Triển khai Luật Đất đai 2024

Thống nhất hành động, tăng cường phối hợp thực thi Luật Đất đai 2024

Trường Giang - Trường An 09/01/2025 17:43

(TN&MT) - Trong năm qua, các đơn vị lĩnh vực đất đai đã tập trung tuyên truyền, phố biến và làm việc với nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024. Bước sang năm 2025, công tác quản lý Nhà nước về đất đai sẽ được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật đi vào nền nếp.

Gỡ vướng để thống nhất hành động

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của các đơn vị lĩnh vực đất đai (Vụ Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai) vừa diễn ra, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai cho biết: Năm 2024, các đơn vị lĩnh vực đất đai đã tập trung toàn bộ nhân lực và vật lực để giải quyết khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt là công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024. Kết quả đã đạt tiến độ ban hành văn bản mà Quốc hội, Chính phủ giao (Luật và các văn bản quy định chi tiết Luật có hiệu lực đồng bộ từ ngày 1/8/2024).

_mg_2194.jpg
Đoàn Công tác của Bộ TN&MT làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 vào đầu tháng 12/2024

Ngay sau khi Luật Đất đai 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 ngày 18/1/2024, các đơn vị lĩnh vực đất đai đã hoàn thành việc xây dựng, trình Bộ trưởng để trình Chính phủ ban hành 5/9 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024; ban hành 4 Thông tư được giao quy định chi tiết trong Luật.

Lãnh đạo Bộ cũng thường xuyên có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và tổ chức thi hành Luật tại địa phương.

Các đơn vị lĩnh vực đất đai đã tổ chức nhiều buổi làm việc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024 tại địa phương; tổ chức kiểm tra công tác đấu giá đất tại Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Bình Phước, An Giang, Phú Yên và Đắk Lắk theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Quá trình phổ biến Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đã kết hợp với giải đáp các vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật để tạo cách hiểu thống nhất khi áp dụng. Qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thi hành Luật, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện tại các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như người dân, doanh nghiệp; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai mà Luật Đất đai 2024 đã đề ra”, Vụ trưởng Đoàn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, các đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng, trình Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền thông qua 2 Nghị quyết tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV: Nghị quyết số 170/2024/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất

Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, các đơn vị đã xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng 4 khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý (gồm cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu về giá đất; cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá đất đai). Đáng chú ý, các đơn vị đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình, thực hiện kết nối, tích hợp, công bố, cung cấp dịch vụ công trực tuyến “Đăng ký biến động đối với trường hợp đổi tên hoặc thay đổi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; thay đổi hạn chế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có thay đổi quyền đối với thửa đất liền kề; giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên…” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Ngoài những kết quả đã đạt được trong năm 2024, các đơn vị vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Công tác phân công, giao nhiệm vụ còn chồng chéo dẫn đến một số nhiệm vụ còn bị chậm; thiếu kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra theo dõi thi hành Luật, quản lý sử dụng đất tại địa phương; công tác giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan...

Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu đất đai

Về nhiệm vụ năm 2025, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết, trọng tâm là sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy sau khi 3 đơn vị đất đai được sáp nhập. Đồng thời, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như: Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đến năm 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026 - 2030 cấp quốc gia.

luat-dat-dai.jpg

Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và phối hợp, hỗ trợ các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

Đặc biệt, trong năm 2025 sẽ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu.

Nhằm tháo gỡ khó khăn đối với công tác quản lý đất đai thời gian tới, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ đề xuất, năm 2025, các đơn vị lĩnh vực đất đai cần tiếp tục xây dựng kế hoạch chi tiết và phân công người chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Bộ giao và các văn bản thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, các đơn vị tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, thường xuyên công tác quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường làm việc theo hình thức trực tuyến với các Sở Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó, các đơn vị cần đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong quản lý nhà nước về đất đai…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của 3 đơn vị lĩnh vực đất đai trong năm 2024. Các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã phát huy cao nhất tinh thần làm việc trong quá trình xây dựng trình ban hành Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách đồng bộ, đảm bảo những điều kiện để Luật đi vào cuộc sống nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác tuyên truyền, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác triển khai thi hành được đẩy mạnh và nhờ vậy, tạo sự động bộ về pháp luật, về nhận thức để triển khai thi hành. Các đơn vị trong lĩnh vực đất đai cũng đã kịp thời tham mưu Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương quy hoạch đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Về nhiệm vụ năm 2025, Thứ trưởng Lê Minh Ngân yêu cầu các đơn vị lĩnh vực đất đai khẩn trương xây dựng kế hoạch điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đến năm 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026 - 2030 cấp quốc gia để trình Quốc hội; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là việc tập huấn chuyên sâu, tháo gỡ những khó khăn, lúng túng của các địa phương.

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai và những nội dung quản lý Nhà nước về đất đai. Qua đó, thúc đẩy tạo sự chuyển biến tích cực và đưa công tác quản lý Nhà nước về đất đai đi vào nề nếp, đúng pháp luật…

Động lực đẩy mạnh công tác quản lý đất đai

Tăng cường phối hợp để đưa các chính sách mới của Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành đi vào cuộc sống. Đó là chia sẻ của các nhà quản lý tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của các đơn vị lĩnh vực đất đai. TBáo TN&MT xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu:

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ TN&MT Đặng Ngọc Điệp:

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai

z6173944043065_717955f37bb57f47dcdf685cf987a29a.jpg

Năm 2024, khối lượng công việc đã hoàn thành của các đơn vị lĩnh vực đất đai rất lớn, đặc biệt là đã trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai 2024 và tham mưu trình ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành đúng thời hạn. Điều này có tác động rất lớn tới xã hội và người dân, giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai.

Đây là những tháo gỡ hết sức quan trọng không chỉ trong năm 2024, 2025 mà cả những năm tiếp theo. Rõ ràng, đất nước ta đang đặt chỉ tiêu phát triển bằng hai con số thì nguồn lực từ đất đai đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trong năm 2024, Bộ TN&MT và các đơn vị đất đai đã tổ chức đoàn công tác đi hơn 50 tỉnh nhằm tuyên tuyền phổ biến Luật Đất đai 2024 và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương góp phần đưa luật đi vào cuộc sống.

Đặc biệt, các đơn vị lĩnh vực đất đai đã hỗ trợ Vụ trong việc trả lời rất nhiều câu hỏi từ đoàn 435 của Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ phân công thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn các tỉnh.

Vụ Kế hoạch tài chính kiến nghị các đơn vị đất đai khẩn trương xây dựng dự toán Đề án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đến năm 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026 - 2030 cấp quốc gia. Đây là cơ sở để phát huy vai trò của nguồn lực đất đai trong giai đoạn tiếp theo.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN&MT Bùi Thị Minh Thủy:

Tăng cường tuyên truyền phổ biến Luật Đất đai 2024

z6173944088216_5d268a0dec02a09c4fdc5e93722f18e2.jpg

Riêng trong năm 2024, các đơn vị lĩnh vực đất đai phải xây dựng 4 văn bản quy phạm pháp luật mang tính chất bằng Luật là: Luật Đất đai; Luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai; Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Đây là những thành tích rất lớn của các đơn vị đất đai trong năm qua; thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị.

Để đưa những chính sách mới của Luật Đất đai 2024 và các Văn bản hướng dẫn thi hành đi vào cuộc sống, Vụ Pháp chế đề nghị các đơn vị lĩnh vực đất đai tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, giáo dục pháp luật... để tạo những nguồn lực đưa đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, đề nghị các đơn vị đất đai tiếp tục lắng nghe ý kiến thực tiễn của địa phương đặt ra khi triển khai thi hành Luật Đất đai để ghi nhận, đề xuất bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách này.

Ngoài ra, lĩnh vực đất đai có liên quan nhiều tới các Bộ, ngành. Do đó, các đơn vị đất đai cần quan tâm tới việc ban hành Luật và các Văn bản hướng dẫn của các Bộ ngành có liên quan tới đất đai để tham mưu, phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm thành quả của Luật Đất đai, đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Giám đốc Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng Phạm Nam Sơn:

Mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tháo gỡ về đất đai

dsc_0377-1-.jpg

Năm 2024, Bộ TN&MT, Vụ Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai đã chọn thành phố Đà Nẵng là nơi tổ chức các hoạt động về các công tác kiểm tra thi hành Luật Đất đai 2024, triển khai Luật Đất đai 2024

Đặc biệt, Bộ TN&MT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Với 10 điều được quy định trong Nghị quyết thì thành phố Đà Nẵng có tới 3 điều. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Bộ TN&MT, Vụ Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai đối với thành phố Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Bộ và các đơn vị trực thuộc. Địa phương mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm khi thực hiện Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Vũ Văn Long:

Cần phối hợp chặt chẽ trong việc trả lời địa phương

dsc_0381.jpg

Thời gian qua, sự phối hợp của các đơn vị lĩnh vực đất đai và Thanh tra Bộ luôn có sự gắn bó chặt chẽ, nhất là trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật qua thực tiễn công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó, Thanh tra Bộ đã tổng hợp những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện và tổng hợp gửi các đơn vị đất đai trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về đất đai.

Đồng thời, các đơn vị lĩnh vực đất đai và Thanh tra Bộ cũng phối hợp chặt chẽ trong việc trả lời các kiến nghị của địa phương trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2024; công tác xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra hàng năm nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra kiểm tra; trong công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại; hội đồng định giá tài sản...

Đặc biệt, trong năm 2024, Thanh tra Bộ được giao 2 cuộc thanh tra có quy mô lớn là thanh tra công tác cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh,. Các đơn vị lĩnh vực đất đai là thành phần tích cực, cốt lõi để các Đoàn thanh tra đạt kết quả.

Ngoài ra, các đơn vị lĩnh vực đất đai đã phối hợp, trao đổi với Thanh tra Bộ để xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra năm 2025 theo đúng chỉ đạo, định hướng của Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Bộ TN&MT.

Thanh tra Bộ kiến nghị các đơn vị đất đai, sau khi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, Lãnh đạo Bộ TN&MT và các đơn vị đất đai đã có nhiều đoàn công tác làm việc với các địa vướng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trong năm 2025, cùng với tiếp tục đẩy mạnh công tác này, các đơn vị đất đai cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ trong việc trả lời nhằm có cách hiểu, trả lời thống nhất để các địa phương triển khai thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống nhất hành động, tăng cường phối hợp thực thi Luật Đất đai 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO