“Lá chắn xanh” cản sóng, ngăn gió
Thực tế cho thấy, gần 20 năm qua, huyện Hậu Lộc đã trải qua biết bao cơn bão lớn, nhỏ, gây nhiều thiệt hại đáng kể. Chính vì vậy, rừng ven biển Hậu Lộc được xem như “lá chắn xanh” trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, góp phần giảm thiểu những tác động xấu của BĐKH, đồng thời mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Cánh rừng ven biển Hậu Lộc xanh mướt, trải dài tưởng chừng vô tận |
Qua thống kê, từ năm 2016 - 2020, diện tích rừng phòng hộ ven biển Hậu Lộc đạt hơn 373 ha, gần như phủ kín toàn bộ 12,5km dọc bờ biển. Đơn cử như xã Đa Lộc, diện tích rừng che phủ đạt 287,66 ha; xã Ngư Lộc đạt 17,2 ha; xã Hải Lộc đạt 63,96 ha…Trong những cánh rừng, một hệ sinh thái phong phú nuôi dưỡng hàng chục loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, vạng, trai, sò, cá, rong câu… ngày càng đa dạng, phong phú.
Để tiếp tục phủ kín rừng trên diện tích đất trống lâm nghiệp sẵn có, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND huyện Hậu Lộc rà soát, chuyển đổi diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác mà đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng… để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển. Trường hợp khu rừng ven biển đã giao cho hộ gia đình, tổ chức kinh tế nhưng có tầm quan trọng nhằm ứng phó với BĐKH thì Nhà nước xem xét thu hồi, mua lại hoặc bồi thường giá trị tài sản mà hộ gia đình, tổ chức đó đã đầu tư theo quy định của pháp luật để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.
Tiếp đó, để “đánh thức” tiềm năng của rừng ven biển, năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định phê duyệt Dự án trồng, phục hồi rừng ven biển Hậu Lộc, Quảng Xương với tổng mức đầu tư 93 tỷ đồng. Theo đó, quy mô dự án triển khai trồng rừng ngập mặn giảm sóng, ổn định bãi, bảo vệ tuyến đê biển, đê cửa sông huyện Hậu Lộc với tổng diện tích 228 ha trên đất quy hoạch rừng phòng hộ.
Năm 2020, huyện Hậu Lộc sẽ trồng mới 228 ha rừng |
Ông Lê Xuân Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Hiện nay, xã Đa Lộc đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trên diện tích nuôi ngao kém hiệu quả để phục vụ dự án trồng rừng ngập mặn ven biển. Năm 2020, toàn xã sẽ trồng 215,2 ha rừng, trong đó: Trồng bổ sung trên diện tích trống là 97,9 ha; trồng bổ sung tầng cây cao là 61,7 ha; trồng bổ sung tầng cây thấp là 55,6 ha. Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng công tác cải tạo, duy trì và phát triển gần 300 ha rừng tự nhiên và đã trồng.
Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNNT huyện Hậu Lộc cho biết: Chúng tôi đang phối hợp với Phòng TN&MT, UBND các xã có liên quan để tiến hành rà soát, điều tra thống kê, lập danh sách các hộ có diện tích nuôi ngao kém hiệu để chuyển sang trồng rừng ngập mặn. Năm 2020, có 5 xã ven biển Hậu Lộc sẽ trồng 228 ha rừng, đồng thời chú trọng phát triển các mô hình kinh tế, cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ sản xuất vùng ven biển như: Nuôi ong dưới tán rừng, nuôi thủy cầm trong rừng ngập mặn, nuôi thủy sản tự nhiên dưới tán rừng và nâng cấp công trình thủy lợi.
“Diệt” rác để giữ mãi màu xanh
Có dịp về thăm các xã ven biển Hậu Lộc, đi dọc tuyến đê biển, đập vào mắt chúng tôi là một màu xanh trải dài, xanh mướt của hàng trăm ha rừng ngập mặn. Để có được màu xanh đó, chính quyền và người dân Hậu Lộc đã nỗ lực hết mình trong công tác thu gom, xử lý rác thải ven biển. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường được chú trọng.
Một góc vùng biển xã Ngư Lộc, nay rác thải đã giảm đáng kể |
Theo ý kiến của người dân các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc, hầu hết mọi người đều đồng quan điểm cho rằng: Ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân ngày một nâng cao, nên rác thải ven biển đã giảm đáng kể, tình trạng người dân xả rác thải sinh hoạt rất hạn chế. Chúng tôi rất vui mừng khi những cánh rừng ngập mặn ngày càng được mở rộng, mang lại nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Về công tác thu gom, xử lý rác thải đã từng bước chuyển biến rõ nét, tình trạng vứt rác thải bừa bãi đã giảm. Năm 2019, huyện Hậu Lộc đã phối hợp các đơn vị tiến hành tổ chức thành công Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, tổ chức nhiều đợt ra quân dọn sạch bãi biển… Kết quả, tổng khối lượng thu gom xử lý rác thải tại xã Ngư Lộc đạt hơn 300 tấn, xã Hưng Lộc và Đa Lộc đạt 120 tấn.
Trao đổi với PV, ông Vũ Huy Cần, Trưởng phòng TN&MT huyện Hậu Lộc cho biết: Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh, UBND huyện Hậu Lộc đã giao UBND các xã Ngư Lộc, Hưng Lộc và Đa Lộc thường xuyên phối hợp với Công ty Vệ sinh Môi trường Hậu Lộc tổ chức dọn vệ sinh tại khu vực dọc tuyến đê biển từ xã Ngư Lộc đến hết địa phận xã Đa Lộc. Có thể thấy, việc phát triển kinh tế đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, phát triển hệ thống rừng ngập mặn ven biển đang được các địa phương hết sức chú trọng.