(TN&MT) - Một ngày đầu năm 2017, vợ chồng ông Nguyễn Duy Long ra sân bay Tân Sơn Nhất để đáp chuyến bay đi Châu Âu lo việc phát triển sản xuất của Công ty Ichi Group do ông Long làm Tổng Giám đốc. Lúc làm thủ tục an ninh, thật bất ngờ, nhân viên làm nhiệm vụ xuất – nhập cảnh đã thông báo ông Long bị… cấm xuất cảnh. Lý do nơi này cho biết là Chi cục Thi hành án Dân sự quận 12 (TP.HCM) có văn bản gửi Cục quản lý xuất nhập cảnh đề nghị cấm xuất cảnh với ông Long vì còn nợ ngân hàng. Nhưng theo ông Long thì đã... trả hết nợ từ lâu.
Ông Nguyễn Duy Long |
Mất hơn 70 triệu đồng vé máy bay
Không đi được nước ngoài, mà tiền vé máy bay hơn 70 triệu đồng của ông Long coi như… mất. Qua tìm hiểu, cơ quan xuất nhập cảnh sân bay cho biết, ông Long đã bị cấm xuất cảnh từ một quyết định ngăn chặn của Chi cục THA dân sự quận 12, TPHCM gửi nơi này trước đó.
Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 126 ngày 13-3-2014 do Chi cục trưởng THA quận 12 Nguyễn Văn Quy ký, ghi rõ: “Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hoàng Minh Phát (do ông Long là người đại diện theo pháp luật - NV) phải trả cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tổng số nợ tính đến ngày 19-8-2013 là hơn 1,8 tỉ đồng”.
Ông Long cho biết, trước đây ông là người đại diện theo pháp luật của Công ty Hoàng Minh Phát. Sau đó ông Long đã làm thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật sang cho em trai là Nguyễn Việt Hùng tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM. Rồi ông Long đi thành lập công ty sơn Ichi Group và cũng “quên hẳn” câu chuyện nợ nần ở công ty Hoàng Minh Phát.
Ông Long lý giải: “Trước đây, tôi là người đại diện pháp luật của Hoàng Minh Phát vay tiền ngân hàng SHB giúp cho vợ chồng người em trai là Nguyễn Việt Hùng để có tiền làm ăn. Do điều kiện kinh doanh khó khăn, em tôi chưa trả được tiền vay, nên ngân hàng SHB khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên sau đó, TAND quận 12 đã công nhận việc thanh toán nợ giữa 2 bên. Kế đó, Chi cục THA Dân sự quận 12 thụ lý hồ sơ để THA. Tưởng việc đơn giản chỉ có vậy, nhưng không ngờ, vì bảo lãnh vay nợ thay cho em trai, bản thân tôi lại bị cấm xuất cảnh mà không hề hay biết”.
Trả nợ xong, vẫn bị… cấm xuất cảnh?
Quá trình xác minh, ông Long cho biết: Nhằm thực hiện THA để hoàn trả tiền vay ngân hàng, Chi cục THA Dân sự quận 12 đã tiến hành bán đấu giá tài sản thế chấp là căn nhà tại số 322/3, tổ 7, khu phố 6, phường Thới An, quận 12, TP.HCM do vợ chồng em trai Nguyễn Việt Hùng đứng tên, được hơn 2 tỉ đồng.
Vào tháng 4.2016, căn nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại địa chỉ trên đã được bán đấu giá xong và thanh toán khoản nợ vay hơn 1,8 tỉ đồng nói trên, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội. Ngoài ra, cũng thanh toán xong các phần án phí, cùng những chi phí khác... Thế nhưng, thay vì quyết định cấm xuất cảnh với ông Long phải được gỡ bỏ, thì trái lại, suốt từ tháng 4.2016 đến nay (tháng 4.2017), Chi cục THA dân sự quận 12 vẫn chưa hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh đối với ông Long. Thậm chí, đến nay, hộ chiếu mới của ông Long (vì hộ chiếu cũ sẽ hết hạn vào tháng 11-2017) cũng đang bị cơ quan xuất nhập cảnh tạm giữ.
Theo cơ quan xuất nhập cảnh, lệnh cấm xuất cảnh của ông Long vẫn đang còn hiệu lực, vì cơ quan ra quyết định ngăn chặn xuất cảnh đối với ông Long là Chi cục THA Dân sự quận 12 vẫn chưa ra bất kỳ văn bản nào tháo gỡ lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Long.
Chiều ngày 5-4, vợ ông Long lên THA quận 12 “làm cho ra lẽ”. Đại diện THA quận 12 xin lỗi, nhắn ông Long làm đơn gửi THA quận 12 thì sang tuần nơi này sẽ có văn bản gửi Cục quản lý xuất nhập cảnh giải tỏa lệnh cấm xuất cảnh với ông Long.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) – cho rằng: “Nghị định 136/NĐ-CP ngày 17-8-2007 của Chính phủ quy định “Cơ quan nào chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết (trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh)”. Trong trường hợp ông Long, do liên quan vay vốn ngân hàng, nên bị Chi cục THA quận 12 ra quyết định cấm xuất cảnh. Lẽ ra, khi cấm xuất cảnh, Chi cục THA Dân sự quận 12 phải thông báo bằng văn bản cho ông Long biết (vì trường hợp của ông Long là việc dân sự, hoàn toàn không thuộc phạm vi vụ việc liên quan đến các vụ án lớn, hay an ninh quốc gia, buộc phải giữ bí mật…). Ở đây, nếu Chi cục THA Dân sự quận 12 không thông báo cho ông Long là thực hiện chưa đúng quy định tại Điều 22 - Nghị định 136. Đặc biệt, nếu việc THA gần một năm nay đã xong; lẽ ra ông Long và Cơ quan THA quận 12 cần có sự trao đổi, xử lý vụ việc để quyết định cấm xuất cảnh được gỡ bỏ, tránh gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.
Trong lúc đó, ông Long cho biết: “Chấp hành viên Bùi Duy Nghĩa, thuộc Chi cục THA dân sự quận 12, vẫn không liên lạc với tôi để giải thích đúng – sai thế nào… Rất nhiều lần, tôi liên hệ và yêu cầu Chi cục THA dân sự quận 12 hủy bỏ biện pháp ngăn chặn xuất cảnh đối với tôi, trả lại hộ chiếu cho tôi… nhưng Chi cục THA dân sự quận 12 vẫn chưa xem xét giải quyết”.
Trả lời báo chí, ông Trần Văn Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục THA Dân sự Q.12, cho biết: “Vụ việc xảy ra đã lâu, thời gian THA cách đây đã hơn 1 năm, nên việc lật lại hồ sơ xem xét sự việc có nhiều trở ngại… Trong khi đó, hiện Chấp hành viên Bùi Duy Nghĩa đã chuyển công tác sang cơ quan khác”.
Theo đại diện Chi cục THA Dân sự Q.12, sở dĩ Chi cục THA Dân sự Q.12 chưa gỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Long là do sau khi đấu giá THA căn nhà thế chấp, ông Long vẫn còn nợ hơn 100 triệu đồng (cả lãi lẫn vốn gốc), chưa trả hết cho ngân hàng. Vì vậy, lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Long vẫn còn hiệu lực...”. Tuy nhiên, phía THA cũng không trưng ra được bằng chứng nào về việc ông Long còn nợ 100 triệu đồng. Trong khi đó, ông Long luôn khẳng định mình đã trả hết nợ ngân hàng SHB từ lâu rồi.
Thật khó hiểu, một vụ việc THA dân sự tưởng chừng đơn giản, đối tượng THA đã chấp hành THA xong; lẽ ra ông Long và Cơ quan THA cần có sự trao đổi, xử lý vụ việc để mọi sự cấm cản quyền công dân phải được tháo gỡ. Tuy nhiên, trong sự vụ này, cả hai phía đều đôi co, dẫn tới sự việc… rối như canh hẹ.
Ông Long bức xúc: “Không chỉ quyền đi nước ngoài của cá nhân tôi bị xâm phạm mà danh dự, uy tín của Ichi Group của tôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Suốt năm qua, có đối tác nghe tin tôi bị cấm xuất cảnh đã cắt các hợp đồng làm ăn, thiệt hại tính đến tiền tỷ… Chưa nói, vì không thể ra nước ngoài giao dịch, dẫn tới tôi không thể ký kết các hợp đồng mới, nên vuột nhiều thương vụ, cơ hội kinh doanh. Ai sẽ bồi thường các thiệt hại trên cho cá nhân và doanh nghiệp của tôi, từ việc cấm xuất cảnh này?”.
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ theo dõi, thông tin tiếp.
Nghị định 136 ngày 17-8-2007 của Chính phủ Điều 21. Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: 1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm. 2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự. 3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế... Điều 22 1. Thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh: a) Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Nghị định này... 2. Các cơ quan có thẩm quyền nêu tại các điểm a, b, c, d, khoản 1 Điều này khi quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh, để thực hiện. Khi hủy bỏ quyết định đó cũng phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an để thực hiện. 3. Cơ quan nào quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh. 4. Người quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. |
Vĩnh Yên