Thành phố và biến đổi khí hậu: Gia tăng khả năng ứng phó

04/04/2019 12:23

(TN&MT) - Dân số thế giới đang ở mức trên 7,7 tỷ người, hơn một nửa sống ở khu vực đô thị. Theo dự báo, tỷ lệ này sẽ tăng lên 2/3 sau một thế hệ nữa. Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là làm thế nào quản lý được quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả.

T7a
Hiện tượng bão và lũ gây thiệt hại cho người dân ở các địa phương. Ảnh: MH

Chuẩn bị ngay từ hôm nay

Biến đổi khí hậu hiện là vấn đề phát triển quan trọng nhất đang được thảo luận trên cả phạm vi quốc gia và quốc tế. Và các thành phố (TP) là nơi dễ bị ảnh hưởng nhất (cũng là nơi góp phần gia tăng ảnh hưởng). Đây là nơi tiêu thụ nhiều hàng hóa và phát thải nhiều khí nhà kính. Mặt khác, đây cũng là nơi tập trung dân số và các hoạt động kinh tế và khi chịu tác động của biến đổi khí hậu, các thiệt hại về kinh tế và xã hội sẽ là rất lớn, lớn hơn tất cả các nơi khác. Chính vì vậy, các TP có vai trò chính trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc ứng phó của các TP càng hiệu quả bao nhiêu, tương lai của Trái đất càng sáng sủa bấy nhiêu.

7,7 tỷ người là mức dân số trên Trái đất ước tính đạt được tính đến ngày 1/11/2018. Thế giới mất 200.000 năm lịch sử để dân số đạt tới mức 1 tỷ người và chỉ mất 200 năm để đạt tới mức gần 8 tỷ người.

Trước thực tế gia tăng của bão, lụt chính quyền các TP sẽ phải quy hoạch phát triển đô thị tránh xa những vùng đất gần sông, biển và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt phòng chống thiên tai hoặc di chuyển các cơ sở hạ tầng hay công trình trọng yếu ra khỏi các khu vực dễ bị lũ lụt. Các chiến lược xã hội bao gồm việc xác định các thành phần dân số dễ bị tổn thương trong trường hợp có bão và lũ. Các khu vực dân cư ở vùng bão lụt cần chuẩn bị để người dân có thể sử các công trình công cộng như trụ sở ủy ban, trường học… làm nơi lánh nạn khi bão lụt xảy ra. Nhiều TP cần áp dụng các biện pháp tiết kiệm và tái sử dụng nước ngay từ hôm nay để đối phó với việc thiếu nước sinh hoạt trong tương lai.

Các đô thị ven biển cần chuẩn bị để đối phó với các hiện tương thiên tai bất thường. Kịch bản về nước biển dâng cần được lồng ghép vào tất cả các quyết định về quy hoạch phát triển đô thị. Dự báo về sự gia tăng các trận bão, lũ đòi hỏi chính quyền thành phố và các cơ quan có trách nhiệm cần áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế và xây dụng cao hơn.

Thay đổi nhận thức

Vào thời điểm này, cho dù lượng khí thải nhà kính được cắt giảm đáng kể, các TP vẫn cần phải thích ứng với các ảnh hưởng tồi tệ của biến đổi khí hậu trước khi các ảnh hưởng này có thể chững lại. Cách thức thích ứng tiềm năng bao gồm các giải pháp làm “xanh” TP: Bảo tồn các khu vực cây xanh và rừng trong đô thị, trồng thêm cây xanh ở mọi nơi có thể, sử dụng các cách thức phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường và sử dụng mặt nước hồ ao và các kỹ thuật tái sử dụng nước mưa để làm mát đô thị.

Nhận thức được rằng, đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu  phát thải khí nhà kính, nhiều TP trên thế giới đang tiến hành các biện pháp sáng tạo mang tính căn nguyên để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu: Xây dựng kế hoạch hành động (bao gồm cả mục tiêu cho việc cắt giảm phát thải), giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong nhà ở và công trình thương mại, tăng đầu tư vào giao thông công cộng và đề xuất các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo quy mô vừa và nhỏ trong thành phố; ban hành các quy định yêu cầu các toà nhà mới phải ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, thỏa mãn các tiêu chuẩn về công trình xanh…

Trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thay vì được coi một nơi tiêu thụ năng lượng khổng lồ, cần phải biến TP hoạt động như một “cây xanh” trong tự nhiên: Có khả năng “đàn hồi”, tự phục hồi và có khả năng sản xuất nhiều năng lượng hơn mức tiêu thụ.

Nhưng những điều đó mới là mong muốn - bởi cho đến nay, con người vẫn phải tự vật lộn với những vấn đề phát sinh do chính mình tạo ra.    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố và biến đổi khí hậu: Gia tăng khả năng ứng phó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO