Thống nhất giữa các Bộ, ngành nội dung về dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020

Khương Trung | 29/10/2021 15:57

(TN&MT) - Chiều 28/10, tại buổi làm việc giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành về dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những nội dung còn đang có ý kiến khác cần thống nhất với luật chuyên ngành; các bộ, ngành theo đúng thẩm quyền để thực hiện các công việc.

Để đảm bảo đưa Luật đi vào cuộc sống đúng theo lộ trình vào đầu năm 2022, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành cùng nhau thảo luận làm rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn quản lý của các bộ, ngành, tránh việc chồng chéo, tạo sự thống nhất giữa các bộ, ngành để trình dự thảo Nghị định hướng dẫn lên Chính phủ.

Bộ TN&MT thống nhất giữa các Bộ, Ngành nội dung về dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, có 11 vấn đề liên quan đến các bộ, ngành đang ý kiến, xem xét để thống nhất. Cụ thể, nhiều bộ đề nghị cần có quy định về “cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường của các bộ, cơ quan ngang bộ”, cho các bộ được kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong ngành, lĩnh vực quản lý; thẩm quyền cấp nhãn sinh thái cho các bộ theo ngành, lĩnh vực quản lý; cần có quy định việc xác nhận dự án xanh để làm cơ sở cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam xem xét trước khi cấp tín dụng xanh; cần rà soát, chỉnh lý quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, bảo đảm đúng với thẩm quyền và trách nhiệm; quy định về khu dự trữ sinh quyển và công viên địa chất về khu dự trữ sinh quyển và công viên địa chất, phân nhóm, phân cấp và phân vùng di sản thiên nhiên uy định về quy trình lập, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước; về bảo vệ môi trường trong hoạt động mai táng, hoả táng; quy định lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường;Về phòng ngừa, ứng phó sự cố về môi trường, cách phân cấp và triển khai sự cố môi trường như dự thảo có thể sẽ xảy ra tình trạng sự cố nào cũng là sự cố môi trường khi nó chưa diễn ra sự ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường; nội dung hướng dẫn về kế hoạch ứng phó sự cố môi trường chưa phân biệt đâu là phòng ngừa cho sự cố chuyên ngành, đâu là phòng ngừa cho sự cố môi trường.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành đánh giá cao Bộ TNMT, các đơn vị liên quan đã thể hiện tinh thần nghiêm túc, cầu thị khi tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc với các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định, đồng thời đánh giá cao dự thảo hiện nay. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ đã làm rõ để thống nhất các ý kiến, bỏ hoặc bổ sung thêm các quy định cần thiết, cũng sẽ đề xuất báo cáo Chính phủ xem xét, quy định, ban hành lộ trình và kèm kế hoạch thực hiện phù hợp.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với nhãn sinh thái do cơ quan quản lý nhà nước chứng nhận, phần lớn các quốc gia đều giao việc chứng nhận cho Bộ Môi trường hoặc cơ quan môi trường quốc gia thực hiện mà không giao việc chứng nhận nhãn sinh thái cho cả Bộ Môi trường và các bộ quản lý ngành sản xuất cùng thực hiện. Vì vậy, quy định của Luật Bảo vệ môi trường và dự thảo Nghị định về Nhãn sinh thái Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tổ biên tập cũng đã bổ sung trong dự thảo Nghị định quy định việc phân vùng chức năng đối với các khu bảo tồn thiên nhiên thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản, di sản văn hóa.

Hiện nay, một số lĩnh vực có liên quan như lâm nghiệp, đất đai… cũng đang phân định thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng mà không có cận dưới diện tích đất hoặc diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng. Dự thảo Nghị định đang tiếp cận với việc phân định thẩm quyền này theo pháp luật có liên quan để bảo đảm đồng nhất được thẩm quyền thẩm định đánh giá tác động môi trường và thẩm quyền quyết định các nội dung có liên quan của dự án đầu tư, bảo đảm thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường và pháp luật có liên quan. Tổ soạn thảo đề xuất không quy định thủ tục xác nhận dự án xanh để không làm phát sinh thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh như một số ý kiến lo ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống nhất giữa các Bộ, ngành nội dung về dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO