi đến những chủ đầu tư còn yếu kém trong công tác PCCC được phát hiện trong đợt kiểm tra lần này.
Ngoài ra, thành phố sẽ đôn đốc trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện phương châm "4 tại chỗ", huy động các trang thiết bị vật lực, nhân lực sẵn có. Bên cạnh việc tuyên truyền, thành phố sẽ huy động hệ thống chính trị ở cơ sở tích cực vào cuộc, đồng thời xem xét trách nhiệm đối với những đơn vị quản lý nhà nước về công tác PCCC.Trước đó, ngày 23/04, Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Công an - Bộ Xây dựng đã bắt đầu mở đợt tổng kiểm tra nhà chung cư, nhà cao tầng, cơ sở tập trung đông người có nguy cơ cháy nổ tại TP. Hà Nội, đây là địa phương đầu tiên trong 07 địa phương thuộc diện kiểm tra phòng cháy chữa cháy.
Địa điểm kiểm tra đầu tiên của Đoàn liên ngành là khu chung cư M3-M4, M5, địa chỉ số 91 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng loạt sai phạm về phòng cháy chữa cháy.
Theo kết quả kiểm tra, tòa nhà chung cư M3-M4, gồm 2 khu A (25 tầng) và khu B (2 khối nhà 17 tầng và 21 tầng), hoạt động từ năm 2005, đơn vị chủ quản thuộc Công ty CP đầu tư xây lắp và phát triển nhà. Tại đây có khoảng 256 căn hộ, trên 1.000 người sinh sống, 20 căn hộ cho thuê văn phòng.
Tuy nhiên, vào thời điểm Đoàn tiến hành kiểm tra tại chung cư M3-M4 hệ thống báo cháy tự động; bình chữa cháy, bình cứu hỏa không hoạt động; một số cửa chống cháy tại buồng thang bộ cơ cấu tự đóng kém; đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố không đảm bảo; chưa tổ chức mua bảo hiểm cháy, nổ tại tòa nhà…
Trong khi đó, tại chung cư M5, hiện nay không có Đội PCCC cơ sở, công tác PCCC tại chỗ chưa được quan tâm đúng mức.
Kết luận sơ bộ buổi kiểm tra tại chung cư M3-M4, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành khẳng định, điều kiện đảm bảo an toàn PCCC theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, qua thực tế của tòa nhà là chưa đảm bảo, nếu sự cố xảy ra sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Trên cơ sơ đó, ông Thành đề nghị, chủ đầu tư phối hợp cùng các cấp chính quyền địa phương có các giải pháp ngay lập tức để đảm bảo an toàn PCCC cho nhân dân, đồng thời thông báo đến người dân có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn điện, nguồn lửa, các chất dễ cháy.
Chiều cùng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại cụm tòa nhà chung cư N02A, N03A, N03B - Khu đô thị Sài Đồng, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, TP. Hà Nội. Ngày 24/04, Đoàn tiếp tục kiểm tra tại một số chung cư của Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội, Vinhomes Times City Hà Nội.
Trước đó, với tình hình cháy, nổ diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt tại các nhà chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng và các cơ sở tập trung đông người có nguy cơ cháy nổ cao, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng lập kế hoạch kiểm tra đột xuất về PCCC tại một số cơ sở trên địa bàn 07 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Với mục tiêu đánh giá đúng thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện công tác PCCC tại cơ sở…Việc tổ chức kiểm tra đột xuất này sẽ được triển khai từ ngày 23/04 đến ngày 17/05/2018.
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Công văn số 3003/SXD-QLN về thống kê số lượng nhà chung cư mini trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong những năm gần đây, trên địa bàn TP. xuất hiện loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường được gọi là “chung cư mini”) tập trung nhiều tại các quận, huyện đang đô thị hóa như: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm...
Các nhà này được xây dựng với diện tích nhỏ, quy mô từ 5 đến 10 tầng, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư với lý do ban đầu là nhà ở sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ dẫn đến mật độ cư dân đông, các điều kiện về phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.
Chính vì vậy, để thực hiện tốt Văn bản số 868-CV/TU ngày 23/03/2018 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn và Văn bản số 1267/CV-UBND ngày 27/03/2018 của UBND TP về việc tăng cường hiệu lực công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư cao tầng trên địa bàn TP. Hà Nội.
Đồng thời, để tăng cường công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, tăng cường trật tự kỷ cương, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thống kê chính xác số lượng loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường được gọi là “chung cư mini”) trên địa bàn quản lý trong đó có bao nhiêu trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở để sở tổng hợp báo cáo thành phố.