Thanh Hóa: Kiểm soát chặt chẽ trong khai thác khoáng sản
Hiện nay một số tài nguyên khoáng sản khan hiếm như đất san lấp, cát xây dựng, đất sét làm gạch, đá vật liệu xây dựng dẫn đến nhiều hành vi trục lợi, vi phạm pháp luật về hoạt động trong khai thác khoáng sản. Trước tình trạng trên, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản, thực hiện các giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý, hạn chế thấp nhất việc xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Tăng cường công tác quản lý
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức về pháp luật, các quy định của Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản, nhằm hạn chế tối đa các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, đặc biệt là hành vi khai thác không đúng nội dung giấy phép được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 227 Bộ Luật Hình sự, như khai thác vượt công suất, vượt trữ lượng, vượt ngoài ranh giới giấy phép khai thác khoáng sản.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, việc thực hiện các nội dung trong giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, việc quản lý, kiểm soát sản lượng khoáng sản đã khai thác theo đúng mục đích sử dụng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; việc chấp thuận cho phép thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quá trình thực hiện các dự án, phương án thi công, hạ thấp độ cao, chống sạt lở, thi công công trình xây dựng, nạo vét... đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm, phải khẩn trương xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; đặc biệt, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động khoáng sản, cần trao đổi thông tin với cơ quan công an để theo dõi hoặc kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Thanh Hóa có tổng diện tích tự nhiên 11.129,48km2, đến nay toàn bộ phần diện tích đất liền đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đo vẽ lập bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 và phần lớn diện tích khu vực phía Tây của tỉnh đã được đo vẽ lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 với tổng diện tích đo vẽ là 6.472 km2.
Hiện nay Thanh Hóa có 320 Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp phép còn hiệu lực, gồm: Đá làm vật liệu xây dựng thông thường: 212 Giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 168,0 triệu m3; tổng công suất khoảng 8,5 triệu m3/năm; Cát làm vật liệu xây dựng thông thường: 28 Giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 6,7 triệu m3; tổng công suất năm 0,72 triệu m3/năm; Đất làm vật liệu san lấp: 53 Giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 43,2 triệu m3; công suất khai thác khoảng 5,3 triệu m3/năm; Quặng sắt, đồng: 2 Giấy phép; Đất sét làm gạch, phụ gia sản xuất phân bón 25 Giấy phép.

Các loại khoáng sản được thăm dò, khai thác trên địa bàn tỉnh chủ yếu thuộc nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trong đó nhóm khoáng sản làm xi măng (đá vôi, đá sét) đã được đầu tư khai thác, chế biến với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động (thuộc 4 nhà máy xi măng: Long Sơn, Bỉm Sơn, Công Thanh và Nghi Sơn).
Các giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý
Trong nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng có các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sét, đất san lấp) thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép của UBND tỉnh, trong những năm gần đây đã được đầu tư khai thác, chế biến bài bản và hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình khoảng 60 - 70 triệu đồng/người/năm.
Từ tháng 10/2023 đến tháng 2/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện 26 cuộc kiểm tra đột xuất. Qua đó, phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong đó, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 26 vụ với tổng số tiền 1.830 triệu đồng. Kiến nghị các sở, ngành, UBND các cấp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, khắc phục sơ hở, thiếu sót, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản chấp hành theo quy định của pháp luật. Đồng thời phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT để đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định; tiến hành đánh giá, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong đấu giá tài sản để sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản theo hướng có quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước... đối với các tài sản có tính đặc thù như quyền khai thác khoáng sản; đôn đốc các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản cập nhật dữ liệu, kết quả khai thác và sử dụng khoáng sản vào cơ sở dữ liệu về khoáng sản để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả kinh tế tài nguyên, theo các quy định của Luật Khoáng sản, Sở tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền làm cơ sở cấp phép hoạt động khoáng sản.