Thạnh Phú (Bến Tre): Sạt lở bờ biển nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh kế người dân

04/02/2018 22:44

(TN&MT) – Những năm qua, tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển tại huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) ngày càng diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời...

 

(TN&MT) – Những năm qua, tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển tại huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) ngày càng diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh kế của người dân vùng ven biển nơi đây.

Biển xâm thực, ảnh hưởng đời sống dân sinh

Mới đây, có dịp đi cùng đoàn từ thiện đến thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết dân nghèo tại xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú), chúng tôi cảm nhận được đời sống của người dân vùng ven biển này ngày càng khó khăn hơn. “Khó” bởi những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng kèm với sóng to gió lớn, làm sạt lở bờ biển nghiêm trọng gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống dân sinh.

Xã Thạnh Hải được xem là vùng trọng điểm sạt lở nghiêm trọng nhất của tỉnh Bến Tre. Chỉ sau mấy năm trở lại, chúng tôi nhận thấy quang cảnh nơi đây vắng vẻ, hoang tàn hơn. Nhiều ngôi nhà trơ khung, siêu vẹo, đường đê sạt lở nham nhở, mất cả lối đi. Có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được tình trạng sạt lở ven biển ngày càng phức tạp. Không chỉ mất đất, mất rừng, sinh kế của người dân cũng không còn, các khu dân cư bị uy hiếp, đời sống bấp bênh.

H1 (20)
Sạt lở ăn sâu vào đất liền

Hướng dẫn chúng tôi đi khảo sát thực tế, ông Nguyễn Tấn Phong – Phó bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hải cho biết: Mấy năm qua, vùng biển này liên tục xuất hiện nhiều đợt triều cường dâng cao cùng với sóng to gió lớn gây sạt lở đất, sạt lở bờ đê bao, sập nhà dân, thiệt hại nhiều tài sản và các lọai hoa màu, ao nuôi thủy sản. Qua mỗi đợt triều cường, bờ biển bị xâm thực sâu vào đất liền đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn cuộc sống và tính mạng của các hộ dân, cũng như các công trình đã được đầu tư xây dựng.

Theo ông Nguyễn Tấn Phong, trên địa bàn xã có 4 ấp giáp biển, với chiều dài 18,5km. Khoảng 4 năm trở lại đây, bờ biển của xã bị sạt lở kéo dài hơn 10km, xâm thực sâu vào đất liền trung bình khoảng 100m, làm mất đất sản xuất của 97 hộ dân, với diện tích khoảng hơn 100 ha, tập trung lớn nhất là trên 2 khu vực Cồn Bửng và Cồn Lợi. Qua thống kê sơ bộ, năm 2014 sạt lở làm mất gần 27ha đất, năm 2015 mất 31ha, năm 2016 mất 25ha và năm 2017 vừa qua sạt lở mất gần 20ha đất ven bờ. Sạt lở còn làm mất hàng chục héc-ta rừng phòng hộ và đặc dụng dọc theo tuyến bờ biển xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Mới đây, vào cuối tháng 12/2017, cơn bão số 16 tuy không đổ bộ vào đất liền, tuy nhiên do ảnh hưởng của sóng to gió lớn đã làm sạt lở đất, ảnh hưởng đến vật nuôi, cây trồng. Trước đó không lâu, đợt triều cường dâng cao vào đầu tháng 12/2017, sóng biển đã cuốn trôi nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ, phá vỡ nhiều vuông tôm thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Sinh kế người dân bị đe dọa

Ông Dương Minh Phương, ngụ tại Cồn Bửng (xã Thạnh Hải) cho biết, trước đây ông đã chủ động bỏ ra gần 900 triệu đồng để làm kè chắn sóng, bảo vệ tài sản nhưng vào đợt triều cường tháng 12/2017 sóng biển đã đánh vỡ đê kè, nước tràn ngập làm sụp ngôi nhà anh đang ở, vuông tôm bị vỡ, mất một số diện tích đất do bị nước cuốn trôi, ước tính thiệt hại hơn 1,2 tỉ đồng.

Cách đó không xa, hộ ông Phạm Văn Hải có hơn 6 ha đất dọc bờ biển Cồn Bửng nhưng sạt lở đã làm mất hơn 1,5 ha đất. Để bảo vệ phần đất còn lại, ông Hải đã thuê cơ giới khẩn trương làm lại con đê nhằm chống chọi với sóng biển, với số tiền “túi” tự bỏ ra hàng tỷ đồng để gia cố con đê mong giành giật lại hơn 4 ha đất trước nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi.

H2 (20)
Biển xâm thực, mất nhiều diện tích rừng phòng hộ

Ông Trần Văn Ghẹ là người dân sống ở cồn Bửng lâu năm cho biết, ông từng sở hữu 27.000m2 đất để nuôi trồng thủy sản, nhưng giờ đây chỉ còn 4.000m2. Điều mà ông và người dân nơi đây lo lắng là chưa bao giờ xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng như những năm gần đây. Một số hộ dân có điều kiện đã tự làm đê bao bằng bê tông, nhưng cũng không thể chống đỡ nổi với sóng biển. 

Dọc theo bờ biển Thạnh Hải, rất nhiều hộ dân khác cũng tận dụng hàng trăm bao cát hoặc cắm cây để chắn sóng, ngăn sạt lở. Đây là giải pháp tạm thời đã được lãnh đạo xã Thạnh Hải vận động bà con tự gia cố đê bao chống sạt lở, trong khi chờ đợi sự hỗ trợ đầu tư kinh phí xây dựng đê kè kiên cố của các ngành, các cấp.

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng hàng quán phát triển các dịch vụ du lịch tại khu vực biển Cồn Bửng. Sau những đợt triều cường khủng khiếp như thời gian qua, nhiều hàng quán rất lo sợ vì nguy cơ đối diện sóng biển, tình hình sạt lở khá nghiêm trọng làm đổ sập bất cứ lúc nào nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời.

Mong mỏi, chờ đợi từ cấp trên!

Ngành chức năng tỉnh Bến Tre dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, biển Thạnh Phú tiếp tục xâm thực vào đất liền khoảng 50-60m và gây sạt lở đất khoảng 100 ha, bình quân mỗi năm sạt lở khoảng 30 ha đất. Nếu không có giải pháp kịp thời thì nguy cơ sạt lở và phá hủy các công trình công cộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến định hướng phát triển du lịch của huyện Thạnh Phú là rất lớn.

Ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết, trước tình hình sạt lở bờ biển ngày một nghiêm trọng, vấn đề cấp bách của địa phương là giải quyết khẩn trương tình trạng sạt lở bờ biển, nhằm bảo vệ đất, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Thời gian qua, huyện đã phối hợp với nhiều đoàn làm việc của Trung ương và tỉnh tiến hành khảo sát, bàn giải pháp khắc phục.

H3 (11)
Còn lại những căn nhà chóng chọi với sóng biển

Theo ông Thương, để giải quyết tình trạng trên cần phải đầu tư nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nguồn ngân sách của địa phương gặp nhiều khó khăn. Do đó, huyện đã kiến nghị tỉnh, Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở đối với khu vực này. Thế nhưng, đến nay việc xử lý sạt lở vẫn chưa thực hiện được, trong khi đó, tình trạng sạt lở đất tại Cồn Bửng và một số nơi thuộc bờ biển Thạnh Phú ngày càng diễn biến phức tạp. 

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Về dự án xây dựng kè chống sạt lở khu vực biển Cồn Bửng, đây là dự án có nguồn vốn đầu tư rất lớn, vượt quá khả năng cân đối ngân sách tỉnh. Do đó, ngày 14/4/2017, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện và đã được Trung ương ghi nhận nhu cầu bức xúc của tỉnh để sớm tìm nguồn vốn hỗ trợ tỉnh đầu tư.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, trong thời gian chờ nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh đã đồng ý chủ trương và chỉ đạo UBND huyện Thạnh Phú hướng dẫn người dân tự xây dựng kè chống sạt lở để bảo vệ đất sản xuất của hộ dân.

                                                 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạnh Phú (Bến Tre): Sạt lở bờ biển nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh kế người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO