Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu về Luật Phòng, chống rửa tiền

Khương Trung | 01/11/2022 20:01

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 01/11/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành Phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐQBH nêu.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ ngày 24/10 cũng như tại hội trường. Các ý kiến rất xác đáng, tâm huyết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội đối với công tác phòng, chống rửa tiền nói chung cũng như việc xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi nói riêng.

011120221139-thong-doc-nhnn-3-.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước  Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Theo đó, tại phiên thảo luận ở tổ, có 107 đại biểu Quốc hội có ý kiến với khoảng 200 lượt ý kiến, cơ quan soạn thảo đã có báo cáo giải trình chi tiết gửi đại biểu Quốc hội.

Báo cáo về những nội dung các ĐBQH nêu, ở nhóm vấn đề thứ nhất là liên quan đến các nội dung giao Chính phủ và Ngân hàng nhà nước hướng dẫn tại dự thảo luật. Đây cũng là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội. Trong quá trình xây dựng dự thảo luật, cơ quan soạn thảo luật đã rà soát các quy định của luật để cố gắng đưa vào luật hóa một số nội dung mà một số nội dung này đang được quy định tại các văn bản dưới luật. Ví dụ như quy định về đối tượng báo cáo là các tổ chức trung gian thanh toán quy định tại Điều 4 và quy định nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền quy định tại dự thảo Điều 6.

Đối với các nội dung giao Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước hướng dẫn, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đây chủ yếu là những nội dung liên quan đến kỹ thuật và những nội dung cần phải điều chỉnh theo từng thời kỳ hoặc những nội dung là những hoạt động phát sinh trong thực tiễn nhưng cần phải có những cập nhật kịp thời, thay đổi thường xuyên. Tại hồ sơ dự án luật trình Quốc hội, Chính phủ đã trình kèm dự thảo nghị định cũng như dự thảo về quyết định của Thủ tướng Chính phủ và dự thảo thông tư hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước, tất cả các điều trong dự thảo luật này thì quy định hướng dẫn của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước đều được Ngân hàng Nhà nước, cơ quan chủ trì soạn thảo đã dự thảo trong dự thảo nghị định gộp lại và cả thông tư hướng dẫn.

"Những nội dung này chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tiếp thu những ý kiến, bởi vì trong quá trình thảo luận một số đại biểu cũng đã có những ý kiến về các nội dung nghị định cũng như thông tư, sau khi luật ban hành chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa những văn bản này." - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Nhóm vấn đề thứ hai đại biểu nêu liên quan đến các đối tượng chủ thể báo cáo và tính khả thi trong việc quy định đối với các chủ thể đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính và phi tài chính. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, các đối tượng báo cáo này trong dự thảo luật là những đối tượng được kế thừa từ Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) bổ sung những đối tượng đang được quy định các văn bản dưới luật.

Về ý kiến của một số đại biểu đề nghị bổ sung trong dự thảo luật này là các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo luật, nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo luật. Chính vì vậy, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

011120221128-truong-trong-nghia-hcm.jpg
 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Bổ sung hình thức tài sản để bảo đảm bao quát đầy đủ đối tượng

Nhóm vấn đề thứ ba, các đại biểu quan tâm rất nhiều, đó là liên quan đến cái dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ, Thống Đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu là mang tính định tính, dấu hiệu giao dịch đáng ngờ này nó là định tính, và nó chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có một dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu. Sau đó, các đối tượng báo cáo, các chủ thể báo cáo sẽ phải tiến hành thu thập thông tin để xem xét xem rằng liệu dấu hiệu này có thực sự theo đánh giá của đối tượng báo cáo xem có nghi ngờ hay không?...

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, khi mà các chủ thể đối tượng báo cáo này họ thấy nghi ngờ thì người ta sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước và NHHH là đơn vị tiếp nhận những thông tin này cũng tiến hành phân tích, xử lý trên các hệ thống thông tin hiện có của NHNN cũng như là đối chiếu và lúc đó thì nếu mà thấy thực sự nghi ngờ thì sẽ chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xác minh.

011120221129-z3845662758811_cf96c3909bd3ae9bd671d4dabfa5f1b8.jpg
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu về Luật Phòng, chống rửa tiền

Với việc giao dịch này là giao dịch rửa tiền hay là không thì Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ được xác định thông qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng giải trình về nhóm vấn đề liên quan đến các vấn đề về trì hoãn giao dịch. Theo đó, để tránh lạm dụng với ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân dự thảo luật cũng đã quy định thời hạn trì hoãn không quá ba ngày kể từ ngày thực hiện và đối tượng báo cáo được miễn trách nhiệm pháp lý nếu thực hiện theo đúng các quy định của luật…

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN xin được tiếp tục phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tiếp thu tối đa các ý kiến của các vị đại biểu, làm sao hoàn thiện được Luật Phòng, chống rửa tiền và được phê chuẩn trong một kỳ họp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu về Luật Phòng, chống rửa tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO