Tại đây, các học viên được hướng dẫn kỹ thuật kéo miết để rút sợi tơ từ thân cây sen, làm sao rút sợi cho khéo để se được những sợi tơ mịn màng. Đây là bước cơ bản đầu tiên trong các công đoạn sản xuất vải từ tơ sen.
Vải từ tơ sen cũng tương tự như vải tơ tằm, rất thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên và có giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, nếu áp dụng được mô hình sản xuất tơ sen sẽ tận dụng được phần thân sen, nâng cao giá trị kinh tế của cây sen.
Lớp tập huấn nhận được phản hồi tích cực từ các học viên. Chị Bích Phượng, ấp 1, xã Tân Kiều chia sẻ: “Lớp học này rất thú vị, tôi không thể ngờ được ta có thể làm được tơ lụa từ cây sen. Công việc này rất thích hợp cho phụ nữ, hoặc những người lớn tuổi tạo thêm thu nhập”.
Sau khóa tập huấn, Viện kinh tế sinh thái sẽ tiếp tục hỗ trợ, kết nối đầu ra cho các sản phẩm sợi tơ sen cho bà con Đồng Tháp.
Trong 2 năm qua, mô hình trồng sen sạch do IUCN phối hợp cùng UBND huyện Tháp Mười thử nghiệm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiệu quả kinh tế từ sản xuất sen sạch mang lại rất khả quan, hứa hẹn sẽ là mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa và 1 vụ sen, góp phần vào chiến lược trữ nước của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Với sự tài trợ 550 nghìn USD từ Công ty Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, dự án “Thí điểm các mô hình sinh kế dựa vào mùa lũ nhằm tăng cường khả năng dự trữ nước cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long” tập huấn và hỗ trợ nông dân tại tỉnh Đồng Tháp, Long An và An Giang tại Đồng bằng sông Cửu Long để triển khai mô hình sinh kế dựa vào mùa lũ, nhằm thay thế cho canh tác lúa vụ ba không bền vững. Dự án tập trung vào việc tập huấn và hỗ trợ nông dân áp dụng các hệ thống canh tác mùa lũ như trồng các loại cây trồng có khả năng chống lũ lụt và chịu hạn, giúp người dân duy trì cuộc sống và gia tăng khả năng tích nước lũ của đất.
Kết quả dự án được chọn thực hiện trong 3 năm, với diện tích 450 ha; trong đó ở Đồng Tháp thực hiện dự án tại huyện Tháp Mười là 150 ha thực hiện mô hình canh tác sen; ở tỉnh Long An thực hiện dự án ở huyện Tân Hưng là 150 ha với mô hình trồng sen - du lịch sinh thái; ở tỉnh An Giang thực hiện dự án tại huyện Tri Tôn với diện tích 150 ha thực hiện mô hình lúa mùa nổi và nuôi thủy sản.
Được biết, đây là mô hình thí điểm sinh kế dựa vào nước lũ, từ đó giúp bảo tồn và khôi phục khả năng trữ nước cho đồng bằng vào khoảng 6,7 triệu m3 trữ lượng nước lũ /năm. Sau đó dự án sẽ được nhân rộng sang các tỉnh khác thông qua việc tiếp cận các quy hoạch sử dụng nước và đất của các tỉnh do Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất trong Chiến lược Trữ nước của Đồng bằng sông Cửu Long.