Bạn đọc - Pháp luật

Phân biệt giữa đối tượng và phạm vi cấp giấy phép môi trường

Phạm Oanh 23/12/2024 - 15:58

Hiện nay, cử tri một số địa phương đang nhầm lẫn và có nhiều thắc mắc liên quan đến đối tượng phải có giấy phép môi trường và phạm vi cấp giấy phép môi trường.

Điển hình như cử tri tỉnh Đồng Nai đã gửi kiến nghị và phản ánh: Tại Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, đối tượng phải có giấy phép môi trường gồm: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

Tuy nhiên, tại Khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo khoản 8, Điều 3 thì giấy phép môi trường chỉ được cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nội dung này mâu thuẫn với Khoản 1 Điều 39. Từ đó dẫn tới, nhiều dự án thuộc Khoản 1 Điều 39 nhưng chủ dự án không phải là tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nên cơ quan chức năng không tiếp nhận hồ sơ và không thể cấp giấy phép môi trường.

giay-phep-moi-truong.jpg
Ảnh minh họa

Giải thích cụ thể về những quy định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Luật Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định cụ thể về đối tượng phải có giấy phép môi trường; đối tượng phải đăng ký môi trường và phạm vi cấp phép môi trường. Cụ thể:

Điều 39 quy định đối tượng phải có giấy phép môi trường gồm: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức (trừ trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công).…

Dự án nhóm I (có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao) gồm: Dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn/quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn/quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm
về môi trường; Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn….

Khoản 1 Điều 49 quy định đối tượng phải đăng ký môi trường gồm: Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường; Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.

Khoản 8 Điều 3 quy định: Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Theo các quy định nêu trên, đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục dự án đầu tư nhóm I, nhóm II, nhóm III quy định tại các Phụ lục III, IV, V ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và thuộc đối tượng quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường. Trường hợp không thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường thì phải thực hiện đăng ký môi trường theo quy định Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Điều 32 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Như vậy, khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 để xác định phạm vi cấp giấy phép môi trường và Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định đối tượng cấp giấy phép môi trường.

Dự án nhóm II (có nguy cơ tác động xấu đến môi trường) và Dự án nhóm III (ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường) gồm: Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình/quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình/quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình; Dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có phát sinh nước thải, bụi, khí thải phải được xử lý/phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân biệt giữa đối tượng và phạm vi cấp giấy phép môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO