Thanh Hóa: Nhiều bất cập trong tái định cư ở các vùng dự án thủy điện

01/04/2015 00:00

(TN&MT) - Cả chục nghìn hộ dân tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện phải chuyển đến các khu tái định cư (TĐC), thế nhưng ở các khu TĐC này vẫn tồn...

(TN&MT) - Tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Thanh Hóa có 14 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy 730 MW, trong đó có một dự án đã hoàn thành, 7 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng và 6 dự án đang trong quá trình hoàn thiện nội dung dự án đầu tư. Cả chục nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án phải chuyển đến các khu tái định cư (TĐC), thế nhưng ở các khu TĐC này vẫn tồn tại nhiều bất cập khiến người dân chẳng thể mặn mà với dự án, thậm chí các khu TĐC còn “góp phần” cho cuộc sống của họ khốn khó hơn.
 
Người dân ngán TĐC
 
Trong 14 dự án thủy điện tại Thanh Hóa, ngoài dự án thủy điện Cửa Đạt đã hoàn thành công tác di dân – TĐC năm 2004 thì hiện nay khối lượng thực hiện di dân – TĐC chủ yếu ở 7 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng trong đó tập trung ở nhóm các dự án lớn như: Trung Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước 1, Bá Thước 2. Riêng dự án thủy điện Trung Sơn có tới 2.327 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 613 hộ phải thực hiện TĐC, có 4 khu TĐC được xây dựng (3 khu TĐC tại tỉnh Thanh Hóa và 1 khu TĐC tại tỉnh Sơn La), ngoài ra có 64 hộ thực hiện TĐC theo hình thức di vén.
 
 
Khu TĐC dự án thủy điện Trung Sơn chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân
Khu TĐC dự án thủy điện Trung Sơn chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân
 
 
Theo ghi nhận của PV, tại khu TĐC số 1 của dự án thủy điện Trung Sơn tại bản Tà Pán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa thì khu TĐC này được đưa lên tận đỉnh Pom Pa Púa, khó khăn cho việc đi lại, cách rất xa nguồn nước. Hơn nữa, mỗi khuôn viên nhà lại được thiết kế liền kề theo dạng bậc thang với mái taluy cao từ 2 – 3 m. Anh Vi Văn Phú ở bản Tà Pán bức xúc với khu TĐC cho biết: Tập quán của người dân chúng tôi là xây dựng nhà gần suối, hoặc các điểm tiện lấy nước để sinh hoạt, chăn nuôi trồng trọt, bây giờ dự án đưa dân lên khu TĐC này là không phù hợp với tập quán, phong tục của bà con. Khoảng cách taluy quá cao, lại thiết kế dạng bậc thang nóc nhà nọ vào chân nhà kia không đảm bảo vệ sinh và mất an toàn vào mùa mưa bão. Cùng với đó, mỗi hộ chỉ nhận được 250 m2 – 350 m2 đất ở chưa đủ để dựng nhà chứ nói gì đến nuôi con gà, con lợn, còn đất vườn canh tác trồng trọt lại tách xa sang một quả núi khác càng khiến người dân ngán ngẩm với dự án.
 
 
Nhiều hộ dân đi chẳng được ở chẳng xong với dự án thủy điện Hồi Xuân
Nhiều hộ dân đi chẳng được ở chẳng xong với dự án thủy điện Hồi Xuân
 
 
Trở lại với khu TĐC của dự án thủy điện Cửa Đạt tại xã Thanh Tân, Thanh Kỳ huyện Như Thanh đã hoàn thành từ năm 2004, hơn 10 năm kể từ khi người dân chuyển đến đây là 10 năm dài đằng đẵng sống trong cảnh lo âu, thiếu thốn trăm bề. Anh Lê Đình Sáng cho biết: Gia đình anh chuyển về đây sinh sống từ đầu những năm 2003. Thế nhưng, oái ăm là nơi ở mới lại không bằng nơi ở cũ và có nhiều bất cập nên khiến đông đảo người dân bức xúc. Hàng trăm người dân tái định cư nhưng lại chỉ có 16 cái giếng đào và 15 giếng bà con phải hạ đáy vì không có nước. Muốn có nước sinh hoạt thì phải xây bể trữ nước mưa hoặc đi xin cách đó rất xa khiến cá hộ dân cơ cực. Nước sinh hoạt đã vậy nhưng nước sản xuất, cấy hái còn “khát” hơn rất nhiều. Vụ vừa rồi do thiếu nước nên gia đình anh chỉ đạt 25 kg/sào. Cùng với đó là diện tích canh tác chỉ có 200 m2/khẩu càng khiến các hộ tái định cư lâm vào con đường cùng. Khát nước, thiếu đất, thiếu ăn nên vài chục nhân khẩu khu tái định cư phải tự tìm cách cứu mình bằng con đường tha phương.
 
 
Sau 10 năm TĐC thủy điện Cửa Đạt tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 30%
Sau 10 năm TĐC thủy điện Cửa Đạt tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 30%
 
 
Rồi dự án thủy điện Hồi Xuân, có tới 431 hộ phải TĐC theo hình thức xen ghép nhưng trải qua nhiều năm xây dựng, đào đắp, người dân “càng chờ càng không thấy”, nhiều hộ ở bản Tân Xuân, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa nhà cửa hư hỏng, dột nát nhưng chẳng thể sửa chữa, cơi nới, bà con đồng bào muốn đi cũng chẳng được mà ở cũng chẳng xong.
 
Nguyên nhân vì đâu?
 
Theo Báo cáo của Sở NN&PTNT Thanh Hóa: Công tác di dân TĐC dự án thủy điện Cửa Đạt diễn ra trong vùng kinh tế gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước và điều kiện tự nhiên, do đó tình hình phát triển sản xuất và đời sống của bà con nhân dân vẫn gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, nhiều công trình như hệ thống giao thông, thủy lợi xuống cấp, không được tu sửa. Do đặc thù các dự án thủy lợi, thủy điện chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi, đồi núi dốc nên việc quy hoạch mặt bằng xây dựng các khu TĐC khá khó khăn. Cùng với đó, đa số dự án mới chỉ quan tâm đến việc đâu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa nhân dân tới nơi ở mới mà chưa quan tâm nhiều đến xây dựng phương án sản xuất, hỗ trợ sản xuất việc thực hiện chính sách phát triển sản xuất còn thiếu đồng bộ, tỷ lệ đầu tư cho sản xuất thấp, thời gian hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế của từng dự án. Ngoài ra, diện tích nhà ở tại các khu TĐC hầu hết nhỏ hơn nơi ở cũ, khi chưa TĐC các hộ dân ít nhất cũng có 1 – 2 ha đất để trồng trọt, chăn nuôi, khi đến khu TĐC do quỹ đất hạn chế nên diện tích bố trí cho bà con sản xuất là thấp hơn và chất lượng đất canh tác cũng xấu hơn.
 
Đó là chưa kể, thiết kế khu TĐC theo kiểu liền kề quá gần nhau do hạn chế của quỹ đất ở là chưa phù hợp với phong tục, tập quán của người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ, đào tạo và phát triển sinh kế bền vững của các dự án còn thiếu hoặc nếu có chưa sát với thực tế nguyện vọng của người dân.
 
 
Khu TĐC khang trang của dự án thủy điện Bá Thước 1,2 đã và đang đáp ứng được sự phát triển bền vững cho người dân
Khu TĐC khang trang của dự án thủy điện Bá Thước 1,2 đã và đang đáp ứng được sự phát triển bền vững cho người dân
 
 
Thiết nghĩ, để công tác di dân – TĐC ở các dự án thủy điện được phát triển một cách bền vững, cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương cần nghiên cứu xây dựng một khung chính sách chung, thống nhất áp dụng cho công tác di dân – TĐC trong các dự án thủy điện. Theo đó, giải quyết vấn đề quỹ đất và nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, ổn định với nơi ở mới, việc tạo sinh kế bền vững cho người dân TĐC phải được ưu tiên hàng đầu có như vậy mới tránh được những rủi ro do di dân – TĐC gây nên.
 
Bài & ảnh: Nguyễn Dũng - Anh Tú
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Nhiều bất cập trong tái định cư ở các vùng dự án thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO