Thị trường còn bỏ ngỏ
Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Việc chú trọng đầu tư, phát triển phân khúc nhà ở bình dân sẽ đem lại hiệu quả tích cực. Trước hết, sẽ đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo thành thị; đảm bảo cơ cấu về phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân hợp lý, hiệu quả bên cạnh việc phát triển nhà ở cho các phân khúc và đối tượng khác; đảm bảo phát triển thị trường bất động sản một cách bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, nhà ở giá thấp và trung bình là phân khúc lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng tại nước ta nhưng chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng, trong khi đây lại chính là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Triển khai các giải pháp xanh tại những công trình nhà ở giá thấp và trung bình sẽ tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam nhận định, triển vọng thị trường nhà giá thấp về dài hạn có khả năng diễn biến tốt, bởi nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn... Việt Nam có mức độ đô thị hóa nhanh với ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm. Việc xây dựng những công trình xanh sẽ giúp nhà đầu tư thu được nguồn lợi lớn hơn nhiều so với công trình thường về mặt dài hạn, giúp giải quyết gánh nặng về mặt kinh tế cho người dân có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.
Còn nhiều rào cản
Gần đây, Nhà nước đã thực sự quan tâm đến thị trường nhà giá thấp; một số rào cản được gỡ bỏ, các ưu đãi đã được ban hành. Ngoài ra, nhiều địa phương khuyến khích việc phát triển nhà giá thấp; một số dự án lớn chuyển hướng từ nhà ở thương mại sang nhà giá thấp… Tuy vậy, có rất ít công trình đạt Chứng chỉ xanh.
Tại một hội thảo về xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân diễn ra hồi tháng 7, ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh cho rằng, nếu định hướng sớm ngay từ giai đoạn ý tưởng kèm khai thác tốt các yếu tố thụ động trong kiến trúc, công trình xanh hoàn toàn có tiềm năng đạt hiệu quả cao về năng lượng, nước và vật liệu xây dựng. Các công trình có thể đạt Chứng nhận công trình xanh EDGE mà không làm gia tăng chi phí hoặc chỉ tăng ở mức 1 - 2%.
Hiện nay, còn nhiều rào cản trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam, ví dụ như chưa có quy định bắt buộc, hoặc khuyến khích đủ mạnh để phát triển công trình xanh, đặc biệt, với các công trình xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước; nhận thức về công trình xanh của cơ quan quản lý, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thi công, xây dựng, người sử dụng còn hạn chế. Ngoài ra, còn các rào cản về kỹ thuật và đầu tư, ứng dụng công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực tiết kiệm nhiên liệu, công trình xanh áp dụng trong các công trình xây dựng.
Ông Lê Xuân Minh, Giám đốc Công ty Đầu tư và xây dựng Minh Giám cho biết, việc xây dựng công trình xanh trong thực tế có nhiều khó khăn do chi phí phụ trội cho áp dụng các tiêu chí xanh và hiệu quả kinh tế; quy trình thủ tục phức tạp, tốn kém... Ngoài ra, nhiều người mua căn hộ chỉ tìm vị trí đẹp, giao thông thuận tiện mà hoàn toàn không quan tâm đến yếu tố xanh như chủ đầu tư dùng đèn gì, tiết kiệm nước ra sao…
Hơn nữa, một phần người mua nhà ở Việt Nam còn thói quen chọn giá thành làm tiêu chí quan trọng. Yếu tố lợi ích lâu dài, tiết kiệm và tính bền vững của công trình, tăng chỉ số sức khỏe, chỉ số hạnh phúc đối với phần lớn cộng đồng còn rất ít thông tin và cũng ít được quan tâm.