Theo đó, đơn vị này cho hay, sự việc xảy ra là do “Biến tần máy thổi khí số 5 tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung thành phố Vinh gặp sự cố cháy nổ, nhảy attomat, không hoạt động được”.
Cụ thể, theo biên bản kiểm tra hiện trường đề ngày 09/02/2023 với thành phần có đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Vinh gồm ông Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Ban và ông Trần Anh Lân, Cán bộ kỹ thuật Ban. Phía Công ty CP quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh có ông Võ Tuấn Anh, Phó Giám đốc; ông Trần Hữu Bình, Phó phòng Kế hoạch - Kỹ thuật và ông Cao Trung Hiếu, Giám đốc Nhà máy xử lý nước thải tập trung thành phố Vinh.
Theo nội dung của biên bản này, các bên thành phần tham gia đã tiến hành kiểm tra hiện trạng, đánh giá, xác nhận về việc máy biến tần sử dụng cho hoạt động của máy thổi khí số 5 (AB405) bị lỗi, hư hỏng các thiết bị, không hoạt động được. Công ty tổ chức đánh giá mức độ hư hỏng của máy biến tần số 5 có sự giám sát của Ban quả lý dự án xây dựng thành phố Vinh. Cụ thể, biến tần máy thổi khí số 5 bị cháy nổ, nhảy át, không hoạt động 1 bộ; Cầu Di-ot 3 pha bị cháy nổ 3 cái; Main - bo công suất 37Kw bị cháy 1 cái; IC công suất động lực 37Kw bị cháy 2 bộ; Main - bo dao động bị cháy 1 bộ và Attomat 3 pha, 100A bị cháy 1 bộ.
Cũng trong ngày 09/02/2023, Công ty CP quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh có Báo cáo số 04/BC-HTV gửi UBND TP Vinh; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng TN&MT; Tổ giám sát nhà máy và trạm bơm của UBND thành phố Vinh và Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng thành phố Vinh.
Theo báo cáo số 04 nêu trên, Nhà máy trong lúc đang vận hành thì vào khoảng 15h30 ngày 08/02/2023 (trước thời điểm PV ghi nhận hiện trường đúng 1 ngày), biến tần máy thổi khí số 5 bị cháy nổ, nhảy attomat, không hoạt động được. Nhà máy đã báo cáo bằng hình ảnh trên Zalo nhóm tổ giám sát và mời đại diện ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng thành phố Vinh xuống kiểm tra hiện trường.
Vào lúc 8h ngày 09/02/2023, Công ty và ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Vinh đã kiểm tra, xác nhận hư hỏng của biến tần máy thổi khí số 5.
Văn bản cũng nêu rõ “Việc sửa chữa sẽ không đảm bảo, thời gian sửa chữa kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động xử lý nước thải. Vì vậy, kiến nghị với UBND TP Vinh; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng TN&MT; Tổ giám sát nhà máy và trạm bơm của UBND thành phố Vinh và Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng thành phố Vinh cho mua mới máy biến tần để đảm bảo hoạt động ổn định lâu dài”.
Sáng ngày 10/02/2023, trao đổi với PV, ông Hoàng Hồng Khanh, Giám đốc Công ty CP quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh (đơn vị quản lý, vận hành, bảo dưỡng nhà máy) xác nhận nước thải xả ra có màu đục như phản ánh của báo là đúng. Nguyên nhân là do Nhà máy gặp sự cố như đã nêu ở trên.
Khi được hỏi tại sao có 2 hồ phòng ngừa, ứng phó sự cố có dung tích lên đến khoảng 75.000 m3 hoàn thành từ năm 2020 nhưng khi sự cố xảy ra như vừa rồi đơn vị lại không bơm nước thải vào để lưu trữ theo quy định mà lại xả ra ngoài? Ông Khanh giải thích rằng, trong quá trình thiết kế là như vậy nhưng thực tế là nguồn nước có sẵn trong 2 hồ này đã rất lớn nên dung tích chứa thực không được như trong thiết kế?
Cũng theo ông Khanh, công suất xử lý theo thiết kế giai đoạn 1 của Nhà máy xử lý nước thải tập trung thành phố Vinh chỉ là 25.100m3/ ngày đêm, tương ứng với giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã được Bộ TN&MT cấp theo Giấy phép số 3191/GP-BTNMT, ngày 14/12/2017. Tuy nhiên, trên thực tế Nhà máy luôn quá tải nguồn đầu vào, thực tế lên đến khoảng 30.000 m3, thậm chí là hơn. Nhất là những lúc trời mưa hay vào các khung giờ 7-8h sáng hay 17-19h tối, vì thế quá trình xử lý của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.
Khi PV hỏi vì sao 1 trong 2 hồ phòng ngừa, ứng phó sự cố lại cứ để nước chảy tự do ra mương dẫn nước thải đã qua xử lý để đổ ra môi trường tại sông Rào Đừng mà không lưu lại để bơm quay lại nhà máy để xử lý theo quy định? Với câu hỏi này, ông Võ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty CP quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh giải thích khó hiểu rằng, nguồn nước đó đã được xử lý đạt yêu cầu?
Trong sáng ngày 10/02/2023, lãnh đạo Công ty CP quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh cũng khẳng định với PV rằng, sự cố đã được tạm thời sửa chữa và nhà máy đã có thể vận hành bình thường trở lại, nước thải đã đạt yêu cầu theo quy định.
Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày khi PV quay trở lại khu vực cống xả thải thì thật ngạc nhiên là nguồn nước thải đổ ra vẫn có màu đục như những gì đã xảy ra vào ngày trước đó. Như vậy, thông tin mà đơn vị quản lý, vận hành, duy tu Nhà máy là Công ty CP quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh nói với PV vào sáng ngày 10/02/2023 là chưa chính xác, nguồn nước thải đục ngầu vẫn cứ thế được xả vào môi trường…
Ngày 09/02/2023, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có bài phản ánh, ngày 09/02/2023, theo phản ánh của một số người dân đi câu cá ở khu vực xung quanh Nhà máy xử lý nước thải tập trung thành phố Vinh, thời gian qua, Nhà máy này thường hay xả nước thải có màu đục ra ngoài môi trường.
Lần theo phản ánh của người dân, chiều ngày 09/02/2023, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có mặt tại Nhà máy này để tìm hiểu sự việc. Theo ghi nhận của PV vào khoảng 15h25, Nhà máy đang vận hành xử lý nước thải như bình thường. Khi tiến vào khu vực mương xả thải của đơn vị này thì chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi chiếc cống bằng bê tông lớn nối từ nhà máy này ra xả nước có màu đục ngầu. Nguồn nước thải từ nhà máy này ra khác hẳn so với nguồn nước chảy từ 2 hồ sự cố của nhà máy này chảy xuống.
Sau một lúc chừng 10 phút, lượng nước thải được xả ra càng lớn hơn và cũng vẫn có màu đục như lúc đầu.
Sau khi ghi nhận sự việc, PV đã gọi điện thoại báo cho Phòng TN&MT TP Vinh và Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An. Những người có trách nhiệm của các đơn vị này sau khi nhận được phản ánh đã tỏ ra khá ngạc nhiên với thông tin trên và yêu cầu kiểm tra ngay.
Được biết, Nhà máy xử lý nước thải tập trung TP Vinh có tổng kinh phí xây dựng gần 400 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ. Dự án được khởi công vào tháng 2/2009, với nhiều hạng mục như: Hệ thống mương và giếng tách, hệ thống truyền tải, các trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải với công suất thiết kế 25.100 m3/ngày đêm. Ngày 29/12/2012, Nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động.
Hiện, nhà máy này cũng đã được lắp hệ thống quan trắc môi trường tự động để kiểm soát quá trình xử thải. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được, không hiểu vì sao đúng hôm xảy ra “sự cố” thì hệ thống truyền dữ liệu quan trắc tự động cũng tự dưng gặp trục trặc.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.