Xã hội

Thanh Hóa: Những “quyết sách” giảm nghèo khu vực miền núi

Thu Thủy 30/10/2023 - 12:58

Trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án Chương trình với trọng tâm là công tác đói giảm nghèo, đưa các huyện miền núi phát triển, thu hẹp dần khoảng cách với miền xuôi, qua đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của 11 huyện miền núi.

Những “quyết sách” hiệu quả

Cùng với các chính sách phổ quát, bao trùm được triển khai trên diện rộng như Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...; tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, hướng đến các đối tượng cũng “đặc thù” không kém. Điển hình trong đó phải kể đến Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, tỉnh Thanh Hóa”; Đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội 3 bản dân tộc Mông, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”; Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; Đề án “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”..

z4829920639389_35e6b7e9d16ccd793ca00ee078fedb82.jpg
Nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, khu vực các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa giờ đây đang “thay da đổi thịt”

Ngoài các chính sách riêng có, đã triển khai và mang lại nhiều kết quả tích cực kể trên, không thể không nhấn mạnh đến một chính sách có “sức nặng”, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, từng bước đưa công cuộc giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa nói chung, khu vực miền núi nói riêng, cán đích các mục tiêu lớn. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”.

Một quyết sách kéo dài 7 năm, thành quả đạt được có lẽ không thể ấn tượng hơn: Tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi luôn cao hơn 1,8 lần bình quân chung toàn tỉnh (trong đó, riêng 7 huyện nghèo là Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân tốc độ này cao gấp 2,2 lần bình quân chung toàn tỉnh). Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2013-2015 bình quân giảm 5,5%/năm (giảm 11.388 hộ) và giai đoạn 2016-2019 giảm 4,62%/năm (giảm 44.491 hộ). Thu nhập bình quân/người/năm đạt 33,1 triệu đồng (năm 2020) và gấp 3,31 lần so với năm 2012. Đặc biệt, năm 2018 huyện Như Xuân đã thoát khỏi diện huyện nghèo và là 1 trong 8 huyện của cả nước thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Ngoài ra, đã có 592/1.787 thôn, bản miền núi (sau khi sáp nhập) đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 33,12%); 63/225 xã miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 28%).

z4829920631930_8a4705653039baccd1e63478cad4eaee.jpg
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xây dựng và ban hành chính sách phát triển cho khu vực 11 huyện miền núi

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững và bao trùm, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xây dựng và ban hành chính sách phát triển cho khu vực 11 huyện miền núi. Theo đó, ngày 23-7-2021, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Chương trình đề ra các mục tiêu phổ quát và toàn diện, trong đó lấy việc tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi - mục tiêu căn bản.

Khu vực miền núi “thay da đổi thịt”

Nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, khu vực các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa giờ đây đang “thay da đổi thịt” từng ngày, những nương sắn, đồi ngô, ruộng lúa bậc thang, cánh rừng xoan, lát xanh ngút ngàn trải dài tít tắp… tất cả như minh chứng cho cuộc sống ấm no đang hiện hữu. Hàng ngàn hộ dân từ cảnh nghèo đói đã có sự bứt phá, nỗ lực vươn lên để thoát nghèo.

z4829920630171_7e72cc168666c41ddd06282e84d8ab2a.jpg
Nhiều mô hình phát triển kinh tế tại Thanh Hóa

Tiêu biểu như gia đình ông Phạm Văn Quý ở thôn Lương Thiện, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Năm 2016 được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản, được vay vốn hỗ trợ sinh kế, vợ chồng ông đã đầu tư nuôi thêm các loại gia cầm. Với tính chịu thương chịu khó, lập kế hoạch thoát nghèo, sau 5 năm phát triển sản xuất, hiện gia đình ông đã nhân giống được 3 con bò; gần 200 con gà thương phẩm. Sau nhiều năm tích cóp gia đình ông cũng đã xây dựng được căn nhà mới khang trang và ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Nhờ nguồn vốn vay từ chương trình giảm nghèo, chị Hà Thị Dự, thôn La Ca, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước đã thực hiện thành công mô hình bảo tồn, phát triển vịt Cổ Lũng để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, cùng với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn vịt Cổ Lũng của gia đình chị Dự phát triển tốt, hiện chị đang nuôi gần 300 con cho hiệu quả kinh tế rất cao. Không dừng lại ở đó chị Hà Thị Dự còn đến vận động các hộ dân trong bản sống cạnh suối Nủa cùng chị nuôi vịt Cổ Lũng, gia đình chị sẽ cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng chuồng trại, chăm sóc…

Ông Lê Văn Tình xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân cho biết: Từ khi có các chính sách của Nhà nước hỗ trợ các chương trình giảm nghèo cho huyện, gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi và trồng rừng phát triển kinh tế… Từ một hộ nghèo đến nay, gia đình đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Cấp ủy chi bộ chỉ đạo về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các gia đình có trang trại, chăn nuôi, trồng cây ăn quả thì tận dụng đất đai, bà con nhân dân phát huy tinh thần xóa đói giảm nghèo bền vững từng bước được nâng lên rõ rệt, về xóa đói giảm nghèo nhìn chung”.

z4829920618756_587cb98ec26dd75e85cee3a11ceb2aab.jpg
Hàng ngàn hộ dân từ cảnh nghèo đói đã có sự bứt phá, nỗ lực vươn lên để thoát nghèo

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi Thanh Hóa đạt 38,12 triệu đồng (năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% (giảm 4,81 %, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 21% xuống còn 17,07% (giảm 3,93%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 27,23% xuống còn 19,86% (giảm 7,37%); tỷ lệ trường lớp học được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 89,7%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 93,1%; tỷ lệ số trạm y tế có bác sĩ đạt 91,4%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 74%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,2%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,6%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 100%...

Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa: Dẫu còn nhiều việc phải làm, song thực tiễn nhiều năm thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi chứng minh rằng, khi công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng, tăng cường thì địa phương đó có nhiều nghị quyết thiết thực, phù hợp, nhanh chóng được triển khai và phát huy hiệu quả, giúp cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do vậy, để tiếp tục triển khai thực hiện thành công hơn nữa chương trình này, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Những “quyết sách” giảm nghèo khu vực miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO