Trao đổi với Báo Người Lao Động vào tối ngày 14-9, ông Vi Hồng Long, Chủ tịch UBND xã Thanh Quân (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), cho biết vị trí xảy ra sạt lở núi trong lúc xảy ra mưa lớn ngày 14-9 thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An giáp với địa bàn của xã. Từ trung tâm làng Chiềng Cà 2 (xã Thanh Quân) đi tới hiện trường phải mất 12-15 km, đường rừng dựng đứng, trơn trượt do ở đây nhiều ngày qua có mưa lớn.
“Tất cả những người gặp nạn đều là người dân thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, họ vào rừng hái măng, sau đó luộc rồi cho lên bếp sấy khô mới mang về bán nên thường ở lại trong rừng nhiều ngày mới về. Thời điểm xảy ra tai nạn, có 3 lán trại ở gần nhau. Một lán có 3 người, lán có 4 và lán 6 người, trong đó lán 4 người và 6 người ở gần nhau. Khi đất đá ập xuống, lán 6 người đều bị vùi lấp, lán 4 người bị 1 người, lán 3 người may mắn thoát nạn” - ông Long cho biết.
Đất đá và cây rừng bật gốc còn sọt lại khi nước lũ tràn qua |
Danh tính 7 người gặp nạn gồm: ông Vi Đình Khoa (SN 1978, đã tử vong), anh Lương Văn Thoại (SN 1994, đã tử vong); các chị Vi Thị Nội, Vi Thị Thay, Vi Thị Thong, Vi Thị Tin, Vi Thị Doan hiện đang mất tích. Tất cả những người này đều ngụ thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân.
Tại hiện trường nơi xảy ra sạt lở, lán trại của người dân được dựng sát bờ suối đã không còn, chỉ còn sót lại những thân cây luồng, đất đá trên núi tràn xuống vùi lấp khắp nơi. Nhiều cây rừng rất to bật gốc nằm ngổn ngang dưới lòng suối. Một số người tại hiện trường cho biết, họ đã cố gắng tìm kiếm nhưng chỉ thấy 2 người đã chết và một phần thi thể (cẳng chân) của 1 người cùng một ít tóc dài.
Địa điểm nơi người dân dựng lán trại bị sạt lở núi vùi lấp |
Do đêm tối, cộng với thời tiết dễ có mưa tiếp nên lực lượng cứu hộ đã tạm thời dừng tìm kiếm rút ra ngoài. Công tác tìm kiếm sẽ được triển khai trở lại vào sáng sớm ngày 15-9.
Ông Lê Sỹ Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa), cho biết khi xảy ra sự việc huyện đã huy động tất cả các ngành phối hợp với UBND xã Thanh Quân băng rừng lội suối vào hiện trường để tìm kiếm các nạn nhân mất tích. “Chúng tôi đã huy động hơn 100 người tiếp cận hiện trường, đồng thời cử 1 đoàn sang Nghệ An để phối hợp tìm kiếm. Bước đầu huyện đã hỗ trợ mỗi người chết 7 triệu đồng để lo hậu sự” - ông Nghiêm nói.
Ông Lê Sỹ Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân (thứ 2 từ phải qua), đang thăm hỏi động viên ông Lương Văn Loan, gia đình có con trai đã chết và vợ đang mất tích |
Như Báo Người Lao Động đã thông tin vào khoảng 3 giờ sáng ngày 14-9, tại khu vực núi Sơn giáp ranh 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã xảy ra vụ sạt lở núi nghiêm trọng vùi lấp nhiều người dân đi hái măng rừng đang ngủ lại trong rừng. Hậu quả đã có 2 người chết, 5 người đang mất tích và 6 người may mắn thoát chết. Tất cả những người gặp nạn đều ngụ xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Theo Báo Người lao động