PV: Xin ông cho biết tình hình thiên tai, lũ lụt ở các huyện miền núi Thanh Hóa trong thời gian qua?
Ông Lê Đức Giang:
Khu vực miền núi Thanh Hóa có địa hình rất dốc, đồi núi cao xen kẽ giữa sông suối, hồ đập, đây cũng là khu vực hội tụ của nhiều trận mưa lớn hàng năm. Đặc biệt ở các vùng Bái Thượng, Cửa Đạt, Bát Mọt, Lang Chánh... là những vùng thường xuyên xảy ra những trận mưa lớn trong một thời gian ngắn, vì vậy rất dễ gây ra lũ quét và sạt lở đất.
Điển hình như đợt mưa lũ từ ngày 28 -31/8/2018 đã gây thiệt hại nặng nề cho các huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa làm 10 người chết, 2 người mất tích, 3 người bị thương. Có tới 287 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 807 nhà phải di dời khẩn cấp, 3.433 ha lúa bị thiệt hại; hàng chục nghìn mét đê bao, kênh mương bị sạt lở, cuốn trôi; nhiều trạm bơm, cống, hồ chứa và đập thủy điện bị hư hỏng, sạt lở. Các tuyến Quốc lộ, đường Tỉnh, đường Tuần tra biên giới bị sạt lở, hư hỏng, sa bồi… giá trị thiệt hại ước tính 1.882 tỷ đồng.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. |
Trong năm 2019, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây ra đợt lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát. Đợt thiên tai đã làm 16 người chết và mất tích; 382 nhà bị hư hỏng, sập đổ, 122 hộ phải di dời khẩn cấp, 766 ha lúa bị thiệt hại; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, hàng trăm mét kè bảo vệ đê, sông bị sạt lở; sạt lở taluy dương với khối lượng 404.000 m3 trên các tuyến Quốc lộ và nhiều tài sản khác, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 924 tỷ đồng.
Có thể thấy trong vài năm trở lại đây, khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa liên tục chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và môi trường.
PV: Được biết, Thanh Hóa là một trong 20 tỉnh, thành phố được Chính phủ giao thực hiện lập Bản đồ cảnh báo các vùng sạt lở đất. Vấn đề này được UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện đến đâu, thưa ông?
Ông Lê Đức Giang:
Để giảm thiểu thiệt hại do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đối với địa bàn các huyện miền núi, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa tại Quyết định số 3224/QĐ-UBND ngày 1/10/2014 và giao Sở TN&MT thực hiện gồm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 xây dựng trên địa bàn 15 xã thuộc 3 huyện Mường Lát (các xã: Mường Chanh, Quang Chiểu, Tam Chung, Trung Lý, Pù Nhi), Quan Hóa (các xã: Thanh Sơn, Phú Lệ, Nam Tiến, Hiền Chung, Hiền Kiệt), Quan Sơn (các xã: Sơn Thủy, Mường Mìn, Na Mèo, Tam Thanh, Trung Hạ). Giai đoạn 1 hoàn thành năm 2016 đã xây dựng được Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn và chi tiết đến 15 xã trên địa bàn các huyện trên, đến nay đã phục vụ tốt cho việc cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Bố trí tái định cư cho hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở huyện miền núi. |
Tiếp tục triển khai giai đoạn 2, UBND tỉnh đang giao Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện xây dựng 23 trạm quan trắc cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn 23 xã thuộc 7 huyện: Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Thường Xuân, Như Xuân và thành lập Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện trên, thời gian hoàn thành 2021 - 2022.
PV: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn khoảng trên 5.000 hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Vấn đề bố trí đất ở, tái định cư (TĐC) ổn định cuộc sống được UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện như thế nào?
Ông Lê Đức Giang:
Hiện, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn khoảng 5.000 hộ dân vùng ảnh hưởng thiên tai cần được bố trí ổn định trên địa bàn 14 huyện. Tập trung chủ yếu là các huyện miền núi như: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước. Trong đó, nhu cầu cần bố trí TĐC tập trung là 1.157 hộ dân, TĐC xen ghép là 1.428 hộ và ổn định tại chỗ là 2.513 hộ. Nhu cầu quỹ đất ở cần bố trí là 365.860 m2. Tuy nhiên, việc bố trí quỹ đất cho các hộ TĐC, nhất là các huyện miền núi có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, gặp rất nhiều khó khăn trong việc san lấp mặt bằng tái định cư. Mặt khác, những khu vực có khả năng bố trí TĐC thì đất đai đã được giao cho các hộ gia đình sản xuất lâu dài; việc lấy đất để xây dựng khu TĐC đòi hỏi chi phí bồi thường cao và ảnh hưởng đến đời sống của người dân sở tại.
Thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, trong đó giao cho các ngành phối hợp với UBND các huyện rà soát diện tích đất quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế không còn rừng và phần diện tích đất rừng nghèo kiệt phân bố manh mún trong vùng quy hoạch bố trí dân di cư tự do để chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định, tạo thêm quỹ đất thực hiện các dự án bố trí ổn định dân cư.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác bố trí dân cư đối với phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống giảm nhẹ thiên tai; vận động các hộ gia đình có quỹ đất tại các vùng an toàn ưu tiên, chuyển nhượng cho các hộ gia đình đang sinh sống tại vùng ảnh hưởng thiên tai. Chỉ đạo các địa phương rà soát quỹ đất để đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng, bố trí đất ở cho các hộ dân vùng ảnh hưởng thiên tai trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 và Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030. Chỉ đạo các ngành, các địa phương trên cơ sở quy hoạch, đề án, phương án bố trí dân cư chủ động tổ chức triển khai thực hiện xây dựng phương án sơ tán dân sinh sống ở khu vực ảnh hưởng thiên tai khi có báo động mưa, lũ để đảm bảo an toàn cho người dân.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!