Thanh Hóa: Quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông để phát triển kinh tế - xã hội

Thu Thủy (Thực hiện)| 27/05/2021 10:21

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện có hiệu quả các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông. Để hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc phỏng vấn với ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

PV: Thanh Hóa là một trong những tỉnh đi đầu và thực hiện tốt việc đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cụ thể là cát, sỏi lòng sông. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể đã đạt được trong những năm qua?

Ông Lê Đức Giang:

Thanh Hóa là một trong những tỉnh có khoáng sản cát, sỏi lòng sông với trữ lượng tương đối lớn, tập trung ở các con sông lớn là sông Mã, sông Chu và một số sông nhánh như sông Lò, sông Luồng, sông Âm, sông Bưởi, sông Đằn, sông Lạch Bạng… Theo Quy hoạch cát, sỏi lòng sông tỉnh Thanh Hóa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5368/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 và Quyết định số 4343/QĐ-UBND ngày 14/10/2020, toàn tỉnh có 117 mỏ, điểm mỏ cát, sỏi với trữ lượng khoảng 13,11 triệu m3, là nguồn vật liệu quan trọng phục vụ xây dựng hạ tầng, giao thông, dân dụng trên địa bàn tỉnh.

Về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản các mỏ cát, Thanh Hóa là một trong những tỉnh đi đầu và thực hiện tốt việc đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản, mà cụ thể là cát, sỏi lòng sông. Ngay từ thời điểm trước khi Luật Khoáng sản 2010 ra đời, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế tạm thời về việc “Đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác của UBND tỉnh tại Quyết định số 2261/2010/QĐ-UBND ngày 28/6/2010” và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản các mỏ cát từ cuối năm 2010.

Tiếp đó, thực hiện theo quy định Luật Khoáng sản 2010 và các Nghị định liên quan, UBND tỉnh đã ban hành các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công 25 mỏ cát, trong đó 24 mỏ đơn vị trúng đấu giá đã nộp đầy đủ tiền và được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, 1 mỏ đã hủy kết quả trúng đấu giá do đơn vị trúng đấu giá đề nghị hủy kết quả. Tăng ngân sách cho Nhà nước qua số tiền thu về từ đấu giá các mỏ cát đến nay là 101,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với các mỏ cát đã được cấp phép khai thác trước đó, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với mức giá bằng giá khởi điểm để đấu giá (20% giá tối thiểu tính thuế tài nguyên), đóng góp vào ngân sách Nhà nước 60,6 tỷ đồng.

PV: Được biết, năm 2021 tỉnh Thanh Hóa có 24 mỏ khoáng sản chưa được đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu, thưa ông?

Ông Lê Đức Giang:

Đối với 24 mỏ khoáng sản chưa được đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong năm 2021, theo Báo cáo của Sở TN&MT khi phối hợp với các ngành, UBND các huyện liên quan và đề xuất tại Công văn số 9025/STNMT-TNKS ngày 25/12/2010 là 26 mỏ (14 mỏ đất, 9 mỏ đá, 3 mỏ cát). Tuy nhiên, theo ý kiến của Sở NN&PTNT và UBND các huyện thì một số mỏ chưa đánh giá được các tác động đến đất rừng sản xuất của người dân, đê điều, bờ bãi sông, nhu cầu vật liệu… nên hiện nay các ngành vẫn đang rà soát và sẽ đề xuất UBND tỉnh đưa vào đấu giá trong năm 2021 đối với các mỏ đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải trải qua nhiều bước, thời gian dài. Trong khi hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nhiều dự án giao thông, xây dựng, cần khối lượng vật liệu đất, cát lớn như Dự án đường bộ cao tốc, đường bộ ven biển, đường kết nối từ Khu du lịch Bến En đến đường cao tốc, đường từ Bỉm Sơn đi Hoằng Hóa, Quảng trường biển Sầm Sơn, san lấp các Khu công nghiệp…

Chính vì vậy, song song với việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, UBND tỉnh cũng đã giao các ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu đưa một số mỏ trong Quy hoạch được xác định khai thác để phục vụ các dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách Nhà nước vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác, đảm bảo tiến độ để phục vụ các dự án trọng điểm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Công tác quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông dần đi vào nền nếp

PV: Về lâu dài, để quản lý, giám sát hiệu quả việc khai thác cát, sỏi, tỉnh Thanh Hóa cần thực hiện những giải pháp gì?

Ông Lê Đức Giang:

Để quản lý có hiệu quả tài nguyên cát, sỏi lòng sông, những năm qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Chỉ thị tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; tăng cường công tác quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cát, sỏi trong việc thi công các công trình trên địa bàn; Chỉ thị về không sử dụng cát, sỏi tự nhiên để san lấp mặt bằng công trình, đắp đường giao thông.

Cùng với đó, lập Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Xây dựng Quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh trong công tác giám sát, kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến công tác quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông...

Trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện phải bám sát các quy định pháp luật đã được ban hành như: Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản…; Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các văn bản chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời, gắn trách nhiệm và xử lý người đứng đầu, cấp phó trong cơ quan Nhà nước nếu để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn trong các quy định và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nhân tạo để thay thế dần cho cát tự nhiên.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông để phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO