Thiết lập hành lang pháp lý tài nguyên nước đồng bộ là yêu cầu cấp bách

Xuân Hợp - Thu Trang (thực hiện)| 13/09/2022 10:45

(TN&MT) - Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã và đang đóng góp vai trò vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phục vụ nhiều nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Tuy nhiên, trước những yêu cầu, đòi hỏi mới ngày càng cao của thực tiễn quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng nước phục vụ phát triển bền vững đất nước, việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn nữa pháp luật tài nguyên nước đang là đòi hỏi cấp bách.

Để có góc nhìn khách quan góp phần hoàn thiện hơn hành lang pháp lý về tài nguyên nước ở nước ta, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Bắc Huỳnh (ảnh) - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012?

Ông Lê Bắc Huỳnh: Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tài nguyên nước ở nước ta được quản lý, bảo vệ tốt hơn, việc khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững hơn; quản lý tài nguyên nước đã mang lại nguồn thu trực tiếp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước đã có một bước tiến lớn, đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đã hình thành và ngày càng hoàn thiện, phát triển hệ thống đồng bộ các cơ quan, tổ chức từ Trung ương tới địa phương, thực hiện ngày càng hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.

3.1-2-.jpg

PGS.TS Lê Bắc Huỳnh

Có thể nêu khái quát một số kết quả từ thực tiễn thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 ở một số mặt như: Đã tạo lập được hệ thống thể chế, chính sách tương đối đầy đủ, bước đầu phát huy hiệu quả, hiệu lực ở cả Trung ương và địa phương trong quản lý tài nguyên nước; Việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước được tăng cường, đẩy mạnh ở cả Trung ương và địa phương, trong đó, đã, đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc giám sát tự động, trực tuyến phục vụ ra quyết định và quản lý; việc điều hòa, phân bổ tài nguyên nước, duy trì dòng chảy tối thiểu, bảo đảm công bằng trong khai thác và sử dụng đã từng bước được hoàn thiện, góp phần đáng kể giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; việc bảo vệ các nguồn nước quan trọng, phòng, chống các hậu quả, tác hại do nước gây ra, bảo đảm lưu thông dòng chảy, hành lang thoát lũ,… được đẩy mạnh, đã và đang có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng.

PV: Bên cạnh kết quả đạt được, những tồn tại trong hệ thống pháp luật về tài nguyên nước ở Việt Nam là gì, thưa ông?

Ông Lê Bắc Huỳnh: Trước nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao về số lượng và chất lượng nước cho phát triển kinh tế - xã hội và duy trì bền vững các hệ sinh thái, đã xuất hiện ngày càng nhiều những bất cập trong bảo đảm nguồn nước cho phát triển bền vững. Trong khi đó, tài nguyên nước của nước ta đang và sẽ chịu tác động mạnh và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Mặt khác, có tới hơn 63% tổng lượng nước đến nước ta được hình thành trên phần lưu vực sông thuộc lãnh thổ các nước lân cận; nguồn nước đang suy thoái; ở một số lưu vực, khu vực, nguồn nước còn có biểu hiện ô nhiễm, cạn kiệt; việc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng thường chưa hợp lý, hiệu quả…

3.2.jpg
Cần bảo đảm nguồn nước cho phát triển bền vững

Trong số những tồn tại, bất cập về pháp luật tài nguyên nước, phải kể đến việc chưa xem tài nguyên nước là tài sản công của các quốc gia (như quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013), cần phải được sử dụng, quản lý hiệu quả một cách bền vững, chia sẻ công bằng và cùng có lợi, phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế; trong khi đó, tình trạng thiếu thống nhất còn kéo dài trong quản lý Nhà nước về tài nguyên nước; còn nhiều trùng lặp, chồng chéo, phân cấp bất cập trong quản lý giữa các địa phương, bộ, ngành (TN&MT, NN&PTNT, giao thông đường thủy, điện lực, cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn, nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt,…).

Vấn đề phối hợp, hợp tác với các nước láng giềng trong quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước lưu vực sông liên quốc gia, quốc tế còn gặp vướng mắc, chưa hiệu quả và thực chất; nguồn nước tại Việt Nam chưa được bảo vệ, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả, đa mục tiêu; vẫn tiếp diễn tình trạng nguồn nước ở nhiều lưu vực sông, đặc biệt là ở vùng hạ lưu các lưu vực bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt trong những thời gian dài chậm được phục hồi...

PV: Hiện, Bộ TN&MT đang tiến hành sửa đổi Luật Tài nguyên nước, theo ông, đâu là vấn đề nổi cộm mà Bộ TN&MT cần quan tâm sửa đổi nhất?

Ông Lê Bắc Huỳnh: Theo ý kiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước, một số vấn đề nổi cộm mà Bộ TN&MTcần quan tâm nhất khi hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi Luật Tài nguyên nước đó là, phải Luật hóa được nội dung tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý như quy định trong Hiến pháp năm 2013. Với vai trò đặc biệt quan trọng, thiết yếu, tài nguyên nước phải là cốt lõi trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, phát triển các ngành, lĩnh vực có khai thác và sử dụng nước; việc khai thác, sử dụng nước phải theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, hài hòa các lợi ích và giá trị của nước, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia để giám sát và kiểm soát được nguồn nước liên quốc gia, quốc tế vốn chiếm tới khoảng 2/3 tài nguyên nước Việt Nam; cho phép thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.

Cập nhật, bổ sung các quy định hiện hành về bảo đảm an ninh nguồn nước của quốc gia, bảo vệ tài nguyên nước và đáp ứng các yêu cầu về nước cho phát triển bền vững trong tình hình mới; giảm thiểu sự phụ thuộc của phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cùng các hệ sinh thái vào nguồn nước từ nước ngoài cũng như tác động của biến đổi khí hậu; chú trọng cụ thể hóa các quy định về phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.

Thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ cho quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định liên quan đến quản lý nguồn nước, khai thác, sử dụng, cấp nước; tách bạch việc quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); tiếp tục đổi mới các quy định để xã hội hóa ngành nước, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các tổ chức, cá nhân nâng cao trách nhiệm và hiệu quả bảo vệ, phát triển nguồn nước, giảm hậu quả tác hại do nước và nâng cao giá trị của nước.

Bổ sung các quy định để phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, được xác định giá và cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; bảo đảm công bằng, cùng có lợi trong tiếp cận nguồn nước; mọi người dân, mọi đối tượng sử dụng nước được tiếp cận và sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt, sản xuất với chi phí hợp lý.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này là một cơ hội đặc biệt quan trọng để luật hóa các nội dung về “an ninh tài nguyên nước”, “an ninh nguồn nước” hay “an ninh về nước” của quốc gia, mà cụ thể hơn là quy định rõ trong Luật Tài nguyên nước việc bảo đảm an ninh nước quốc gia cho phát triển bền vững.

PGS.TS Lê Bắc Huỳnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết lập hành lang pháp lý tài nguyên nước đồng bộ là yêu cầu cấp bách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO