Thu phí bảo vệ môi trường với nước thải: “Nợ xấu” khó đòi!

13/01/2015 00:00

(TN&MT) - Nộp phí bảo vệ môi trường (BVMT) là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chất lượng môi trường và cuộc sống của người dân.

(TN&MT) - Nộp phí bảo vệ môi trường (BVMT) là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chất lượng môi trường và cuộc sống của người dân. Năm 2014, công tác thu phí BVMT đối với nước thải được đánh giá là có nhiều chuyển biến so với trước đây, tuy nhiên bên cạnh đó còn không ít khó khăn.
   
Không ít các doanh nghiệp xả trộm để trốn phí
   
Ràng buộc trách nhiệm
   
  Việt Nam có nhiều chính sách pháp luật cụ thể nhằm bảo vệ nguồn nước nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng, trong đó có các chính sách thu phí, lệ phí đối với các đơn vị thải nước thải, chất thải ra môi trường. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
   
   Ngay sau khi có Nghị định 25, Bộ Tài chính và Bộ TN&MT đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện như: Thông tư liên tịch số 633 hướng dẫn thực hiện NĐ 25 và Thông tư số 6 của Bộ TN&MT ban hành Danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất, chế biến có nước thải chứa kim loại nặng phục vụ tính phí BVMT đối với nước thải. Đây là hai văn bản cần thiết để các địa phương, các cơ sở sản xuất, chế biến cũng như cơ quan quản lý có thẩm quyền triển khai, thực hiện các quy định mới về phí BVMT đối với nước thải.
   
  Báo cáo tổng kết của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho thấy, năm 2014, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và chủ động trong hướng dẫn, đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố thực hiện việc thu phí BVMT đối với nước thải, trong đó có 44 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc báo cáo tình hình thực hiện về Tổng cục với tổng số phí BVMT đối với nước thải công nghiệp thu được gần 47 tỷ đồng. Các địa phương thực hiện tốt việc thu phí là Bình Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Đồng Nai…
   
  Trong khi đó, năm 2013 chỉ có 45/64 tỉnh, thành phố thực hiện việc thu phí và 19 tỉnh, thành phố chưa thực hiện việc này. Theo số tiền các doanh nghiệp (DN) nợ phí bảo vệ môi trường đã lên tới 2,23 tỷ đồng và các cơ quan chức năng đã gặp rất nhiều khó khăn mới thu được 185 triệu đồng.
   
  Các chuyên gia môi trường cho rằng có được kết quả này là do Nghị định số 25 có nhiều bước thay đổi lớn, các quy định và cách tính phí đơn giản và thuận tiện, tạo điều kiện nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường, ràng buộc đối tượng xả thải nước thải gây ô nhiễm trong việc đóng góp kinh phí phục vụ cho việc cải tạo ô nhiễm môi trường đối với nước thải. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ xử lý chất lượng nước thải, đảm bảo tiêu chuẩn xả thải trước khi xả thải ra môi trường. Từ đó góp phần sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
   
Trốn phí, trục lợi
   
  Thực tế hiện nay không ít các doanh nghiệp ít quan tâm hoặc thậm chí không quan tâm tới việc đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, khí thải trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân chính của việc này là do hoạt động đầu tư cho xử lý nước thải, khí thải thường phải chi phí lớn và không có khả năng sinh lời.
   
  Thống kê của Tổng cục Môi trường, hiện nay, cả nước có khoảng 148/194 khu công nghiệp (tăng 7 khu so với năm 2013) đã có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Tuy nhiên, hệ thống này không vận hành hết công suất mà chỉ xử lý khoảng 60% lượng nước thải phát sinh, lượng còn lại một phần do các cơ sở đã được miễn trừ đấu nối tự xử lý, một phần các cơ sở xử lý chưa đạt quy chuẩn và xả trực tiếp ra môi trường. Vô hình chung 40% này đã né luật làm thất thoát tiền phí BVMT.
   
  Nhìn nhận từ thực tế qua các vụ vi phạm ô nhiễm môi trường được các cơ quan chức năng, người dân và công luận phát hiện, vạch trần hành vi vi phạm pháp luật cho thấy, không ít các doanh nghiệp đang tìm cách bao biện cho việc vi phạm của họ là do “chưa hiểu” thủ tục kê khai hoặc cho rằng đã nộp phí duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp, khu chế xuất nên không phải nộp phí môi trường.
   
  Mặt khác, vin vào lý do chi phí xử lý nước thải cao, các doanh nghiệp đã trốn tránh bằng cách xây dựng hệ thống ống thoát ngầm, lắp đặt máy bơm để xả thải ra môi trường. Họ thường xả thải vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ; vận hành không đúng quy trình xử lý; một số doanh nghiệp vận chuyển chất thải nguy hại đổ ở ngay đồng ruộng, ao hồ gần kề.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí bảo vệ môi trường với nước thải: “Nợ xấu” khó đòi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO