Thanh, kiểm tra đất đai trong năm 2015: Trọng tâm là các dự án phát triển nhà ở

22/01/2015 00:00

(TN&MT) - Năm 2015, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ TN&MT xác định là công tác thanh, kiểm tra, trong đó có lĩnh vực đất đai

   
(TN&MT) - Năm 2015, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ TN&MT xác định là công tác thanh, kiểm tra, trong đó có lĩnh vực đất đai – một lĩnh vực “nhạy cảm” nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và Sử dụng đất đai, đơn vị thực hiện chức năng thanh kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai.
   
PV: Xin ông cho biết một số kết quả của công tác thanh, kiểm tra năm 2014 của Tổng cục Quản lý đất đai và Cục ?
   
Ông Trần Hùng Phi: Trong năm 2014, Tổng cục Quản lý đất đai đã tổ chức 3 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất trong việc đầu tư thực hiện dự án khu đô thị, khu nhà ở của 9 tổ chức tại tỉnh Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội và đã phát hiện 6 dự án có vi phạm. Trong đó, có 6 dự án chậm sử dụng đất hoặc chậm tiến độ xây dựng; 01 dự án không xây nhà ở mà phân lô bán nền sai quy định; 02 dự án đã bán nhà ở nhưng chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho các hộ mua nhà ở.
   
Ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai
   
  Ngoài ra, ngay sau khi thành lập Cục vào cuối năm 2014, Cục đã kiểm tra đột xuất theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về tình hình cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở tại 14 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội. Cục đã đã phát hiện và kiến nghị xử lý 12 dự án vi phạm; trong đó có 09 dự án có vi phạm quy định về xây dựng; 07 dự án vi phạm quy định của pháp luật đất đai; 05 dự án có tồn tại, vi phạm về nghĩa vụ tài chính về đất đai. Rất hiệu quả là, cuối năm 2014, Hà Nội đã đẩy mạnh và cấp đạt hơn 100% kế hoạch về cấp GCN tại các dự án nhà ở.
   
  Ngoài ra, Cục cũng thí điểm kiểm tra việc quản lý sử dụng đất với 3 Khu Kinh tế ở 3 tỉnh Lạng Sơn, Long An và Trà Vinh phát hiện ra các địa phương chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai đối với Khu Kinh tế. Cụ thể, trước đây, khi có quyết định thành lập Khu Kinh tế thì phải lập quy hoạch chi tiết và các giai đoạn và tỉnh phải giao toàn bộ đất cho Ban quản lý Khu Kinh tế theo quy hoạch được duyệt, các Ban quản lý Khu này sẽ giao lại cho từng chủ dự án, nhưng hầu hết các tỉnh lại giao trực tiếp cho doanh nghiệp. Còn như tỉnh Trà Vinh, qua kiểm tra cho thấy chưa làm thủ tục giao đất cho Ban quản lý Khu Kinh tế, mà tỉnh vẫn tiến hành giao đất từng dự án cụ thể . Dự kiến, trong năm 2015, Cục tiếp tục tiến hành kiểm tra các Khu kinh tế để có kết luận toàn diện hơn để kiến nghị Chính phủ về cơ chế, chính sách liên quan quản lý các Khu Kinh tế trên địa bàn cả nước.
   
PV: Vậy trọng tâm trong năm 2015 của Cục là gì, thưa ông?
   
Ông Trần Hùng Phi: Trong năm 2015, trọng tâm của Cục là đẩy mạnh hoạt động tổ chức thanh, kiểm tra thi hành Luật Đất đai đối dự án phát triển nhà ở. Theo đó, ngay từ đầu năm 2015, Bộ trưởng đã có Công văn yêu cầu các địa phương, tập trung kế hoạch thanh, kiểm tra về các dự án nhà ở, trên cơ sở đó vào cuối năm các khi địa phương có báo cáo gửi Bộ, Bộ sẽ có báo các và đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp để giải quyết triệt để các sai phạm.
   
  Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2015, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã có Quyết đinh về việc nhận thông tin phản ánh về các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai của cơ quan và cán bộ, công viên chức và người sử dụng đất nhằm tăng cường việc phát hiện và xử lý các sai phạm ở địa phương ở đất đai mà Cục có trách nhiệm tiếp nhận và trình Tổng cục, Bộ về giải quyết các vấn đề này.
   
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ TN&MT xác định trong năm 2005 là công tác, thanh kiểm tra trong lĩnh vực đất đai. Ảnh: Hoàng Minh
   
PV: Ông có thế cho biết kỹ hơn về Quyết định của Bộ trưởng và công việc của Cục theo Quyết định?
   
   Ông Trần Hùng Phi: Quyết định của Bộ trưởng yêu cầu thông tin phản ánh về các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai được tiếp nhận bao gồm: phản ánh về vi phạm pháp luật đất đai của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện các nhiệm vụ như lập, điều chỉnh, công bố, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đo đạc địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp GCN, xây dựng hồ sơ địa chính; thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thực hiện các nội dung khác của quản lý nhà nước về đất đai.
   
  Theo đó, trường hợp thông tin phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương thì trong thời gian không quá 5 ngày làm việc (kể từ thời điểm nhận được báo cáo), vấn đề thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Cục sẽ đề nghị gửi văn bản yêu cầu tỉnh, thành phố nơi có vụ việc phản ánh kiểm tra, thanh tra giải quyết theo quy định và thông báo cho người phản ánh biết kết quả.
   
  Thực tế, Quyết định của Bộ trưởng nhằm đáp ứng yêu cầu giám sát về quản lý đất đai của người dân theo quy định của Luật Đất đai 2013. Theo đó, với phản ảnh của người dân theo đúng trình tự Cục sẽ trình Bộ có Văn bản chỉ đạo các địa phương xử lý đối với dự án vi phạm mức độ nhẹ; đối dự án lớn, phức tạp, Cục sẽ lên kế hoạch tiến hành thanh, kiểm tra xử lý vi phạm. Điều này, có ý nghĩa lớn trong việc tự bản thân người sử dụng và các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm hơn trong vấn đề chấp hành pháp luật đất đai.
   
  Ngoài ra, Quyết định cũng tạo một kênh thông tin về quản lý đất đai cả nước để Cục, Tổng cục lên kế hoạch thanh, kiểm tra các năm tiếp theo, bởi lâu nay nắm thông tin rất khó, nhiều khi lên kế hoạch thanh kiểm tra nhưng xuống địa phương thì mới biết dự án chưa thành lập, chưa giao đất…
   
Trường Giang (thực hiện)
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh, kiểm tra đất đai trong năm 2015: Trọng tâm là các dự án phát triển nhà ở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO