Hòa Bình: Nhiều “lùm xùm” trong GPMB tại dự án cao tốc Sơn La
Hàng chục hộ dân xã Mông Hóa, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, cho rằng việc thu hồi đất để mở rộng đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình – Mộc Châu) đang có nhiều bất cập, phương án đền bù không thỏa đáng khiến các hộ dân bức xúc.
Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư của nhiều hộ dân xã Mông Hóa, thành Phố Hòa Bình phản ánh về việc đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Sơn La chưa thỏa đáng. Theo đơn phản ánh, các hộ dân hoàn toàn nhất trí chủ trương mở đường của Nhà nước. Tuy nhiên, người dân không đồng thuận về phương án đền bù khi bị thu hồi đất và nhiều bất cập liên quan đến việc kiểm kê tài sản.

Bà Nguyễn Thị Hiển, xóm Dụ Đồi, xã Mông Hóa, cho biết: Gia đình tôi mới dành dụm được ít tiền xây dựng được ngôi nhà kiên cố, diện tích hơn 100m2, nay nhà nước thu hồi 71,6m2 (đất ở 34m2, đất hành lang giao thông 37,6m2), với phương án đền bù của thành phố đưa ra đối với đất ở 25.847.000 đồng, còn đất hành lang giao thông chưa có đơn giá.
Bà Hiển chia sẻ thêm: "Theo như bảng dự án bồi thường cả kiến trúc và cây cối hoa màu, đất nhà tôi được đền bù hơn 1,1 tỷ đồng nhưng họ nói thu hồi đến đâu trả tiền đến đó”.
Cũng chung tình trạng trên, ông Đinh Văn Hùng cho hay: Nhà tôi bị thu hồi 1.609,6m2, khi đi kiểm đếm, đo đạc đã thống nhất thu hồi 160m2 đất ở, nhưng trong bảng kê khai lại ghi nhà tôi bị thu hồi 240m2. Như thế tôi đã thấy không hợp lý, bất nhất giữa số liệu thu hồi.
“Với lại, gia đình tôi đang sinh sống cách mặt đường hành lang giao thông 10m. Theo bảng kê khai, đất nhà tôi nằm vị trí 1 nhưng phương án đền bù không đúng với vị trí. Không những vậy, còn kê khai thiếu của gia đình tôi. Cụ thể, thửa đất số 47 nhà tôi có diện tích 234m2, bị thu hồi hết, nhưng trong bản dự kiến đền bù lại chỉ có 19,4m2 như vậy là thiếu tận 223,6m2” - ông Hùng bức xúc.

Nhiều người dân cho biết, cuộc họp do Ban GPMB thành phố Hòa Bình tổ chức, đã giải thích cho các hộ về phương án bồi thường, đo đạc, kiểm đếm nhưng lại đưa ra phương án đền bù không thỏa đáng, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay một số hộ dân có đất bị thu hồi là đất nông nghiệp, đất trồng rừng đã nhận tiền hỗ trợ đền bù. Còn khoảng gần 30 hộ không chấp thuận phương án đền bù, vì họ cho rằng mức đền bù chưa thỏa đáng. Ngoài ra, người dân còn thắc mắc việc giải quyết đền bù không công bằng giữa một số hộ dân có mức độ thiệt hại như nhau.
Ông Nguyễn Xuân Phục - Chủ tịch UBND xã Mông Hóa, cho biết: Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Sơn La đi qua địa bàn xã Mông Hóa 7,3km. Liên quan đến việc thu hồi đất đối với 250 hộ, trong đó đất ở, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất lúa... đã ban hành 3 thông báo thu hồi đất, trong đó đợt 1 và 2 thu hồi 14,69ha, đợt 3 là 33,85ha đất rừng sản xuất. Hiện đất lúa, đất nông nghiệp khác đã kiểm đếm xong, còn đất ở và đất nông nghiệp liền kề với đất ở đang vướng về chế độ đơn giá bồi thường. Theo phương án đền bù, đối với vị trí 1 thì có giá 25.847.000 đồng/m2 còn các vị trí 2 và 3, 4 thấp hơn; đất nông nghiệp liền kề với đất ở thì có giá đền bù 60.000 đồng/m2.
Cũng theo ông Phục, hiện một số vấn đề kiểm kê, kiểm đếm đang bị thiếu trong diện tích đất ở, đất nông nghiệp liền kề đất ở trong phương án đền bù đang bị thiếu sót, như diện tích, kiến trúc và các tài sản gắn liền với đất… bị chênh lệch một chút, về nội dung này Trung tâm phát triển quỹ đất đã tiếp thu và phối hợp với các ngành đang kiểm định lại.
Ông Phục nhấn mạnh: Việc thu hồi đất nông nghiệp liền kề với đất ở thì có giá đền bù 60.000 đồng/m2 là rất thiệt thòi cho người dân, UBND xã cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan cấp trên xem xét lại để đưa vào chính sách bồi thường cho người dân.
Về hành lang giao thông thì có 46 hộ có đất hành lang giao thông, hiện tại đang xác định nguồn gốc sử dụng đất và kiểm đếm để làm phương án bồi thường hỗ trợ. Hiện giờ còn 28 hộ chưa nhận đơn giá bồi thường.
Mặt khác, xã Mông Hóa chỉ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan của thành phố và UBND tỉnh làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn, thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. UBND tỉnh đã ghi nhận, tới đây xã sẽ tiếp tục có đề xuất để cho các hộ dân bị thu hồi đất ở và đất nông nghiệp liền kề đất ở có chính sách hỗ trợ cho các hộ đỡ thiệt thòi” - ông Phục thông tin thêm.
Việc đền bù giải phóng mặt bằng là một khâu quan trọng nhằm trả lại mặt bằng sạch để thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc người dân và chính quyền không thống nhất được phương án hỗ trợ, bồi thường và tái định cư sẽ là nguyên nhân làm chậm tiến độ trong thực hiện dự án. Rất mong, UBND tỉnh Hòa Bình sớm chỉ đạo các ban ngành liên quan để làm rõ sự việc trên, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, tránh tình trạng khiếu nại kéo dài.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.