Thoả thuận Toàn cầu về Ô nhiễm Nhựa: Đảm bảo lợi ích của quốc gia và phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo tham vấn Dự thảo số 0 hướng đến phiên đàm phán thứ Ba Thoả thuận Toàn cầu về Ô nhiễm Nhựa do Bộ TN&MT tổ chức diễn ra vào ngày 3/11, tại Đà Nẵng, các đại biểu đều cơ bản thống nhất với các nội dung của Dự thảo, đồng thời đưa ra các đánh giá, kiến nghị phù hợp giữa các mục tiêu của Thỏa thuận với tình hình thực tiễn của Việt Nam nhằm chung tay cùng quốc tế giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.
Những góc nhìn đa chiều từ thực tế
Theo đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT), Dự thảo số 0 của Thỏa thuận Toàn cầu về Ô nhiễm Nhựa gồm có 5 phần trong đó 3 phần đã được hoàn thiện và đang trong quá trình tham vấn quốc gia để hướng tới phiên đàm phán thứ Ba, kỳ vọng sẽ cải thiện sức khỏe và sinh kế của người dân trên hành tinh chúng ta.
Các tổ chức quốc tế như Cơ quan Điều phối về Biển Đông Á (COBSEA); Ban An toàn sức khỏe Lao động (Tổ chức Lao động Quốc tế ILO), Ban An toàn và Sức khoẻ Hóa chất (Tổ chức Y tế thế giới WHO); Liên minh Doanh nghiệp đối vì Thỏa thuận Toàn cầu; Nhóm về Trẻ em và Thanh thiếu niên của UNEP…. hoan nghênh các biện pháp kiểm soát của Dự thảo đưa ra. Đây là bước phát triển quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa cũng như phản ánh mong muốn của đa số các quốc gia.
Từ thực tế sản xuất ngành nhựa của Việt Nam, bà Huỳnh Thị Mỹ, đại diện Hiệp hội nhựa Việt Nam cũng đánh giá cao Dự thảo số 0. Theo bà Mỹ, sản phẩm nhựa đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, hiện nay mỗi ngày cả nước phát thải 71.500 tấn rác thải, trong đó ước tỉnh tỉ lệ nhựa chiếm 15% trong tổng lượng rác thải phát sinh. Trong hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm ngành nhựa của quốc gia, bao bì sử dụng một lần là sản phẩm chủ lực. Do đó, bà Mỹ đề xuất song song với các nỗ lực cắt giảm ô nhiễm nhựa, Dự thảo cần tạo không gian phát triển cho ngành nhựa.
“Chúng ta không cấm nhựa nhưng chúng ta nên sử dụng sao cho hợp lý, từng bước thay đổi hành vi của con người. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác hại đến môi trường và sức khỏe con người, cần nâng cao tỷ lệ thu hồi và tái chế rác thải nhựa bằng các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng tái chế có quy mô với công nghệ tiên tiến nhất về tái chế có hiệu suất tái chế cao, tiết kiệm năng lượng và tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội, các doanh nghiệp khối phi chính thức, phát triển thêm các hình thức tái chế quy mô nhỏ, linh hoạt theo điều kiện cụ thể”- bà Mỹ đề xuất.
Đồng tình với bà Mỹ về tầm quan trọng của nhựa đối với cuộc sống, tuy nhiên, Tiến sĩ Quách Thị Xuân, Trưởng Đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam đề xuất Thỏa thuận nên tập trung vào việc tránh ô nhiễm nhựa trong tương lai bằng cách giảm dần việc sản xuất và tiêu thụ nhựa và không thúc đẩy các giải pháp không hiệu quả (tái chế hóa học), thay bằng thu hồi và tái sử dụng.
Hiện nay, các phần của Dự thảo số 0 đang nghiêng về hướng tái chế như một giải pháp, điều này không phù hợp vì giải pháp này bỏ qua các tác động bất lợi lớn liên quan đến tái chế, bao gồm việc người lao động tiếp xúc với hóa chất độc hại, giải phóng các hạt vi nhựa trong quá trình tái chế và sự phát tán rộng rãi của rác thải nhựa, hóa chất độc hại từ các các sản phẩm làm từ nhựa tái chế.
Tiến sĩ Quách Thị Xuân cũng đề xuất, Thỏa thuận nên có những quy định giảm thiểu tác hại từ nhựa không tránh được (vẫn cần để thực hiện các chức năng thiết yếu trong xã hội) và đảm bảo rằng tổng sản lượng nhựa, bao gồm nhựa sinh học, nhựa phân hủy sinh học, nhựa có thể phân hủy và nhựa tái chế, vẫn ở mức bền vững.
Xem xét để phù hợp với bối cảnh của Việt Nam
Khẳng định sự đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, ông Phạm Mạnh Hoài, đại diện tổ chức WWF-Việt Nam cho rằng, WWF đã phối hợp cung cấp các thông tin, tài liệu hỗ trợ kỹ thuật để phái đoàn Việt Nam tham gia xây dựng Thỏa thuận Toàn cầu về giảm thiểu Ô nhiễm nhựa từ tháng 3/2022 đến nay.
Góp ý vào Dự thảo, ông Hoài cho rằng Thỏa thuận cần phải bao gồm các quy định chung toàn cầu cụ thể, mang tính nghĩa vụ và ràng buộc thống nhất trong việc sử dụng những nguyên liệu, loại bỏ các sản phẩm nhựa có nguy cơ ô nhiễm cao. Tiếp cận toàn bộ vòng đời của nhựa với mục tiêu giảm sản xuất và tiêu dùng, cải thiện hệ thống quản lý chất thải và thiết lập chuyển đổi công bằng, đảm bảo tất cả các nguồn chính, bao gồm ngư cụ và vi nhựa.
WWF đồng tình với Phương án 1 xây dựng một hiệp ước mạnh mẽ với các quy tắc mang tính toàn cầu - được thể hiện ở các điều khoản đầy tham vọng với mục tiêu loại bỏ các sản phẩm nhựa có vấn đề và có thể tránh được, loại bỏ các hóa chất và polyme cần quan tâm, tuần hoàn an toàn các sản phẩm nhựa, và quản lý rác thải nhựa thân thiện với môi trường.
Để thực hiện được tham vọng này, WWF đề xuất cho hành động của mỗi quốc gia cần tăng cường và cụ thể hóa các nghĩa vụ ràng buộc đối với các biện pháp quy định bằng việc củng cố các từ ngữ mang tính ràng buộc trong các điều khoản và sắp xếp hợp lý các phụ lục liên quan. Đồng thời, xem xét các phương án đổi mới về phương thức thực hiện, kết hợp các cơ chế mới được thiết lập và hiện có, tận dụng cả nguồn lực sẵn có và mới, đồng thời hài hòa các dòng tài chính công và tư.
Ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) đánh giá cao những đóng góp ý kiến, đề xuất của các đại biểu tham dự Hội thảo, đã cung cấp những góc nhìn đa chiều từ thực tế của các tổ chức quốc tế và khối doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nhựa cho Dự thảo số 0 của Thỏa thuận Toàn cầu về Ô nhiễm nhựa.
Một Thỏa thuận toàn cầu thành công phải dựa trên nguyên tắc là trách nhiệm chung nhưng cũng phải có sự khác biệt về công nghê, trình độ phát triển, quản trị của mỗi quốc gia. Với tư cách là quốc gia đang phát triển chúng ta vẫn cần có những không gian phát triển cho ngành nhựa.
Ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT)
“Những ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ góp phần hoàn thiện kế hoạch, các kịch bản đàm phán của Việt Nam cho phiên đàm phán thứ Ba nhằm đảm bảo lợi ích của quốc gia và phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, trên cơ sở tham khảo các quan điểm của nhóm các nước có cùng điều kiện và trình độ phát triển.” ông Tuấn cho biết.