Trước thực trạng này, tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước, từng bước siết chặt, lập lại trật tự trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Đấu giá tăng thu ngân sách
Theo đó, nhằm tăng thu ngân sách của Nhà nước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 98/2016/QĐ-UBND quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Từ đó, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ hoạt động đấu giá đã được triển khai có hiệu quả tại các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng thu ngân sách của Nhà nước đối với lĩnh vực khai khoáng. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được cụ thể hóa tại Luật Khoáng sản và các Nghị định.
Thanh Hóa từng bước siết chặt, lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác khoáng sản
Thực tế cho thấy, việc cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã lựa chọn được những tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia vào hoạt động khai thác khoáng sản, có cam kết chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm; đầu tư công nghệ khai thác thân thiện môi trường. Đồng thời, góp phần xóa bỏ được cơ chế “xin - cho”, phát huy được giá trị tiềm năng của khoáng sản, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản và tăng thu ngân sách của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, riêng trong năm 2022, Sở TN&MT Thanh Hóa đã hoàn thành công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản 3 mỏ cát được UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá gồm: mỏ cát số 160a, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa; mỏ cát số 177, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước; mỏ cát số 211, xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn. Đã trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá: 27 mỏ, đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt phương án đấu giá 16 mỏ.
Cũng trong năm 2022, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện kiểm tra công tác lắp trạm cân tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo Thông báo số 40/TB-STNMT ngày 15/3/2022. Thực hiện 23 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, các thông tin phản ánh về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra đã thông tin kịp thời báo cáo UBND tỉnh nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Qua những đợt thanh tra, kiểm tra, Sở đã phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác quản lý
Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt theo thẩm quyền 16 vụ với tổng số tiền 2,619 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số đơn vị, cá nhân khai thác trái phép, ra ngoài mốc giới mỏ được cấp, hiện cơ quan công an đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định như: Công ty Đức Lộc khai thác cát vượt công suất, trữ lượng, ngoài mốc giới tại mỏ cát số 41 xã Quý Lộc, huyện Yên Định; Công ty Tân Hải, khai thác ra ngoài mốc giới mỏ được cấp tại mỏ đá vôi xã Hà Tân, huyện Hà Trung; Công ty TNHH Phú Sơn, khai thác ra ngoài mốc giới mỏ được cấp tại mỏ đá vôi xã Nga An, huyện Nga Sơn...
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, bước sang năm 2023, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản đến các cấp chính quyền huyện, xã và người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản trong nhân dân; Thông tin, tin truyền về chủ trương, chính sách mới của Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản, công tác đấu giá các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp: 558 giấy phép khai thác; 292 giấy phép thăm dò; đóng cửa: 163 mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép đảm bảo theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Trong đó, Giấy phép khai thác khoáng sản còn hạn là 320; cấp phép thăm dò, thăm dò mở rộng, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với 107 mỏ.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2023 (Dự kiến từ 40 - 50 đơn vị khai thác đất san lấp, đá làm vật liệu xây dựng thông thường), tiến hành kiểm tra chuyên đề về trữ lượng, công suất khai thác. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Giải tỏa triệt để các hoạt động tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn. Dự kiến tổ chức đấu giá ít nhất 10 mỏ khoáng sản: Đất, đá, cát. Cấp phép khai thác mỏ đất san lấp đã có trong quy hoạch để kịp thời cung cấp vật liệu cho Dự án đường cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa và các dự án quan trọng khác trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát, kiên quyết thu hồi giấy phép đối với các đơn vị vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hoạt động khoáng sản; yêu cầu các đơn vị đã hết hạn giấy phép khai thác làm thủ tục đóng cửa mỏ theo đúng quy định.