Việc thanh tra, kiểm tra luôn được Sở TN&MT Thanh Hóa xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường được duy trì thực hiện công khai dân chủ, đúng pháp luật. Qua đó đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Trong năm 2017, Sở TN&MT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, lĩnh vực môi trường. Sở tiếp nhận, giải quyết 206 đơn khiếu nại, tố cáo được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Tham mưu trình UBND tỉnh cấp 49 giấy phép thăm dò, 58 giấy phép khai thác khoáng sản, 90 cơ sở sản xuất kinh doanh đã hoàn thành việc giám sát môi trường.
Đối với lĩnh vực môi trường, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra giám sát 100 tổ chức, cá nhân, xử phạt hành chính số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Trong lĩnh vực khoáng sản, ngoài tổ chức thanh tra theo kế hoạch sở còn tổ chức thêm 17 cuộc thanh tra đột xuất hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đối với 10 huyện, thị xã, thành phố. Kiểm tra về hoạt động khai thác khoáng sản đối với 57 mỏ, qua kiểm tra cho thấy nhiều mỏ trong quá trình khai thác đã vi phạm pháp luật, Sở trình UBND tỉnh thu hồi giấy phép 21 mỏ, yêu cầu 11 mỏ làm thủ tục đóng cửa mỏ, 17 mỏ hoàn thiện thủ tục hồ sơ theo quy định.
Về lĩnh vực đất đai, sở đã tiến hành kiểm tra 79 tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai. Kết quả kiểm tra sở đã đề nghị tỉnh thu hồi 122,49 ha đất của 21 dự án do chậm tiến độ dự án đầu tư xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích, Xử phạt vi phạm hành chính 7 đơn vị, với số tiền 49 triệu đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động khai thác kinh doanh tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn. Thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ môi trường sinh thái. Chấp hành pháp luật về tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh, phát hiện sớm và kịp thời xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiên quyết đình chỉ các hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường.
Tập trung rà soát, bổ sung các thủ tục hành chính ở các cấp, đảm bảo thống nhất, đơn giản, cắt giảm thời gian thực hiện. Cung cấp các dịch vụ trực tuyến về tài nguyên môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố quản lý chặt chẽ các điểm mỏ khai thác khoáng sản theo giấy phép được cấp. Kiểm tra các doanh nghiệp được cấp phép xả nước thải vào nguồn nước theo đúng quy định, để kịp thời phát hiện nếu vi phạm phải giải quyết dứt điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chánh Thanh sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong năm 2018 về việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Thanh tra các dự án đã được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh nhưng không triển khai hoặc triển khai trậm tiến độ; các dự án vi phạm quy định của nhà nước, nhất là các dự án ở các đô thị và khu vực ven biển. Thanh tra 40 dự án khoáng sản đã được cấp quyền khai thác nhưng khai thác không hiệu quả, lãng phí tài nguyên, không đảm bảo an toàn lao động, làm hư hỏng đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường; tập trung kiểm tra các đơn vị khai thác đá, đất làm vật liệu san lấp, phụ gia xi măng tại các huyện Hà Trung, Nông Cống, Tĩnh Gia, Như Thanh, Như Xuân, Ngọc Lặc...