Bất động sản

Thị trường BĐS phía Nam: Nhiều tín hiệu tích cực

Đình Du 20/04/2023 - 10:27

(TN&MT) - Hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) có nhiều tín hiệu lạc quan khi đón nhận các giải pháp hỗ trợ tích cực từ cơ quan quản lý nhà nước. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, khi thị trường hanh thông trở lại, các doanh nghiệp BĐS cũng cần nghiêm túc đầu tư kinh doanh đúng năng lực, thực lực, từ đó góp phần giúp thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh hơn trong thời gian tới.

Đang tìm hướng ra

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thị trường BĐS tại khu vực phía Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng có mối liên hệ mật thiết với nền kinh tế. Khi thị trường BĐS phát triển không lành mạnh dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế. Việc thị trường BĐS “đóng băng”, doanh nghiệp kinh doanh địa ốc giải thể, đóng cửa hay cắt giảm nhân sự trong thời gian qua đã minh chứng rõ nét đối với thực trạng này.

“Doanh nghiệp BĐS phải nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao. Điển hình phát triển phân khúc nhà ở giá vừa túi tiền, tăng thêm các chính sách về khuyến mãi, chiết khấu, giảm giá bán để có dòng tiền, có thanh khoản trong tình hình khó khăn hiện nay. Doanh nghiệp BĐS cũng cần tính đến việc chấp nhận tồn tại trước rồi mới tìm cơ hội phát triển trở lại.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA.

Hiện tại, mặc dù thị trường BĐS tại TP.HCM và các tỉnh lân cận chưa có sự khởi sắc để quay về thời “vàng son” nhưng cũng có nhiều tín hiệu chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp BĐS cũng đang tìm mọi phương án tái cấu trúc kinh doanh để duy trì hoạt động, xoay trở dòng tiền bằng cách giảm giá sản phẩm lên đến 50% với mong muốn thị trường hấp thụ trở lại. Tuy nhiên, những giải pháp “chữa cháy” này của chủ đầu tư vẫn không mấy khả quan, không những không thu hút được khách hàng mà còn ngốn thêm chi phí vận hành, hiệu quả thấp ngoài sự mong đợi.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định: “Vừa qua, Nghị định 08/NĐ-CP và Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ ban hành đã mở lối thoát cho doanh nghiệp kinh doanh địa ốc, góp phần giúp thị trường BĐS “cầm cự” được trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Cạnh đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi không chỉ giải quyết vấn đề an sinh xã hội mà còn là giải pháp hiệu quả làm “rã băng” đối với thị trường BĐS trong thời gian tới.

Đồng thời, Nhà nước cũng giao Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án BĐS và đưa ra biện pháp xử lý giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ phù hợp. Còn Bộ Tài chính rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện pháp lý việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Riêng UBND TP.HCM thời gian qua có nhiều chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án BĐS, điển hình là việc tháo gỡ 116 dự án BĐS trên địa bàn thành phố để có hướng ra”.

Cần khung pháp lý

Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, các động thái của Chính phủ trong thời gian qua là một trong những tín hiệu tích cực và đáng kỳ vọng cho các doanh nghiệp BĐS trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề lớn là đang có sự chồng chéo giữa các Luật liên quan đến BĐS. Nếu vấn đề này không sớm được giải quyết thì thị trường BĐS vẫn khó có lối ra. Chẳng hạn, việc thực hiện đầu tư dự án quá lâu ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, giá bán sản phẩm cao không phù hợp với đại đa số bộ phận người mua. Điều này làm giảm nguồn cung trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp nhu cầu mua nhà ở.

10.jpg
Nhiều dự án vướng pháp lý rất cần được tháo gỡ trong giai đoạn hiện nay

Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho rằng, Nhà nước cần rà soát, phân loại kỹ hơn tiến độ các dự án BĐS trên thị trường để có hướng tháo gỡ đúng đối tượng. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ tiến trình hoạt động của doanh nghiệp BĐS. Khi thị trường BĐS có dấu hiệu biến động, Nhà nước cần đưa ra giải pháp kịp thời để “nắn” thị trường BĐS đi đúng hướng. Việc rà soát và tháo gỡ pháp lý dự án BĐS cũng là chìa khóa khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng BĐS.

Về hướng tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS nhận định, vướng mắc hành lang pháp lý nếu hoàn hiện sẽ giúp nguồn cung sản phẩm nhà đất đưa ra thị trường tăng lên. Ngoài ra, Ngân hàng cũng cần có chính sách giảm lãi suất hơn nữa cho người mua nhà lần đầu, điều này sẽ giúp thị trường BĐS tự điều chỉnh sự bình ổn, tăng thanh khoản cho thị trường. Lãi suất huy động vốn hiện nay đã giảm khoảng 3%/năm, nhưng nếu giảm đến 5%/năm thì mới có cơ sở để giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà ở thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường BĐS phía Nam: Nhiều tín hiệu tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO