Con người là nguyên nhân chính
Sạt lở đất đá thường xảy ra rất nhanh và ít có hiện tượng cảnh báo trước, con người trở tay không kịp, do vậy, thường để lại hậu quả tàn khốc. Các nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân chính là do con người phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản, lâm sản không theo quy hoạch đã tác động tiêu cực đến môi trường. Cùng với đó, những tác động của công trình hạ tầng ngầm, người dân xây nhà ở khe suối, chân taluy, dựng nhà ở chân núi làm thay đổi, tắc nghẽn dòng chảy, gia tăng lũ quét.
GS. TS Nguyễn Bá Kế, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho rằng, nguyên nhân gây sạt trượt chủ yếu là sự thay đổi môi trường, sự can thiệp của con người vào tự nhiên. Trước đây, sạt lở đất xảy ra ít hơn. Những can thiệp xây dựng không theo quy định đã làm thay đổi dòng chảy, độ ẩm, sự tích nước của đất, dẫn đến sạt lở. Yếu tố dân sinh như khai thác, phá rừng, đào đường… đã làm mất đi sự cân bằng, ổn định của đất.
Một nguyên nhân nữa cần phải nhắc đến là chuyện mất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Nhiều địa phương đã biến hàng nghìn ha rừng chống lũ lụt thành rừng sản xuất. Các thảm thực vật do thiên nhiên kiến tạo qua vài trăm năm bị mất sẽ không có chỗ để giữ nước và ngăn lũ.
Mới đây, tại Hội thảo khoa học Giải pháp công nghệ trong phòng chống lũ quét, sạt lở đất tại Hà Nội, bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trung bình mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 10 - 15 trận lũ quét. Bốn khu vực tại Việt Nam thường xuyên xảy ra lũ quét là vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.
Bà Mai cho rằng, nguyên nhân gây sạt lở đất thường liên quan đến những yếu tố gây mất ổn định trong sườn dốc, các tác động của con người vào đất có ảnh hưởng đến đặc tính đất, làm đất xói mòn và do đó ảnh hưởng đến quá trình hình thành lũ quét, sạt lở đất.
“Việc khai thác làm rừng nguyên sinh và phòng hộ bị tàn phá; khai thác khoảng sản, lấn chiếm lòng suối để xây dựng công trình, nhà cửa, đường giao thông làm giảm hoặc mất hành lang thoát lũ là nhân tố quan trọng tạo ra nguy cơ nứt núi, lở đất, lũ quét. Xây dựng công trình hồ chứa, đập thủy điện không đủ an toàn tạo ra nguy cơ vỡ đập gây ra dòng lũ quét nhân tạo” - bà Mai nhận định.
Làm sao để hạn chế hậu quả?
Theo các chuyên gia, nếu mỗi người dân biết chuẩn bị và được trang bị kỹ năng phòng chống thiên tai sẽ giảm thiểu rủi ro. Tuy vậy, việc tuyên truyền kiến thức kỹ năng phòng chống sạt lở đất đá ở địa phương thực hiện chưa tốt. Bên cạnh đó, để có giải pháp phòng chống hiệu quả, cần cái nhìn tổng quan ở tầm vĩ mô, có các công cụ hữu hiệu để quản lý, như xây dựng cơ sở dữ liệu vùng nguy cơ; xây dựng hệ thống quan trắc tại các địa phương…
Giải pháp đối phó khi có sạt lở đất là thiết lập hệ thống thông tin công cộng để dự báo và cảnh báo cho cộng đồng, lập hệ thống giám sát khu vực, có kế hoạch sơ tán dựa trên bản đồ tích hợp, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm...
Với bất ổn về mất rừng, cần dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, thủy điện nhỏ, cần bảo vệ rừng triệt để, trồng thêm cây và canh giữ nghiêm ngặt.
Các chuyên gia đã đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trên thực địa như cây cối nghiêng đổ; các vết nứt trên sườn núi, dưới nền, nằm gần đường nước chảy; sự dịch chuyển trên mặt sườn đồi, núi; những khối lở đất nhỏ; sự bất ngờ tăng hoặc giảm lưu lượng dòng chảy, sự thay đổi màu sắc thành phần của nước; tiếng cây đứt, gãy, đổ, các mảnh vỡ di chuyển, hoặc tảng đá va chạm vào nhau có thể báo hiệu sự di chuyển của dòng bùn đá. Tuy vậy, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra mà không có bất cứ dấu hiệu nào nên luôn phải sẵn sàng di chuyển một cách nhanh chóng.