Nước sông đen đặc
Chúng tôi về thôn Từ Ô, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đúng vào dịp nước trên sông Cửu An, thuộc hệ thống thuỷ nông Bắc-Hưng-Hải, toàn bộ dòng sông đen đặc, bốc mùi hôi thối. Từng đàn cá nhao nhác tấp vào bờ ngớp lấy ngớp để vì ngộp thở.
Ông Vũ Văn Viễn, một người dân thôn Từ Ô cho hay, gia đình tôi ở gần sông, mỗi năm vài lần có dòng nước đen, hôi thối tràn về. Nước bẩn về cá chết trắng sông, dòng nước ô nhiễm từ các nguồn nước thải bên Hưng Yên và thượng nguồn đổ về làm người dân hết sức lo lắng. Ban đầu, gia đình tôi mắc được nước máy thì phấn khởi lắm, thấy nước trong, được sát trùng bằng clo rất yên tâm. Mấy năm trở lại đây thấy nước sông ngày càng ô nhiễm, nhà máy nước cứ hút nước ấy lên sản xuất nước máy cho dân chúng tôi dùng. Lo lắng về sự ảnh hưởng sức khoẻ từ nguồn nước, gia đình tôi đa xây bể 20 m3 để chứa nước mưa, phục vụ ăn uống quanh năm, nước máy chỉ để rửa ráy, sinh hoạt.
Nước cả dòng sông Cửu An, khu vực xã Tân Trào đen đặc, bốc mùi khó chịu. |
5 xã khu vực phía bắc huyện Thanh Miện gồm các xã Lê Hồng, Đoàn Kết, Tân Trào, Hồng Quang và Ngô Quyền có trên 21.000 người dân sử dụng nước máy của 2 trạm sản xuất nước sạch nông thôn. Hai Trạm sản xuất nước sạch xã Lê Hồng và Trạm sản xuất nước sạch xã Đoàn Kết (đều lấy nước sông Cửu An) thuộc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hưng Đạo, có trụ sở công ty tại xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Ông Phạm Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: Xã chúng tôi có 3.357 (chiếm gần 50% nhân khẩu) người dân dùng nước máy của Trạm sản xuất nước sạch Từ Ô (xã Tân Trào). Nước sông Cửu An mấy năm gần đây ô nhiễm đổ về khiến cá chết, người dân rất lo bởi đây là nguồn nước để sản xuất nước máy cho xã Tân Trào và các xã lân cận. Nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm đã được cử tri phản ánh, kiến nghị qua các kỳ họp HĐND xã và các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND huyện và HĐND tỉnh. Hằng tháng Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn vẫn gửi cho xã kết quả xét nghiệm mẫu nước máy với 10 chỉ số hoá lý. Hầu hết các chỉ số đều đạt. Tuy nhiên do nước sông Cửu An quá ô nhiễm nên người dân vẫn băn khoăn, lo lắng không dám dùng nước máy làm nước ăn uống. Hầu hết người dân sử dụng nước mưa để ăn uống. Một số hộ dùng nước máy để nấu ăn đều phải mua máy lọc nước RO để lọc lại.
Sông Cửu An bị ô nhiễm không chỉ ở đầu nguồn đổ về, hai bên bờ sông có hàng nghìn hộ dân có chuồng trại chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi cá xả thẳng chất thải chăn nuôi xuống sông. Trạm sản xuất nước sạch thôn Hoành Bồ (xã Lê Hồng) có điểm hút nước cách nguồn nước bẩn của vùng chuyển đổi, nơi xả thải từ chăn nuôi lợn khoảng 60 m. Rõ ràng sự ô nhiễm dòng sông ảnh hưởng đến an toàn nguồn nước sinh hoạt. Nước máy nhìn thì trong nhưng các chất hoà tan, trong đó có nhiều chất độc hại từ các doanh nghiệp thải ra thì các trạm cấp nước nhỏ, công nghệ bình thường trạm Lê Hồng và Tân Trào khó kiểm soát được.
Cần sớm chuyển đổi nguồn nước
Vì sức khoẻ người dân, đồng thời đứng trước sự ô nhiễm ngày càng tăng của hệ thống sông thuỷ nông, ngày 24-10- 2014, UBND tỉnh Hải Dương ra Quyết định về việc Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới cấp nước sạch tỉnh Hải Dương tới năm 2020 và định hướng tới 2025. Theo đó UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo không sử dụng nguồn nước sông thuỷ nông, sông nội đồng để sản xuất nước sạch. Việc chuyển nguồn của các trạm cấp nước nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh tới năm 2018 phải được thực hiện. Các trạm cấp nước nông thôn đang sử dụng nguồn nước thô thuộc hệ thống thuỷ nông phải chuyển nguồn sản xuất nước sạch lấy từ các sông lớn hặc mua lại nước sạch của các cơ sở có điều kiện, bảo đảm nước sạch đạt Quy chuẩn 01/2009/QĐ-BYT của Bộ Y tế để phục vụ người dân khu vực nông thôn.
Trạm nước sạch Tân Trào hút nước sông ô nhiễm để sản xuất nước máy cho dân. |
Ông Bùi Hữu Tiếp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Miện cho biết, trong những năm qua, thực hiện chủ trương đưa nước sạch về các vùng nông thôn, các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch và các cấp chính quyền huyện Thanh Miện đã nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai lắp đặt hệ thống cung cấp nước. Đến nay, 14 trong tổng số 19 xã, thị trấn của huyện đã có nước sạch đạt Quy chuẩn 01/2009/QC-BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên hiện nay, nước máy ở 5 xã Lê Hồng, Đoàn Kết, Tân Trào, Hồng Quang và Ngô Quyền mới đạt Quy chuẩn 02/2009/QC-BYT. Huyện phối hợp với Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã tổ chức các đoàn kiểm tra nguồn nước trước và sau các trạm cấp nước; tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp chuyển nguồn nước đầu vào nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân. Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hưng Đạo, đơn vị quản lý 2 trạm cấp nước Lê Hồng và Tân Trào đã cũng hứa chậm nhất trong năm 2018 chuyển đổi xong nguồn nước từ nguồn sông lớn.
Theo chúng tôi được biết, tới nay, công ty này đang cung cấp nước máy cho người dân hơn chục xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhưng hầu hết vẫn sử dụng nguồn nước đầu vào của hệ thống Bắc-Hưng-Hải đang ô nhiễm nặng.
Trần Tuấn